Các bài nổi bậtCác Đe dọa Bất đối xứngCác Vấn đề ChínhĐông Nam ÁKhu vựcQuan hệ Đối tác

Các Lực Lượng Đồng Minh

Cuộc Tập Trận Balikatan Thường Niên Đưa Liên Minh Philippines - Hoa Kỳ Sang Một Kỷ Nguyên Mới

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Trong một kịch bản phòng thủ giả định, Lực lượng Vũ trang Philippines (Armed Forces of the Philippines, viết tắt là AFP) và binh sĩ Hoa Kỳ đã đáp một số hệ thống tên lửa bề mặt-đối-không Patriot xuống cả mặt nước và đất liền ở bãi biển Luzon ở phía bắc Philippines và sau đó vận chuyển chúng đến các khu vực trong đất liền. Ngoài khơi bờ biển phía bắc của Luzon, những chiếc máy bay trực thăng Black Hawk của Philippines cùng với Apache và Chinook của Hoa Kỳ đã phối hợp hoạt động giữa các sàn tàu cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, các lực lượng kết hợp và liên quân đã cho khinh khí cầu bay ở độ cao lớn từ Miền trung Luzon để diễn tập việc đưa một tình huống khó xử khi nhắm mục tiêu cho một đối thủ tiềm năng.

Thông qua các hoạt động sôi nổi như vậy, Balikatan 2022 đã đưa khả năng tương tác, quan hệ hợp tác và liên minh giữa Philippines và Hoa Kỳ lên một tầm cao mới. Năm thứ 37 của cuộc tập trận này kéo dài từ ngày 28 tháng 3 đến ngày 8 tháng 4 năm 2022 và đã làm sâu sắc thêm ý nghĩa của tên cuộc tập trận trong tiếng Tagalog — “vai kề vai” — và thể hiện cách thức mà liên minh ngày càng mạnh lên này tăng cường khả năng ngăn chặn tích hợp trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Trọng tâm của Balikatan 2022, một cuộc tập trận chỉ huy và kiểm soát chưa từng có và vô cùng thực tế đã giúp đặt nền móng cho một Balikatan sẽ diễn ra vào năm 2023 thậm chí còn phức tạp hơn. Cuộc tập trận tổng thể đã trình diễn nhiều thành tựu công nghệ lần đầu tiên đạt được giữa các lực lượng quân đội và thúc đẩy tinh thần đồng đội có một không hai giữa các binh sĩ đồng tâm hiệp lực. Lực lượng Không quân, Lục quân, Lực lượng Cảnh sát Biển, Thủy quân lục chiến, Hải quân và các lực lượng hoạt động đặc biệt của Philippines đã phối hợp với Lực lượng Không quân, Lục quân, Thủy quân lục chiến, Hải quân, Lực lượng Không gian Vũ trụ và Bộ chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt của Hoa Kỳ để tiến hành một loạt các sự kiện chung và kết hợp về khả năng tương tác như diễn tập tấn công trên không, diễn tập bắn đạn thật kết hợp hai bên, huấn luyện trong môi trường đô thị và cung cấp hỗ trợ nhân đạo. Khoảng 4.200 AFP và 4.440 binh sĩ Hoa Kỳ đã thể hiện việc sử dụng những năng lực hiện tại, sáng tạo ra những năng lực mới và triển khai chúng cùng nhau theo những cách mới lạ, tích hợp sẽ giúp tăng cường khả năng ngăn chặn như thế nào. 

Đề cập đến chương trình chuyển đổi quân đội sang trọng tâm phòng thủ bên ngoài của AFP, Thiếu tướng AFP Jeffrey Hechanova, phó tổng tham mưu trưởng về các kế hoạch, nói với DIỄN ĐÀN rằng “chúng tôi rất vui mừng trong năm nay vì chúng tôi có thể sử dụng một số thiết bị mà chúng tôi đã mua trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa”.

“Trước đây, chúng tôi chỉ được nhìn máy bay hoặc máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bay lượn. Giờ đây, chúng tôi sẽ bay cùng nhau vì những chiếc máy bay FA-50 của chúng tôi đã đến nơi. Giờ đây, chúng tôi sẽ ra khơi cùng nhau vì chúng tôi có một số tàu hộ vệ đã đến nơi. Chúng tôi đang tiến hành các hoạt động kết hợp thủy bộ cùng nhau vì chúng tôi cũng có một số thiết bị. Chúng tôi có vài thiết bị phòng không đã đến. Chúng tôi có một số đại bác lòng ngắn,” ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Doanh trại Aguinaldo, tổng hành dinh của AFP ở Thành phố Quezon ở ngoại ô thành phố Manila, nơi đặt trung tâm chỉ huy của Balikatan.

Những Kết nối Con người

Balikatan 2022 phản ánh mối quan hệ lịch sử và văn hóa vững bền giữa Philippines và Hoa Kỳ cũng như cam kết chung của hai quốc gia về dân chủ và nhân quyền. Điều này được thể hiện mỗi ngày trong mối quan hệ nồng ấm giữa người dân hai nước và những liên kết kinh tế mạnh mẽ. Hơn 4 triệu người Mỹ gốc Philippines sống ở Hoa Kỳ, và gần 300.000 công dân Hoa Kỳ cư trú ở Philippines. 

Thủy quân lục chiến Philippines bảo vệ một bãi biển ở Claveria, tỉnh Cagayan, trong Balikatan 2022. THE ASSOCIATED PRESS

Các hoạt động kỹ thuật dân dụng của Balikatan — bao gồm việc xây dựng bốn trường tiểu học có khả năng chống chịu với khí hậu khắc nghiệt và thực hiện nhiều hoạt động y tế cộng đồng, chủ yếu ở các tỉnh phía bắc — nhấn mạnh rằng trên hết, an ninh xoay quanh việc nâng cao sức mạnh cho người dân địa phương để họ đạt được những gì họ cần nhằm đem sự thành công đến xã hội của họ. “Chúng tôi đã có thể thắt chặt tình đoàn kết giữa các lực lượng của hai nước đồng thời xây dựng mối quan hệ giữa các cộng đồng được hưởng lợi,” đặc biệt là ở các tỉnh Cagayan và Isabela, Đại tá của AFP Arman Mampusti, một nhà hoạch định cho Văn phòng của Phó Tham mưu về các Hoạt động Dân sự – Quân sự, người điều phối các dự án này, nói với DIỄN ĐÀN. “Cá nhân tôi có thể nói rằng các cộng đồng đã học hỏi được rất nhiều từ những việc chúng tôi làm trong năm nay. Các khóa đào tạo cơ bản về duy trì sự sống, sơ cứu, nước và vệ sinh, cũng như huấn luyện cơ bản về sinh tồn sẽ mang lại lợi ích cho họ trong những thời điểm cần những kỹ năng này”, ông Mampusti nói. “Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng khi mọi điều khác đã qua đi, một di sản vững bền mà Balikatan sẽ để lại là các cơ sở vật chất đã được xây dựng. Tôi chỉ muốn chúng ta hình dung có bao nhiêu cậu bé và cô bé sẽ theo học ở những ngôi trường này rồi tốt nghiệp từ đây, và bao nhiêu người sẽ được hưởng lợi khi các trường học được sử dụng làm địa điểm sơ tán trong các cơn bão và những thiên tai khác.”

Quan hệ an ninh giữa Philippines và Hoa Kỳ có gốc rễ sâu xa trong việc bảo vệ các giá trị chung và lợi ích chung như vậy, các nhà lãnh đạo của cuộc tập trận nhấn mạnh. “Đó luôn là khái niệm nền tảng của Balikatan, vai kề vai, cùng nhau giải quyết mọi việc,” ông Hechanova nói với DIỄN ĐÀN. “Philippines và Hoa Kỳ có một lịch sử rất dài. Chúng tôi đã chiến đấu cùng nhau trong Thế chiến II, chúng tôi đã chiến đấu cùng nhau ở Triều Tiên-Hàn Quốc, chúng tôi đã chiến đấu cùng nhau ở Việt Nam. Đây là lịch sử của hai lực lượng vũ trang. Balikatan lúc này là một sự phản ánh cách mà các năng lực của chúng tôi đang kết hợp cùng nhau để tăng cường an ninh chung của chúng tôi, đứng ở khu vực này của thế giới.”

Để thúc đẩy sự hợp tác quốc phòng lớn hơn trong khu vực với các đồng minh, đối tác và các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, AFP cũng đã tổ chức và đào tạo với hơn
45 điều hành viên đặc biệt của Úc. 

Chỉ huy và Điều khiển

Trong một mê cung bị hạn chế gồm các lều điều hòa không khí được bao quanh bởi một vành đai dây thép gai trong Doanh trại Aguinaldo, hơn 50 nhân viên kết hợp và liên quân của Philippines và Hoa Kỳ từ khắp các cơ quan đã nghiền ngẫm dữ liệu trong thời gian thực, vẽ chi tiết bản đồ và biểu đồ trong nhiều giờ đồng hồ, ngày này qua ngày khác. Mục tiêu là: xây dựng một kế hoạch để ứng phó với một mối đe dọa từ bên ngoài giả định, nhưng thực tế, đối với chủ quyền của Philippines và đánh giá hiệu suất khả thi của nước này trong không gian chiến đấu. Họ đã chạy thử các kịch bản và tiến hành những hoạt động mô phỏng chiến tranh để liên tục cải thiện kế hoạch trong suốt quá trình huấn luyện. 

Đại tá Michael Logico, chỉ huy của Trung tâm Huấn luyện Chung và Kết hợp của AFP, nói với DIỄN ĐÀN, bài tập về chỉ huy và kiểm soát, được gọi là một bài tập tham mưu hay STAFFEX, cho phép các quân đội lần đầu tiên thử nghiệm một kế hoạch thực tế tại Balikatan. STAFFEX đã mô tả bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn, bao gồm việc các yếu tố ngoại giao, kinh tế và chính trị cùng với các diễn biến ảnh hưởng đến cuộc khủng hoảng như thế nào. “Điều này sẽ cho phép chúng tôi nghĩ về những điều chúng tôi chưa từng nghĩ đến trước đây để phát hiện một số trường hợp hy hữu hoặc để xác định xem các phương pháp có tương xứng với các kế hoạch hay không,” ông Logico nói. Các trường hợp hy hữu nói chung là những sự kiện không thể đoán trước hoặc không lường trước được mà có thể gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. 

STAFFEX đã cho thấy giá trị vượt trội không chỉ cho công tác lập kế hoạch. “Những gì chúng tôi đang tập trung vào ở đây không phải là kế hoạch hoặc sản phẩm, mà quy trình mới là phần quan trọng nhất,” Chuẩn tướng Brian Wolford, tướng chỉ huy của Nhóm Hậu cần Thủy quân lục chiến 3 thuộc Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Okinawa, Nhật Bản, nói với DIỄN ĐÀN. Ông Wolford đã đóng vai trò là chỉ huy lực lượng đặc nhiệm liên quân của Hoa Kỳ trong cuộc tập trận này.

“STAFFEX này cho phép chúng tôi tìm hiểu rất nhiều quy trình, điều này cho phép chúng tôi rút ngắn thời gian từ dữ liệu, được cung cấp bởi chuỗi, đến thời điểm đưa ra quyết định”, Chuẩn tướng Erick Escarcha, người đứng đầu Trung tâm Chỉ huy AFP, giải thích. “Vì vậy, chúng tôi thực sự đang giải quyết được rất nhiều vấn đề,” ông Escarcha, người đóng vai trò là chỉ huy lực lượng đặc nhiệm liên quân của Philippines trong STAFFEX cho biết.

Ông Wolford nói: “Chúng tôi bắt đầu với một vấn đề tương đối đơn giản, nhưng năm tới, chúng tôi sẽ tập trung vào một vấn đề phức tạp hơn và sẽ có khả năng giải quyết nó”. “Chúng tôi đạt được kết quả là khả năng kết hợp với nhau như một tổ chức khi cần thiết.” Do COVID-19, Balikatan đã bị thu nhỏ đáng kể vào năm 2020 và năm 2021 xuống chỉ còn vỏn vẹn 300 người tham gia cốt lõi. Ông nói: “Những việc chúng tôi đang làm lúc này là khôi phục lại những gì chúng tôi đã có, đưa chúng tôi trở lại vị trí chúng tôi từng ở trước đây và sau đó tiếp tục xây dựng bắt đầu từ năm tới”. 

Binh sĩ quân đội Philippines và Hoa Kỳ dỡ một hệ thống tên lửa Patriot từ một tàu đổ bộ trên một bãi biển Aparri ở miền bắc Philippines trong một cuộc diễn tập lắp đặt thiết bị kết hợp. TRUNG SĨ MELANYE MARTINEZ/THỦY QUÂN LỤC CHIẾN HOA KỲ

“Những gì chúng tôi học được ở đây thực sự có hai khía cạnh. Bắt đầu từ những người lính Thủy quân lục chiến trẻ tuổi, những Binh sĩ trẻ tuổi, người Philippines và người Mỹ, đó là cơ hội để chúng tôi kết nối với nhau về cách chúng tôi làm việc, năng lực, quá trình suy nghĩ và tìm hiểu về cách chúng tôi suy nghĩ”, ông Wolford nói. “Đối với cá nhân tôi, tôi thực sự thích được xem các quốc gia khác giải quyết các vấn đề như thế nào. Đó là một tình huống khác, một địa hình khác. Có những biến số khác nhau mà bạn phải xử lý. Được tiếp xúc với những điều đó thực sự có ích, không chỉ cho việc lập kế hoạch ở đây mà còn cho việc lập kế hoạch ở các địa điểm khác”.

Balikatan năm 2023 sẽ được thiết kế xung quanh sản phẩm cốt lõi từ STAFFEX năm 2022 và sẽ được xây dựng dựa trên những thành tựu của cuộc diễn tập tổng thể. Ví dụ, trong năm tiếp theo, các cơ quan chỉ huy STAFFEX sẽ tiến hành bài tập vị trí chỉ huy, theo dự định của ông Escarcha và ông Wolford.

Ông Escarcha nói: “Tôi rất mong đợi đến thời điểm khi các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ và Philippines hợp tác với nhau và mọi việc đều diễn ra thật trơn tru mượt mà”. “Tôi so sánh điều này với âm nhạc. Tất cả các nhạc công đều hiểu nhau. Họ có thể mới gặp nhau lần đầu tiên, nhưng họ có thể hát cùng nhau và tạo ra một bản hòa tấu.” 

Tuy nhiên, Balikatan đã đạt được một số thành tựu ngoài sự phối hợp của binh sĩ thuộc hai lực lượng. “Trên bề mặt, Balikatan là một nền tảng để cải thiện công tác huấn luyện, những năng lực hoạt động chung, khả năng tương tác, tất cả đều góp phần vào an ninh của Philippines”, ông Logico quan sát. Nhưng cuộc tập trận còn có những mục đích khác. “Khi bạn thực hiện Balikatan, có một thông điệp chiến lược mà chúng tôi đang gửi đến các đối thủ của mình rằng chúng tôi không đơn độc trong môi trường này. Bất cứ thứ gì chúng tôi thiếu, các đối tác và đồng minh của chúng tôi luôn có thể đến đây và mang bất cứ thứ gì mà chúng tôi thiếu. Chúng tôi vẫn đang tập luyện cùng nhau, và liên minh vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Phòng thủ Tương hỗ

Trong năm trước Balikatan 2022, các nhà lãnh đạo Philippines và Hoa Kỳ đã thúc đẩy liên minh của họ bằng cách tăng cường các cam kết của hai bên với Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ (Mutual Defense Treaty – MDT) được ký kết vào năm 1951. Vào tháng 7 năm 2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã đến thăm Manila để tái khẳng định mối quan hệ đồng minh bền chặt và lâu dài giữa Hoa Kỳ và Philippines khi hai bên kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 70 năm MDT. Ông Austin đã gặp Tổng thống Philippines khi đó Rodrigo Duterte, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó Delfin Lorenzana và Bộ trưởng Ngoại giao khi đó Teodoro Locsin Jr. để nhấn mạnh tính trung tâm của quan hệ đối tác Philippines-Hoa Kỳ có nền tảng rộng lớn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sau cuộc họp, ông Lorenzana đã công bố quyết định của ông Duterte về việc tiếp tục Thỏa thuận Lực lượng Viếng thăm (Visiting Forces Agreement – VFA) giữa hai nước, trong đó nêu chi tiết về cách các binh sĩ quân đội của nước này sẽ được đối xử ở nước kia. “Một liên minh mạnh mẽ, kiên cường giữa Hoa Kỳ – Philippines sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt đối với an ninh, ổn định và sự thịnh vượng của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một VFA được khôi phục hoàn toàn sẽ giúp chúng tôi cùng nhau đạt được mục tiêu đó”, ông Austin đã phát biểu tại thời điểm đó.

Vào tháng 9 năm 2021, ông Lorenzana đến Washington để đáp lại chuyến thăm của ông Austin nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập liên minh. Ông ghi nhận rằng “cột mốc quan trọng này trong tình hình hiện tại ở khu vực đem đến một cơ hội độc đáo để khẳng định lại các mối quan hệ bền vững mà gắn kết hai quốc gia chúng ta”. Ông Lorenzana còn nói thêm, “Giờ đây chúng ta nhìn nhận rõ hơn về các mối lo ngại và ưu tiên quốc phòng và an ninh của nhau, và chúng ta đã hiểu được các mục tiêu chung cho hai quốc gia chúng ta và cho khu vực.”

Một loạt các cuộc tham vấn cấp cao diễn ra sau đó. Vào tháng 10 năm 2021, Hội đồng Quốc phòng Tương hỗ và Hội đồng Cam kết An ninh đã họp tại Philippines. Ngay sau đó, Tổng Tham mưu trưởng AFP lúc đó là Tướng Jose C. Faustino Jr. và Chuẩn Đô đốc John Aquilino, Chỉ huy của Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (U.S. Indo-Pacific Command – USINDOPACOM), đã giao nhiệm vụ cho các lực lượng tương ứng của họ phải tiếp tục tăng cường sự sẵn sàng kết hợp. Kể từ đó, các đại diện quân đội đã nâng cao hiểu biết của họ về MDT để tăng cường sự sẵn sàng và đảm bảo MDT đáp ứng được bối cảnh an ninh đang chuyển biến trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. “Chúng tôi chỉ cần tiếp tục cải thiện sự hiểu biết chung về Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ,” ông Hechanova nói với DIỄN ĐÀN. “Bởi vì hiệp ước áp dụng cho cả hai phía, nên cần có một sự hiểu biết chung về các điều khoản, về các thủ tục, về cấu trúc ban đầu, về các cấu trúc, về học thuyết. Điều này thực sự xác nhận học thuyết và khả năng tương tác của cả hai lực lượng trong trường hợp MDT được áp dụng.”

Vận dụng sự Ngăn chặn Tích hợp

Ông Aquilino đã trình bày về những thách thức mà khu vực phải đối mặt trong lời làm chứng trước Ủy ban các Quân chủng Vũ trang Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 3 năm 2022. Ông nói: “Trung Quốc [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] đang thực hiện một chiến dịch riêng mà sử dụng tất cả các hình thức quyền lực quốc gia trong một nỗ lực nhằm làm lung lay trật tự quốc tế dựa trên quy tắc vì lợi ích của chính họ và bất chấp những tổn hại gây ra cho tất cả các bên khác”. Ông ghi nhận trong lời khai của mình rằng các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, ở Philippines được gọi là Biển Tây Philippines, và việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration – PCA) xử Philippines thắng kiện còn các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông bị bác bỏ. Hành vi này đã thể hiện sự coi thường của Trung Quốc đối với trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế.

Trong môi trường đe dọa ngày nay, “đối thủ đang sử dụng các chiến thuật vùng xám. Chúng tôi cần phải cùng nhau đưa ra các chiến thuật của riêng mình, Philippines và Hoa Kỳ, để chống lại bất kỳ sáng kiến vùng xám nào của các đối thủ,” ông Hechanova thuộc AFP giải thích. Chiến thuật vùng xám đề cập đến các hành động cưỡng ép mà vượt ra ngoài các hoạt động ngoại giao, kinh tế và chính trị bình thường nhưng không đến mức xung đột vũ trang. 

“Người Trung Quốc, nước CHDCND Trung Hoa, đang sử dụng sự phức tạp của luật pháp để khai thác Biển Tây Philippines. Họ biết rằng việc họ đang cử những con tàu xám là vi phạm các quy định của Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc,” ông Hechanova nói tiếp. Khi còn tại vị, ông Duterte đã “truyền đạt rất rõ ràng khi ông đến Liên Hợp Quốc. Ông nói rằng phán quyết của PCA giờ là một phần của luật pháp quốc tế và Philippines sẽ luôn tuân thủ một trật tự dựa trên quy tắc trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Tây Philippines ”, ông nói.

Thủy quân lục chiến Philippines điều khiển phương tiện có khả năng tấn công cả trên bộ và dưới nước của họ trong cuộc tập trận. THE ASSOCIATED PRESS

Ông Scott Weidie, chỉ huy bộ phận huấn luyện đa quốc gia tại USINDOPACOM và người phụ trách cuộc tập trận ở bộ tư lệnh cho biết: “Mặc dù MDT nhìn nhận mục tiêu chính là cố gắng giải quyết các cuộc xung đột một cách hòa bình, nhưng nếu những nỗ lực đó không thành công, Balikatan đại diện cho nỗ lực chính của Philippines và Hoa Kỳ nhằm tăng cường khả năng song phương của hai bên trong việc ứng phó với bất kỳ vi phạm hòa bình hoặc đe dọa vi phạm hòa bình nào”. “Nhiệm vụ của bộ tư lệnh là ngăn chặn xung đột thông qua việc thực hiện các biện pháp răn đe tổng hợp và, nếu cần thiết, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng. Balikatan cho phép vận hành một hệ thống phòng thủ của Philippines – Hoa Kỳ mà phải sẵn sàng khi có yêu cầu.” 

Balikatan 2022 phù hợp với chỉ đạo của ông Aquilino về việc nắm bắt sáng kiến này bằng cách yêu cầu liên quân phải suy nghĩ, hành động và hoạt động theo cách khác đi. “Chúng tôi đang làm điều này với các đồng minh Philippines của mình bằng cách thực hiện các nỗ lực định vị và tập trung vào các năng lực hoạt động chung cần thiết cho các lực lượng vũ trang của Philippines và Hoa Kỳ để cải thiện tốc độ ứng phó trong một cuộc khủng hoảng, tăng khả năng tương tác, cải thiện hiệu quả nhiệm vụ và củng cố sự thống nhất của nỗ lực”, ông Weidie nói. Hai quốc gia đang nâng cao Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường của họ để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết nhằm cải thiện khả năng ứng phó song phương và cho phép Hoa Kỳ hoạt động linh hoạt hơn ở Philippines.

Ông Hechanova nói, củng cố liên minh “là một hoạt động liên tục”. “Chúng tôi đang tiếp tục khai thác tiềm năng của cả hai phía để đảm bảo rằng nếu một tình huống xảy ra mà chúng tôi phải chiến đấu cùng nhau, chúng tôi có thể thực hiện điều đó một cách hiệu quả.”

Thể hiện Công nghệ, Quan hệ đối tác

Các lực lượng Philippines và Hoa Kỳ đã sử dụng Balikatan để thử nghiệm một loạt các công nghệ và quy trình nhằm cải thiện tiềm năng chiến đấu kết hợp và liên quân của hai phía. “Chúng tôi biết rằng mỗi lần chúng tôi phải ra đi và chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu với bạn bè, đối tác và đồng minh, và cách tốt nhất để làm điều đó, cách hiệu quả nhất nếu bạn phải tham gia vào một cuộc chiến, là bằng cách thiết lập các mối quan hệ từ trước đó rất lâu,” Chuẩn tướng James Isenhower, khi đó là chỉ huy của Lực lượng Đặc nhiệm Đa Miền (Multi-Domain Task Force – MDTF) mới của Quân đội Hoa Kỳ, là trung tâm của quá trình hiện đại hóa của Quân đội, nói với DIỄN ĐÀN. “Nâng cao các công nghệ với các đối tác và đồng minh luôn là một khía cạnh trọng yếu trong việc xây dựng mối quan hệ và xây dựng lòng tin. 

“Theo nhiều cách, chúng tôi có thể chia sẻ những bài học của mình, và điều đó có thể kích thích họ hoặc thôi thúc họ chuyển sang một mức độ tinh nhuệ khác hoặc xây dựng một năng lực mà họ có thể chưa từng có trước đây. Tuy nói như vậy, nhưng chúng tôi cũng học hỏi từ họ nhiều như họ học hỏi từ chúng tôi, vì vậy chúng tôi nhìn nhận việc đó với thái độ rất công tâm như các đối tác chân thành,” ông Isenhower nói. “Họ quen thuộc với môi trường, vì họ sống ở đây, là một điều mà chúng tôi không có, vì vậy chỉ riêng việc hiểu được cách họ suy nghĩ và những góc nhìn mà họ có thể mang lại và sự hiểu biết của họ về lịch sử trong khu vực luôn là điều có giá trị và cho chúng tôi thông tin về cách chúng tôi sẽ sử dụng và cách chúng tôi nghĩ chúng tôi có thể làm việc với họ trong môi trường này.” MDTF đã tham gia Balikatan lần đầu tiên vào năm 2022. Hai quân đội lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận vào năm 1986.

Ví dụ, Balikatan cho phép các lực lượng AFP và Hoa Kỳ phát triển các phương án chiến lược để chống lại những kịch bản tiềm ẩn trong chuỗi đảo đầu tiên, chẳng hạn như mạng lưới từ chối khu vực chống tiếp cận (anti-access area denial – A2AD). Các mạng lưới như vậy đặt ra một thách thức cho lực lượng liên quân, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ cho dù cách tiếp cận là nhắm mục tiêu vào trung tâm trọng lực của một mạng lưới hay dỡ bỏ từng lớp trong năng lực của đối phương. “Những mạng lưới đó được xây dựng để ngăn chặn việc thể hiện sức mạnh. Khi chúng tôi phát triển năng lực của mình, MDTF sẽ trở thành một thành phần quan trọng trong nỗ lực của lực lượng liên quân nhằm trung lập hóa mạng A2AD để tạo ra các cửa sổ và cho phép lực lượng liên quân làm những việc họ làm giỏi,” ông Isenhower giải thích. “Trong một môi trường như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thể hiện sức mạnh là một điều kiện tiên quyết, và công nghệ đóng vai trò chủ chốt trong việc thể hiện sức mạnh. Nếu chúng tôi không có quyền tự do hành động hoặc tự do hành xử, điều đó thực sự khiến chúng tôi gặp rủi ro trong khả năng cung cấp cho các nhà lãnh đạo các lựa chọn chiến lược.”

Một trực thăng CH-53E Super Stallion của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tham gia vào việc lắp đặt một hệ thống tên lửa Patriot tại bãi biển Aparri ở miền bắc Philippines vào tháng 3 năm 2022. TRUNG SĨ KALLAHAN MORRIS/THỦY QUÂN LỤC CHIẾN HOA KỲ

Xét đến các yêu cầu phòng thủ lãnh thổ của Philippines, ông Isenhower cho biết: “hệ thống Patriot là một ví dụ tuyệt vời về những năng lực mà chúng tôi có thể mang đến một môi trường như thế này để giúp đỡ các đồng minh và đối tác”. Trong Balikatan, các lực lượng quân đội đã đưa các thiết bị Patriot vào theo cả đường thủy và đường bộ thông qua một Tàu Đổ bộ Đệm Khí của Hải quân Hoa Kỳ và di chuyển hai tên lửa Patriot bên trong một chiếc trực thăng CH-47, cả hai đều là những lần đầu tiên, theo Đại tá Matthew Dalton, khi đó là Tư lệnh của Lữ đoàn Pháo Phòng không 38 của Lục quân Hoa Kỳ, đã giúp vận chuyển các thiết bị. Hệ thống Patriot sử dụng radar, tên lửa, bệ phóng và phương tiện hỗ trợ, có thể theo dõi và bắn hạ tên lửa cũng như máy bay của đối phương trong vòng chín giây sau khi phóng ở khoảng cách lên đến 70 kilomet.

“Việc triển khai Patriot đến phía bắc Luzon là một ví dụ về một kịch bản rất thực tế mà chúng tôi có thể tiến hành ở bất kỳ địa điểm nào trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc tiến hành các hoạt động ở Philippines cho phép chúng tôi làm việc với các đối tác song phương của mình, diễn tập việc duy trì lực lượng, thử thách thiết bị của chúng tôi và thực hiện bảo trì ở cấp độ thực địa trong điều kiện khắc nghiệt”, ông Dalton nói. “Những Binh sĩ và ban lãnh đạo của chúng tôi đã phải áp dụng tư duy sáng tạo và tư duy phản biện để vượt qua những rào cản độc nhất vô nhị mà chỉ có thể xuất hiện khi được triển khai cách nhóm xe hàng ngàn dặm.”

Các lực lượng Philippines và Hoa Kỳ đã thử nghiệm những năng lực và công nghệ kết hợp và liên quân khác, thể hiện những bằng chứng hoạt động mới về khái niệm giữa các quân đội. AFP và Lực lượng Hoạt động Đặc biệt của Hoa Kỳ (Special Operations Forces -SOF) đã tiến hành một cuộc chiếm giữ sân bay giả định tại Sân bay Cagayan North để tinh chỉnh các chiến thuật và quy trình để triển khai một hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao được gọi là HIMARS song song với một cuộc xâm nhập nhanh chóng, hay còn gọi là HIRAIN. Sau khi được lắp đặt tại một địa điểm, HIMARS hoạt động bằng tên lửa được sử dụng để giao chiến với các mục tiêu, sau đó nhanh chóng được nạp lại lên máy bay và đưa ra khỏi khu vực trước khi đối thủ kịp bắn trả. HIMARS cũng có thể được hạ cánh trên bờ và triển khai để chống lại các mục tiêu trên biển. 

Trong thời gian Balikatan diễn ra, các đơn vị vận hành đặc biệt của Philippines và Hoa Kỳ cũng tham gia vào các hoạt động phức tạp đa miền để tăng khả năng tương tác và thử nghiệm để chuẩn bị cho các tình huống dự phòng vượt ra ngoài việc chống lại các tổ chức cực đoan bạo động (violent extremist organization – VEO). AFP và SOF của Hoa Kỳ đã thực hiện các mục tiêu và tích hợp các khả năng đối phó với VEO có liên quan vào một môi trường đối địch ngang hàng. Trong miền hàng không, các kiểm soát viên hàng không chiến đấu đã yêu cầu các phát bắn đại bác 105 mm, 30 mm và đạn được dẫn đường chính xác được bắn từ một chiếc AC-130 của Không quân Hoa Kỳ lên Dãy Bahasa. Điều này đánh dấu lần đầu tiên AC-130 hỗ trợ AFP trong việc huấn luyện hỗ trợ trên không cự ly gần ở Philippines. 

Tại Pháo đài Magsaysay và trên khắp Luzon, các sự kiện huấn luyện SOF trên mặt đất được xây dựng dựa trên kiến thức qua nhiều thế hệ về các chiến thuật chiến tranh phi truyền thống và bất thường để tiếp tục mài giũa các kỹ năng của SOF và khả năng tương tác giữa AFP và Hoa Kỳ. Lực lượng kết hợp đã xử lý các mục tiêu phức tạp trên khắp miền đông Luzon, bao gồm cả việc xâm nhập và chiếm lại Đảo Corregidor. Ngoài khơi bờ biển Palawan, một nhóm SOF đa phương, bao gồm các binh sĩ thuộc Nhóm Hoạt động Đặc biệt Hải quân AFP, các biệt kích Úc và lực lượng SEAL của Hải quân Hoa Kỳ, đã tiến hành huấn luyện về đánh chặn trên biển, đỉnh cao là một cuộc đột kích trên không và trên biển để giành lại một giàn khoan dầu khí ở Biển Philippines.

Làm việc với các đối tác AFP về một ứng dụng bảo mật mới khác, Quân đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và MDTF đã phóng khinh khí cầu ở độ cao lớn từ Pháo đài Magsaysay ở miền Trung Luzon để kiểm tra khả năng địa tầng nhằm hỗ trợ nhận thức về miền hàng hải và góp phần vào các hoạt động đa miền. Các nhóm của cả hai bên đã điều khiển các khí cầu không người lái ở độ cao từ 15.000 đến 21.000 mét so với mực nước biển, cao hơn nhiều so với độ cao mà các hãng hàng không thương mại hoạt động. Các khinh khí cầu đem đến những khả năng phòng thủ đa dạng, chẳng hạn như tạo ra một nhóm các thiết bị tàng hình trên không để truyền dữ liệu, bao gồm video giám sát và nâng cao năng lực tác chiến điện tử. 

Đối với các lực lượng AFP và Hoa Kỳ, Balikatan đã minh họa giá trị của việc thử nghiệm thường xuyên, với nhiều ứng dụng công nghệ thành công và thành tựu đạt được trong quá trình hoặc khi đang thực hiện một cuộc diễn tập. “Việc lặp lại nhanh chóng thực sự quan trọng. Ông Isenhower giải thích: “Chúng tôi càng có thể lặp lại nhiều với các đối tác và đồng minh, chúng tôi càng có thể lặp lại nhiều với lực lượng liên quân, thì chúng tôi càng nhanh chóng đạt được tiềm năng khác và điều đó thực sự cho chúng tôi thông tin về cách chúng tôi có thể chiến đấu trong những năm tới”. “Khi dàn quân, điều này buộc chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn và công nhận rằng chúng tôi có thể thử nghiệm trong tương lai, chúng tôi có thể diễn tập trong tương lai và chúng tôi có thể thực hiện điều đó một cách tinh vi và có trách nhiệm, và điều đó giúp tăng khả năng tương tác và sự tin tưởng giữa hai đối tác”.

Tăng Tốc

Balikatan 2022 đã tạo tiền đề cho việc xây dựng các năng lực thử nghiệm phức tạp hơn và một quan hệ đối tác thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong thời gian tổ chức Balikatan 2023. Theo ông Dalton, thứ nhất, Lữ đoàn Pháo Phòng Không 38 “rất mong chờ đến năm tới để phát huy những tiến bộ tuyệt vời mà chúng tôi đã đạt được trong các hoạt động phòng không và kiểm soát không phận. Chúng tôi đã thảo luận về việc huấn luyện và tích hợp trong tương lai với Bộ Tư lệnh Phòng Không Không quân Philippines trong Balikatan 23”, bao gồm với Phi đội Cảnh báo Kiểm soát Máy bay 580 và Nhóm Phòng thủ Tên lửa và Phòng không 960 của AFP. “Cuộc tập trận này là lần đầu tiên chúng tôi tham gia với các đối tác [thuộc Lữ đoàn Pháo Phòng Không 38], mở ra một mối quan hệ hữu nghị mới và cho phép các đơn vị của chúng tôi luyện tập chéo và chia sẻ kiến thức về những năng lực của chúng tôi,” ông Dalton cho biết. “Chúng tôi đã học được cách chúng tôi có thể làm việc cùng nhau trong những thời điểm xung đột để có được hỏa lực phòng thủ đáng tin cậy, linh hoạt và có tính sát thương.”

Balikatan dường như chắc chắn sẽ còn tốt hơn vào năm 2023, với những bước nhảy vọt trong sự phát triển của mối quan hệ giữa AFP- Quân đội Hoa Kỳ trong cuộc tập trận năm 2022. Về mọi mặt, cam kết của hai quốc gia đối với MDT và liên minh quân sự của họ đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong suốt sự kiện này. “Tôi cho rằng Balikatan năm nay là năm đặc biệt thành công cho các lực lượng của chúng tôi,” ông Mampusti thuộc AFP cho biết. “Sau hai năm xảy ra đại dịch, Balikatan lần này đã chỉ ra rằng cho dù có khoảng cách trong các hoạt động đào tạo song phương và hoàn cảnh hiện tại, nhưng các lực lượng của chúng tôi luôn sẵn sàng, chúng tôi linh hoạt, chúng tôi có thể tương tác và chúng tôi kiên cường. Đây là một minh chứng cho cam kết lâu dài của chúng tôi đối với lịch sử chung và tình hữu nghị giữa hai quốc gia.”  


HIỆP ƯỚC PHÒNG THỦ TƯƠNG HỖ 

Giữa Cộng hòa Philippines và Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Được ký kết vào ngày 30 tháng 8 năm 1951

ĐIỀU I. Các bên cam kết, như được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, sẽ giải quyết bất kỳ tranh chấp quốc tế nào mà họ có thể có bằng những biện pháp hòa bình theo cách mà hòa bình, an ninh và công lý quốc tế không bị đe dọa và kiềm chế trong mối quan hệ quốc tế của họ để không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực theo bất kỳ cách nào mà không phù hợp với những mục đích của Liên Hợp Quốc.

ĐIỀU II. Để đạt được mục tiêu của Hiệp ước này một cách hiệu quả hơn, các Bên sẽ tự mình và cùng nhau thông qua tự lực và viện trợ lẫn nhau sẽ duy trì và phát triển năng lực cá nhân và tập thể của mình để chống lại cuộc tấn công vũ trang.

ĐIỀU III. Các Bên, thông qua Bộ trưởng Ngoại giao hoặc cấp phó của họ, sẽ tham vấn với nhau vào tùy từng thời điểm về việc thực hiện Hiệp ước này và bất cứ khi nào theo ý kiến của một trong hai Bên khi sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của một trong hai Bên bị đe dọa bởi cuộc tấn công vũ trang bên ngoài ở khu vực Thái Bình Dương.

ĐIỀU IV. Mỗi Bên ghi nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang ở khu vực Thái Bình Dương nhằm vào một trong hai Bên sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và sự an toàn của chính Bên đó và tuyên bố sẽ hành động để giải quyết các mối nguy hiểm chung theo các quy trình hiến pháp của mình. Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào như vậy và tất cả các biện pháp được thực hiện mà do cuộc tấn công đó gây ra đều phải được báo cáo ngay cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Các biện pháp này sẽ chấm dứt khi Hội đồng Bảo an đã tiến hành các biện pháp cần thiết để khôi phục và duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

ĐIỀU V. Để phục vụ các mục đích của Điều IV, một cuộc tấn công vũ trang vào một trong hai Bên được coi là bao gồm một cuộc tấn công vũ trang vào lãnh thổ đô thị của một trong hai Bên, hoặc vào các lãnh thổ đảo thuộc quyền tài phán của mình ở Thái Bình Dương, các lực lượng vũ trang, tàu thuyền hoặc máy bay công của mình ở Thái Bình Dương.

ĐIỀU VI. Hiệp ước này không ảnh hưởng và sẽ không được diễn giải là có ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ của các Bên theo Hiến chương Liên Hợp Quốc hoặc trách nhiệm của Liên Hợp Quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

ĐIỀU VII. Hiệp ước này sẽ được phê chuẩn bởi Cộng hòa Philippines và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ theo quy trình hiến pháp của mỗi bên và sẽ có hiệu lực khi các văn kiện phê chuẩn đã được trao đổi bởi hai quốc gia tại Manila.

ĐIỀU VIII. Hiệp ước này sẽ có hiệu lực vô thời hạn. Một trong hai Bên có thể chấm dứt hiệp ước một năm sau khi thông báo cho bên kia.

NGUỒN: Cộng hòa Philippines, Hạ nghị viện, Thư viện Lập pháp

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button