Các Vấn đề ChínhĐông Nam ÁKhu vựcNhững Khu vực Chung của Thế giới

Các nhà lãnh đạo G-20: Nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá bởi cuộc chiến ở Ukraina

Gusty Da Costa

Các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 ở Bali, Indonesia, đã chỉ trích cuộc chiến của Nga ở Ukraina làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu và gây tổn hại đến an ninh và sinh kế.

Lượng thực phẩm có sẵn, chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi kỹ thuật số, được xác định là đóng vai trò then chốt đối với an ninh của mọi quốc gia, là những vấn đề hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 17 của các quốc gia công nghiệp và thị trường đang phát triển vào giữa tháng 11 năm 2022. Nhưng cuộc chiến đang diễn ra chiếm vị trí trọng tâm trong các hoạt động.

Indonesia đã được khen ngợi vì đã tập hợp các nhà lãnh đạo thế giới lại với nhau giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh của họ, các nhà lãnh đạo đã lên án hành động xâm lược của Nga ở Ukraina và yêu cầu Nga phải ngay lập tức rút khỏi quốc gia có chủ quyền này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không có mặt tại hội nghị thượng đỉnh, mặc dù quốc gia của ông là một thành viên của G-20. Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov, đã tham dự nhưng bỏ về sớm trước một ngày sau khi chê trách là hội nghị thượng đỉnh bị “chính trị hóa”.

Bà Adriana Elisabeth, một nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia của Jakarta, nói với DIỄN ĐÀN tại hội nghị thượng đỉnh: “Thành công của Indonesia tại sự kiện này sẽ khiến quốc gia được tôn trọng trên trường quốc tế”. “Sự đồng thuận đạt được trong diễn đàn G-20 này sẽ đánh dấu trật tự kinh tế toàn cầu và các công việc cụ thể về những vấn đề y tế, biến đổi khí hậu và kinh tế kỹ thuật số.”

Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ghi nhận sự kết nối giữa các thách thức trên toàn thế giới như chiến tranh, những khó khăn về tài chính do đại dịch COVID-19 gây ra, cũng như an ninh năng lượng và lương thực.

“Điều tối quan trọng là phải tính đến vấn đề phân bón bằng cách đảm bảo có đủ phân bón với giá cả phải chăng,” ông Widodo phát biểu. “Các khu vực khác nhau trên thế giới đang gặp phải tình trạng thiếu phân bón, với 48 quốc gia đang phát triển bị thiếu lương thực trầm trọng.”

Ông nói rằng có một nhu cầu cấp thiết phải áp dụng “mô hình hợp tác” giữa các quốc gia. “Chúng ta chịu trách nhiệm không chỉ với người dân của chúng ta mà còn với người dân trên toàn thế giới,” ông Widodo nói. “Chịu trách nhiệm ở đây cũng có nghĩa là chấm dứt chiến tranh. Nếu không chấm dứt chiến tranh, thế giới sẽ không thể tiến lên phía trước”. (Ảnh: Tổng thống Indonesia Joko Widodo, bên phải, bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali vào tháng 11 năm 2022 bằng cách chuyển chiếc búa cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, quốc gia của ông này sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào năm 2023.)

Ông Widodo nhấn mạnh các thành tựu của hội nghị thượng đỉnh, bao gồm việc thành lập một quỹ về đại dịch trị giá 37 nghìn tỷ đồng (1,5 tỷ đô la Mỹ), và một quỹ về phục hồi và bền vững có tổng ngân sách là 2 triệu tỷ đồng (81,6 tỷ đô la Mỹ). Ông cũng công bố Quỹ Cơ chế Chuyển đổi Năng lượng cho Indonesia, một sáng kiến đa phương trị giá 490 nghìn tỷ đồng (20 tỷ đô la Mỹ) do Nhật Bản và Hoa Kỳ dẫn dắt.

Indonesia phải chuyển đổi để chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào than đá, ông Airlangga Hartarto, bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế của quốc gia, nói với các phóng viên. Ông cho biết Quan hệ đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu, được ra mắt bởi Nhóm Bảy Cường quốc công nghiệp hàng đầu vào tháng 6 năm 2022, cũng sẽ giúp Jakarta đạt được mục tiêu của mình.

Để tối đa hóa lợi ích của quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là cho phụ nữ, trẻ em gái và nhóm dân cư dễ bị tổn thương, tuyên bố của các nhà lãnh đạo G-20 khuyến khích sự hợp tác quốc tế để phát triển kiến thức và kỹ năng kỹ thuật số.

“Việc hội nhập kỹ thuật số rất quan trọng vì nếu không có thông tin đầy đủ, đáng tin cậy, những người trẻ như chúng tôi có thể khó có khả năng tạo ra những kết nối rộng rãi để có thể tiến xa hơn”, bao gồm tìm kiếm việc làm, Dewa Ayu Adina Angelia, một sinh viên tại Học viện Công nghệ Bandung của Indonesia, nói với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh.

Gusty Da Costa là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Indonesia.

 

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button