Các bài nổi bậtCác Đe dọa Bất đối xứngCác Vấn đề ChínhĐông Nam ÁKhu vựcNam ÁQuan hệ Đối tác

Chiến Đấu Với Những Mối Đe Dọa An Ninh Phi Truyền Thống

Các Quốc Gia Phải Thiết Lập Những Mối Quan Hệ Đối Tác Vững Chắc Để Đối Mặt Với Những Thách Thức Đang Biến Chuyển Trong Khu Vực

Sreeparna Banerjee và Pratnashree Basu/Observer Research Foundation

Một sự thay đổi trong quan niệm về an ninh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã dẫn đến việc điều chỉnh để thích nghi với các mối đe dọa phi quân sự — do đó, phi truyền thống — đối với an ninh. An ninh phi truyền thống (Nontraditional security – NTS) bao gồm nhiều mối lo ngại về an ninh cho con người như biến đổi khí hậu, thiếu hụt những nguồn tài nguyên như năng lượng và thực phẩm, bệnh truyền nhiễm, thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người và ma túy, và di cư số lượng lớn. Các nhà phân tích gọi đây là sự kết nối giữa an ninh và phát triển của con người. Các lĩnh vực NTS này thường nằm ngoài phạm vi của các cuộc thảo luận về những mối đe dọa cận kề hơn đối với an ninh quốc gia, chẳng hạn như xâm phạm lãnh thổ. Giải quyết những thách thức này cũng thường đòi hỏi sự tham gia của các nhân tố từ nhiều quốc gia.

Báo cáo này tìm hiểu xem sự hợp tác về các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có thể là chất xúc tác ra sao để xây dựng mối quan hệ đối tác vững mạnh hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Báo cáo phân tích hai phân đoạn riêng biệt nhưng có liên hệ với nhau. Đầu tiên, nó xác định các vấn đề chính ảnh hưởng đến các quốc gia ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, cũng như các quốc đảo Thái Bình Dương. Thứ hai, nó phân tích cách thức mà các nền tảng hợp tác như Đối thoại An ninh Bộ tứ, hay còn gọi là Bộ tứ, Diễn đàn Khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mạng lưới Chấm Xanh và Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (Indian Ocean Rim Association – IORA) có thể giảm thiểu các vấn đề NTS và cung cấp cơ hội cho các quốc gia về quản trị an ninh và hợp tác tốt hơn giữa các bên trong khu vực.

Các Vấn đề An ninh Phi truyền thống: Tổng quan

Nam Á 

Nam Á đã liên tiếp gặp thiên tai. Chẳng hạn như, vào năm 2004, một trận động đất và sóng thần đã tàn phá các đảo ven biển ở Ấn Độ Dương. Vào năm 2007, Bão Sidr đã hoành hành ở Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan và Bangladesh, và gây ra một thảm họa trên đường đi của nó. Vào năm 2020, Bão Amphan đã khiến gần 5 triệu người trên khắp Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ và Miến Điện phải đi sơ tán. Đó là một trong những thiên tai dẫn đến số lượng người dân phải di dời lớn nhất trên thế giới. Những thảm họa này gây ra tổn thất kinh tế và những vụ thương vong thảm khốc. Các tác động thường bị làm cho trầm trọng hơn do thiếu các hệ thống cảnh báo sớm và công tác ứng phó không hiệu quả. 

Trong những năm gần đây, các quốc gia trong khu vực đã phải đối mặt với những mối đe dọa NTS ngày càng tăng liên quan đến biến đổi khí hậu. Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc dự đoán rằng mực nước biển dâng sẽ có những ảnh hưởng tai hại ở những phần thấp trong khu vực. Trong khi đó, người ta quan sát thấy những tảng băng đang nhỏ lại ở dãy Himalaya. Điều này có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các hệ thống sông ngòi. 

Binh sĩ Quân đội Philippines cung cấp bữa ăn cho các nạn nhân của Siêu bão Odette, còn được gọi là Bão Rai, là cơn bão mạnh nhất và có sức tàn phá nặng nề nhất ập vào Philippines vào năm 2021. Reuters

Hơn nữa, lượng người di cư do biến đổi khí hậu ngày càng nhiều lên. Trong một báo cáo vào năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã dự đoán rằng đến năm 2050, hơn 140 triệu người sẽ rời khỏi quê hương của họ do biến đổi khí hậu. Hoạt động di cư do biến đổi khí hậu không chỉ làm gia tăng căng thẳng và tình trạng bất bình đẳng mà còn dẫn đến những hệ quả về khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Bangladesh đã trở thành một điểm nóng điển hình về hiện tượng này. Bangladesh gặp khó khăn chồng chất khó khăn khi tiếp nhận dòng người Rohingya di cư từ Miến Điện. Theo Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, trong số 1 triệu người Rohingya phải di tản và người từ Miến Điện đi xin tị nạn ở các nước láng giềng, 860.000 người hiện ở Bangladesh.

Về vấn đề này, một loạt các biện pháp di cư có thể được xem xét, bao gồm lồng ghép di cư vào các sáng kiến phát triển quốc gia; hợp nhất các khuôn khổ về di cư và hỗ trợ nhân đạo; và phát triển các chương trình tập huấn toàn diện về ứng phó nhân đạo cho các bên liên quan ở địa phương. Các chiến lược khác có thể bao gồm tăng cường quan hệ đối tác công tư; đảm bảo sự tham gia của các nhóm xã hội dân sự; và trao quyền cho người di cư và các cộng đồng ở nước ngoài. 

Đông Nam Á 

Đông Nam Á tiếp tục là một điểm nóng cho các băng đảng ma túy bất hợp pháp hoạt động trên khắp Tam giác Vàng, vốn được coi là khu vực sản xuất ma túy lớn thứ hai thế giới và là nơi sản xuất thuốc phiện hàng đầu. 

Liên Hợp Quốc ước tính rằng lượng cây anh túc được trồng ở Miến Điện đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2006 và hiện trải rộng trên 60.703 hecta. Mặc dù nền kinh tế của Miến Điện có tăng trưởng một chút trước khi cuộc đảo chính xảy ra, nhưng các khu vực ngoại vi vẫn không được hưởng lợi từ các dự án phát triển và, do đó, các hoạt động như trồng cây anh túc vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Tuy rằng Liên Hợp Quốc đã cố gắng can thiệp bằng cách giới thiệu các cây trồng thay thế ở Miến Điện, cũng như ở Lào, buôn bán ma túy đã phát triển nhanh chóng, đặt ra những thách thức cho cả các quốc gia khác. 

Chẳng hạn như Việt Nam, quốc gia có một số luật về ma túy nghiêm ngặt nhất thế giới, là một trung tâm trung chuyển heroin và methamphetamine. Các quốc gia như Nhật Bản, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hàn Quốc, cùng với các quốc gia ASEAN, đang chứng kiến sự thay đổi từ việc sử dụng heroin sang các chất kích thích loại amphetamine được buôn lậu và vận chuyển từ Tam giác Vàng.

Tương tự như Nam Á, các quốc gia Đông Nam Á — đặc biệt là Indonesia, Miến Điện, Philippines, Thái Lan và Việt Nam — đang gặp phải các mối đe dọa liên quan đến biến đổi khí hậu. Liên Hợp Quốc dự đoán rằng nguy cơ lũ lụt và hạn hán sẽ tăng lên đối với Đông Nam Á trong 10 năm tới, dẫn đến tổn thất kinh tế chiếm 3% tổng sản phẩm quốc nội đối với Philippines, 2% đối với Lào và trên 1,5% đối với Campuchia.

Các mối đe dọa khác cũng nghiêm trọng không kém: Độ che phủ rừng ở Indonesia đã giảm từ 65,4% vào năm 1990 xuống còn 50,2% vào năm 2013 do khai thác dầu cọ quá mức; rác thải nhựa từ một số nước Đông Nam Á (cùng với Trung Quốc) chiếm một nửa lượng rác thải nhựa trong các đại dương của thế giới; và các quốc gia như Indonesia và Philippines liên tục bị đe dọa bởi động đất và các thảm họa liên quan, do vị trí trong Vành đai Lửa Thái Bình Dương. 

Các Quốc Đảo ở Thái Bình Dương 

Mặc dù phát thải khí nhà kính của các quốc đảo Thái Bình Dương vẫn ở mức thấp, nhưng không thể coi thường những mối đe dọa đến từ quá trình nóng lên toàn cầu đối với những hòn đảo này, đặc biệt là mực nước biển dâng. Các quốc gia này cũng phải đối mặt với tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, và khai thác các nguồn tài nguyên theo cách bất hợp pháp và không bền vững. Họ thường có nguồn lực hạn chế để chống đỡ với các mối đe dọa và, do đó, sẽ cần sự giúp đỡ của các đối tác đa phương.

Hợp tác về các Mối Đe dọa Phi truyền thống

Người ta không thiếu những quan hệ đối tác được thiết kế để củng cố an ninh thông thường. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi của các cơ chế hiện có để bao gồm hoạt động giảm thiểu các mối đe dọa NTS và tạo ra những khuôn khổ hợp tác mới là vấn đề khẩn thiết.

Trong những năm qua, khuôn khổ an ninh cấp khu vực của ASEAN đã liên tục gặp sóng gió đến từ những thách thức an ninh phi truyền thống. Những thách thức ấy bao gồm cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, giai đoạn bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng vào năm 2002-03, dịch cúm gia cầm vào năm 2007 và gần đây nhất là đại dịch COVID-19 lây lan ra khắp thế giới vào năm 2020. 

ASEAN đã thiết lập một số cơ chế để đối phó với những thách thức như vậy. Ví dụ, Hiệp định ASEAN về Quản lý Thiên tai và Ứng phó Khẩn cấp là cột trụ chính sách để các quốc gia thành viên tăng cường nỗ lực tập thể nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với thiên tai. Trong khi đó, Diễn đàn Khu vực ASEAN là nơi các thành viên thảo luận về các vấn đề an ninh và phát triển các biện pháp hợp tác để tăng cường hòa bình và an ninh trong khu vực thông qua việc thiết lập chính sách. Về phần mình, Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN đã mở đường cho các quốc gia để tiến hành hợp tác an ninh và theo đuổi sự liên kết chính trị. 

Một sĩ quan Indonesia canh gác một tàu của Việt Nam bị nghi ngờ là đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. REUTERS

Kế hoạch Hành động của ASEAN về Chống Buôn bán Người, Đặc biệt là Phụ nữ và Trẻ em, đề xuất những bước cụ thể trong ranh giới của luật pháp và chính sách trong nước của các quốc gia thành viên ASEAN, cũng như các nghĩa vụ quốc tế có liên quan. Mục tiêu là để giải quyết các thách thức trong khu vực mà tất cả các quốc gia thành viên đều gặp phải. 

Vào đầu năm 2020, các quốc gia thành viên ASEAN đã ứng phó với đại dịch COVID-19 bằng cách ban hành lệnh hạn chế di chuyển và xúc tiến việc chia sẻ thông tin. 

ASEAN cũng làm việc với các quốc gia khác trên các nền tảng khác nhau, ví dụ, sáng kiến ASEAN Cộng Ba với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Khối liên minh này cũng làm việc với Ấn Độ trong Cuộc Diễn tập Cứu trợ Thiên tai của Diễn đàn Khu vực ASEAN. Thật vậy, Ấn Độ mong muốn được xây dựng mối quan hệ thân thiết với Trung tâm Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo về Quản lý Thiên tai của ASEAN. Trong đại dịch COVID-19, Ấn Độ cũng đã bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với ASEAN trong hoạt động sản xuất thuốc gốc và công nghệ y tế. 

Mạng lưới Điểm Xanh 

Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã ra mắt Mạng lưới Điểm Xanh (Blue Dot Network) vào năm 2019 để thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Phối hợp với các quốc gia như Ấn Độ, mạng lưới này nhấn mạnh các dự án bền vững, bao gồm thông qua quá trình chứng nhận. Một thỏa thuận quan trọng của mạng lưới liên quan đến dự án “thành phố thông minh” ở các nước ASEAN. Một số bên cũng đã đề xuất một Chợ Điểm Xanh (Blue Dot Marketplace) để giúp các quốc gia đạt được cơ sở hạ tầng bền vững bằng cách xác định các tác động tiềm tàng đối với an ninh lương thực, thiên tai và y tế. 

Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương 

IORA (Indian Ocean Rim Association) đặt mục tiêu tăng cường sự hợp tác trong khu vực và phát triển bền vững thông qua 23 quốc gia thành viên và 10 đối tác đối thoại của hiệp hội. Nhóm này giải quyết nhiều thách thức an toàn và an ninh truyền thống và phi truyền thống mà các thành viên phải đối mặt, bao gồm cướp biển, cướp có vũ trang trên biển, khủng bố, buôn người, di cư không có giấy tờ hợp pháp và buôn bán động vật hoang dã, ma túy và vũ khí. Ngoài ra còn có những thách thức như đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated – IUU), suy thoái sức khỏe đại dương và khai thác bất hợp pháp các nguồn tài nguyên biển. Tất cả những vấn đề này đều bị biến đổi khí hậu làm cho trầm trọng hơn. 

Vào tháng 1 năm 2021, cuộc họp đầu tiên của nhóm chuyên gia IORA về quản lý rủi ro thiên tai đã thiết lập một lộ trình để thành lập Nhóm Công tác IORA về Quản lý Rủi ro Thiên tai.

Các quốc gia thành viên cũng đã hoàn thiện những hướng dẫn cho các hoạt động viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (humanitarian assistance and disaster relief – HADR) ở Ấn Độ Dương. IORA cần tăng cường sự hợp tác để chống lại các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, dựa trên đề xuất Kế hoạch Hành động của IORA về một nhóm công tác thường trực về an toàn và an ninh hàng hải.

BIMSTEC 

Sáng kiến Vịnh Bengal về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Đa lĩnh vực (Bay of Bengal Initiative for Multi-Sectoral Technical and Economic Cooperation – BIMSTEC) — bao gồm Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Miến Điện, Nepal, Sri Lanka và Thái Lan — đã xác định cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm quốc tế có tổ chức là một trong những điều kiện tiên quyết để tăng trưởng bền vững và duy trì hòa bình trong khu vực. Công ước BIMSTEC về Hợp tác Chống Khủng bố Quốc tế, Tội phạm có Tổ chức Xuyên Quốc gia và Buôn bán Ma túy Bất hợp pháp, được thông qua vào năm 2009, là một biện pháp xây dựng lòng tin cho các quốc gia thành viên để cùng nhau chiến đấu với những thách thức đó, điều chỉnh theo luật pháp và quy định trong nước của họ. 

Mặc dù công ước gồm 15 điều không đề cập đến buôn bán người hoặc di cư không có giấy tờ, nhưng các cố vấn an ninh quốc gia của các thành viên BIMSTEC đã và đang họp hàng năm và các quốc gia đang trong quá trình phê chuẩn cơ chế hợp tác. Sau đó, các cố vấn an ninh quốc gia sẽ phát triển các biện pháp cho sự hợp tác và phối hợp trong việc thực thi pháp luật, tình báo và an ninh. Điều này có thể thúc đẩy công tác xây dựng năng lực của bộ máy bảo mật và cho phép chia sẻ thông tin trong thời gian thực. Trong quản lý thiên tai, BIMSTEC có thể tạo điều kiện cho sự hợp tác về xây dựng năng lực thông qua việc chia sẻ kiến thức và chuyên môn kỹ thuật, thiết lập quy trình hoạt động tiêu chuẩn, cũng như thiết lập và cấp kinh phí cho một lực lượng ứng phó với thiên tai. 

Những Diễn đàn có Ít Thành viên 

Bộ tứ 

Đối thoại An ninh Bộ tứ (Quadrilateral Security Dialogue), hay còn gọi là Bộ tứ (Quad), là một quan hệ đối tác chiến lược giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Nhóm này dựa trên sự quan tâm chung của các thành viên về việc đảm bảo sự thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mục tiêu của Bộ tứ bao gồm hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ và vật liệu quan trọng, chuỗi cung ứng đáng tin cậy, cơ sở hạ tầng, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, các vấn đề mạng, ứng phó với COVID-19, sản xuất vắc-xin và biến đổi khí hậu, và có thể bao gồm các nước ASEAN về sự hợp tác cho từng vấn đề.

Bộ tứ cũng đang phát triển một cấu trúc mạnh mẽ để quản lý thiên tai và xây dựng năng lực trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Quan hệ ba bên Úc – Ấn Độ – Nhật Bản 

Tầm quan trọng địa chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể là điểm hoàn hảo để Úc, Ấn Độ và Nhật Bản xây dựng sự hợp tác và thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ. 

Ba quốc gia cam kết sẽ cung cấp HADR cho nhau và các nước láng giềng. Ngoài ra, Ấn Độ và Nhật Bản đã thực hiện các cuộc tập trận chung tập trung vào các hoạt động HADR. Đại dịch COVID-19 cũng là dịp để ba quốc gia hợp tác trong công tác phát triển khoa học và năng lực nghiên cứu thông qua việc chia sẻ vật tư y tế và hoạt động HADR. 

Một thách thức nữa là hoạt động đánh bắt cá IUU. Vấn nạn này đã tăng mạnh do nhu cầu của người tiêu dùng và đe dọa sẽ làm tình trạng khan hiếm tài nguyên càng trầm trọng thêm. Ngoài ra còn có những mối đe dọa về các tội phạm hàng hải như cướp biển, buôn bán và buôn lậu, và lao động cưỡng bức. Là khu vực có các cộng đồng ngư dân lớn, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản nên mở rộng phạm vi hoạt động của mình bằng cách hợp tác với nhau thông qua IORA, cũng như các nền tảng nhắm mục tiêu khác như Ủy ban Cá ngừ Ấn Độ Dương.

Một Trật tự Mới trong Khu vực

Sự xuất hiện của các nhóm ba bên, nhóm nhỏ và nhóm đa phương, và ngày càng có nhiều các quốc gia cùng chí hướng hợp tác song phương, là những phát triển quan trọng giúp định hình trật tự mới trong khu vực. Cùng lúc đó, những lựa chọn chiến lược được thiết kế theo lợi ích và mục tiêu quốc gia sẽ tiếp tục là đặc điểm nổi bật của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Các quốc gia nên theo đuổi các chiến lược và kế hoạch hành động cấp khu vực để giải quyết những mối đe dọa khác nhau về an ninh phi truyền thống. Các nhân tố nhà nước và phi nhà nước có thể mở rộng những khuôn khổ và sáng kiến hiện có trong khu vực và đặt ra thêm kế hoạch hành động nhắm mục tiêu. 

Sự hợp tác dựa trên chức năng mà tập trung vào các mục tiêu hữu hình và có thể đo lường đang nhanh chóng trở thành một phương thức hợp tác được ưa chuộng, ngoài hình thức truyền thống là quan hệ đối tác dựa trên những vấn đề cấp thiết về kinh tế hoặc an ninh. Các diễn đàn có ít thành viên đã xuất hiện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong vài năm qua và đang hướng tới một cấu trúc hợp tác dựa trên chức năng. Điều này có thể mang lại lợi ích trong việc đạt được sự tiến bộ trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống.  o

Observer Research Foundation, có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ, đã công bố báo cáo này lần đầu vào tháng 3 năm 2022. Bài phát biểu đã được biên tập để phù hợp với hình thức của DIỄN ĐÀN. Xem toàn bộ báo cáo gốc tại https://www.orfonline.org/research/strengthening-partnerships-to-counter-non-traditional-security-threats-in-the-indo-pacific/. 

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button