Các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tăng cường hợp tác trong bối cảnh các mối đe dọa mạng vẫn tiếp diễn
Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Xây dựng khả năng phục hồi, lòng tin và sự tự tin trong không gian mạng vẫn là một ưu tiên chính giữa các quốc gia có chung tầm nhìn về một Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở, theo Đối thoại An ninh Bộ tứ (Quadrilateral Security Dialogue), hay còn gọi là Bộ tứ (Quad), bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Các mối đe dọa vẫn tồn tại đến từ phần mềm tống tiền (ransomware) và các cuộc tấn công mạng bất hợp pháp khác của Bắc Triều Tiên và những kẻ xấu khác tiếp tục tạo ra cơ hội cho các quốc gia ủng hộ một tầm nhìn bao trùm và dựa trên luật lệ. Những mối đe dọa này đang giúp vun đắp những mối quan hệ đối tác mới và mở rộng, đặc biệt là giữa các quốc gia trong Bộ tứ.
Ví dụ mới nhất về những mối quan hệ ngày càng thân thiết này là thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào tháng 11 năm 2022 rằng nước này đã chính thức gia nhập Trung tâm Xuất sắc về Hợp tác Phòng thủ Mạng (Cooperative Cyber Defence Centre of Excellence – CCDCOE) của NATO, nơi thúc đẩy sự hợp tác giữa các chuyên gia trong nghiên cứu, đào tạo và các cuộc diễn tập về công nghệ, chiến lược, hoạt động và luật pháp.
Ông Yoichiro Sato, một giáo sư nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Ritsumeikan châu Á Thái Bình Dương ở Nhật Bản, nói với tờ South China Morning Post vào tháng 11 năm 2022: “Hàng rào phòng thủ mạng vững chắc hơn của Nhật Bản sẽ nâng cao khả năng tự vệ của quốc gia và đồng thời tạo điều kiện cho khả năng phòng thủ tập thể chặt chẽ hơn với các đồng minh”.
Theo tờ South China Morning Post, Nhật Bản đã đưa an ninh mạng vào kế hoạch nhằm tăng cường năng lực phòng thủ trong 5 năm tới và dự định đến năm 2027 sẽ tăng nhân sự về phòng thủ mạng tại bộ chỉ huy an ninh mạng từ 890 lên khoảng 5.000 người. Ông Bart Hogeveen, người đứng đầu bộ phận xây dựng năng lực mạng tại Trung tâm Chính sách Mạng Quốc tế thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc, nói với tờ báo, thông báo của Nhật Bản về NATO là một phần trong “nỗ lực chung nhằm tăng cường mối quan hệ giữa các đồng minh và đối tác cùng chí hướng trong việc ngăn chặn các hoạt động độc hại ở cấp nhà nước trên không gian mạng và bảo vệ một trật tự dựa trên quy tắc, cũng như trong lĩnh vực kỹ thuật số”.
Theo Mandiant, một công ty về an ninh mạng có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong năm 2023, các quốc gia sẽ phải đối mặt với số lượng cuộc xâm nhập lớn hơn từ những kẻ tấn công không thuộc tổ chức và nhà nước nào. Mandiant cũng dự đoán rằng Iran, Bắc Triều Tiên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Nga sẽ “hoạt động mạnh” vào năm 2023, sử dụng các cuộc tấn công phá hoại, hoạt động thông tin và những sự đe dọa về mặt tài chính.
Bộ tứ đã tạo ra Đối tác An ninh mạng để giải quyết các mối đe dọa như vậy, đặc biệt là từ Bắc Triều Tiên.
Các nhà lãnh đạo Bộ tứ cho biết trong một thông cáo chung sau hội nghị thượng đỉnh Tokyo vào đầu năm 2022: “Trong một thế giới ngày càng sử dụng nhiều kỹ thuật số với các mối đe dọa an ninh mạng, chúng tôi ghi nhận một nhu cầu cấp bách phải có cách tiếp cận tập thể đối với tăng cường an ninh mạng”.
Nhà Trắng ước tính rằng Bình Nhưỡng đã cấp kinh phí cho 30% các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình thông qua các hoạt động mạng bất hợp pháp.
Vào tháng 11 năm 2022, bà Anne Neuberger, phó cố vấn an ninh quốc gia về an ninh mạng và công nghệ đang hình thành của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết: “Hoạt động mạng độc hại của Bắc Triều Tiên thực sự đáng lo ngại”. “Quý vị đã thấy chúng tôi đã quy trách nhiệm cho một số cuộc tấn công mạng của Bắc Triều Tiên nhằm vào cơ sở hạ tầng tiền điện tử mà chúng tôi tin rằng đã mang về cho Bắc Triều Tiên những khoản tiền lớn.”
Bà Neuberger cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh của mình đang sử dụng nhiều công cụ để tìm ra hoạt động bất hợp pháp trên mạng của Bắc Triều Tiên và trừng phạt những người chịu trách nhiệm. “Công việc của chúng tôi trong việc chống lại hoạt động mạng độc hại của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thực hiện cả với các đồng minh và đối tác thân cận, bao gồm hợp tác về tình báo liên quan đến mối đe dọa, liên quan đến chính các tác nhân, cũng như làm việc để khiến việc chuyển tiền bất hợp pháp thông qua cơ sở hạ tầng tiền điện tử trở nên khó khăn hơn”, bà nói, sử dụng tên chính thức của Bắc Triều Tiên.
Các nhà lãnh đạo của Bộ tứ đã cam kết sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng mạng quan trọng bằng cách chia sẻ thông tin về mối đe dọa, xác định và đánh giá các rủi ro tiềm ẩn về chuỗi cung ứng cho các sản phẩm và dịch vụ được sử dụng theo phương thức kỹ thuật số, điều chỉnh các tiêu chuẩn bảo mật phần mềm cơ sở cho hoạt động mua sắm của chính phủ và tận dụng sức mua tập thể để cải thiện hệ sinh thái phát triển phần mềm. Úc sẽ chịu trách nhiệm về bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, Ấn Độ sẽ tập trung vào khả năng phục hồi và an ninh của chuỗi cung ứng, Nhật Bản về phát triển lực lượng lao động và tài năng, và Hoa Kỳ về các tiêu chuẩn bảo mật phần mềm. Cùng nhau, họ đặt mục tiêu ngăn chặn các sự cố mạng, chuẩn bị những năng lực ở cấp quốc gia và quốc tế cho các sự cố có thể xảy ra, và ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các sự cố nếu cần thiết.
Theo các nguyên tắc của Đối tác An ninh mạng, “Chúng tôi có chung những mối quan ngại nghiêm trọng về các mối đe dọa ngày càng phức tạp và mang tính phá hoại lớn hơn, bắt nguồn từ các tác nhân mạng độc hại cũng như những rủi ro mà chúng gây ra đối với an ninh quốc gia và khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc tăng cường sự phối hợp của các nỗ lực tương ứng nhằm củng cố việc xây dựng năng lực của các thành viên Bộ tứ và các đối tác của họ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao nỗ lực tập thể để tăng lực lượng lao động an ninh mạng, dựa trên sự công nhận chung rằng các cuộc tấn công mạng đang gia tăng và trở nên phức tạp hơn, và chúng tôi cũng có chung thách thức trong việc tạo ra đủ chuyên môn. Ngoài việc xây dựng năng lực, các thành viên Bộ tứ sẽ hợp tác để nâng cao lực lượng lao động của tất cả các bên về an ninh mạng và tập hợp các chuyên gia an ninh mạng tài năng của chúng tôi.”
HÌNH ẢNH: ISTOCK