Các Vấn đề ChínhCâu chuyện Nổi bậtĐông Bắc ÁKhu vựcTình trạng Gia tăng Vũ khí

Vụ phóng tên lửa “bên miệng hố chiến tranh” của Bắc Triều Tiên bị lên án

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Các quốc gia có cùng chí hướng trên toàn thế giới đã lên án số lượng vụ phóng thử tên lửa chưa từng có của Bắc Triều Tiên trong năm 2022. Nhiều quốc gia bày tỏ sự chê trách trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và chỉ trích các thành viên thường trực là Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) là đã không tăng cường các biện pháp trừng phạt mà có thể chấm dứt các vụ thử nghiệm. Các quốc gia cũng đặt câu hỏi là Bình Nhưỡng đã làm thế nào để kiếm được nguyên vật liệu và chuyên môn cho các vụ phóng bất chấp những lệnh cấm lâu nay.

Theo một thông cáo báo chí của Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, người đã chỉ trích mạnh mẽ “chuỗi” tên lửa được phóng trong hai ngày vào đầu tháng 11, cho rằng các cuộc thử nghiệm vi phạm những nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ông yêu cầu Bắc Triều Tiên chấm dứt ngay các hành động liều lĩnh và tuân thủ những nghị quyết này. (Ảnh:

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, bên trái, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, ở giữa, và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, bên phải, gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, vào ngày 13 tháng 11 năm 2022, tại Phnom Penh, Campuchia.)

Hội đồng Bảo an báo cáo rằng một trong số ít nhất 23 tên lửa đạn đạo được phóng trong một ngày vào đầu tháng 11 đã đáp xuống cách bờ biển Hàn Quốc khoảng 60 kilomet. Các quan chức Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo đáp xuống gần lãnh hải của Hàn Quốc kể từ khi Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vào năm 1945.

Theo Không quân Hoa Kỳ, Bình Nhưỡng tuyên bố việc tăng cường thử nghiệm tên lửa là một phản ứng với Vigilant Storm, một loạt các cuộc diễn tập quân sự có sự tham gia của hàng trăm máy bay Hàn Quốc và Hoa Kỳ thực hiện “các nhiệm vụ trên không quan trọng như hỗ trợ không lực tầm gần, hoạt động phòng thủ đối kháng trên không và các hoạt động trên không khẩn cấp 24 giờ một ngày”. Hai đồng minh cho biết Vigilant Storm là một cuộc tập trận định kỳ và không đe dọa bất kỳ quốc gia nào. Theo Reuters đưa tin, các nhà phân tích cho biết Bắc Triều Tiên cũng thử nghiệm vũ khí để củng cố sự thành thạo về mặt kỹ thuật, sự sẵn sàng của phi hành đoàn, khả năng răn đe và hoạt động tuyên truyền.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho đến nay trong năm 2022, trong số hàng chục vụ bắn thử, có một số ít tên lửa đạn đạo liên lục địa — một vài chiếc trong số đó đã không hoạt động — và một tên lửa tầm trung đã bay qua miền Bắc Nhật Bản vào đầu tháng 10, kích hoạt báo động và buộc người dân phải tìm nơi trú ẩn.

Một mối quan ngại lớn là Bắc Triều Tiên đang có kế hoạch bắn thử một thiết bị hạt nhân. “Hàng loạt vụ phóng tên lửa gần đây của Bắc Triều Tiên, dường như là một phản ứng trước các cuộc tập trận quân sự chung của Hoa Kỳ – Hàn Quốc theo lời của Bình Nhưỡng, cũng có thể đã báo hiệu một sự phát triển đáng lo ngại hơn của quốc gia có vũ khí hạt nhân: những bước tiến hướng tới một vũ khí có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân”, tờ The Japan Times đưa tin.

Tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào đầu tháng 11 — phiên họp thứ chín của hội đồng trong năm 2022 để xem xét những hành động của Bắc Triều Tiên — 13 trong số 15 quốc gia thành viên đã ủng hộ việc gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào chế độ suy đồi này. Họ chỉ trích hai quốc gia đi ngược lại hội đồng là Nga và Trung Quốc vì đã cố gắng biện minh cho những vi phạm mà Bắc Triều Tiên đã thực hiện nhiều lần. Bà Ruchira Kamboj, đại diện của Ấn Độ tại hội đồng, là một trong những người kêu gọi việc thực hiện đầy đủ các nghị quyết và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý tình trạng gia tăng các công nghệ hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhắc đến những tổn hại đối với hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cùng với 13 thành viên của Hội đồng Bảo an, Úc, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc cũng đã lên án các vụ phóng tên lửa.

Một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua vào năm 2006 và sau đó được cập nhật đã cấm các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cung cấp, bán hoặc chuyển giao tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hạt nhân, hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác cho Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, không có nguyên vật liệu liên quan đến vũ khí nào được gửi cho Bắc Triều Tiên được phép di chuyển qua lãnh thổ của các quốc gia thành viên, được mua sắm bởi công dân hoặc được mang trên tàu hoặc máy bay mang cờ của các quốc gia đó.

Các quốc gia bao gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung.

Các nhà phân tích quy trách nhiệm cho các nước láng giềng của Bình Nhưỡng vì đã giúp nước này tránh né các lệnh trừng phạt. “Nga và Trung Quốc là nơi đặt trụ sở của hầu hết các đại lý mua sắm tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên ở nước ngoài”, ông Hugh Griffiths, cựu điều phối viên của một hội đồng của Liên Hợp Quốc theo dõi các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Bắc Triều Tiên, nói với Reuters vào đầu tháng 11 năm 2022.

Trong khi đó, nhiều người dân Bắc Triều Tiên tiếp tục thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm khác trong khi chế độ tập trung vào việc tăng cường kho vũ khí của mình. Ông Mohamed Abushahab, đại diện cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trong Hội đồng Bảo an, đã gọi hành vi của Bình Nhưỡng là vô trách nhiệm và lấy làm tiếc rằng nguồn lực hạn chế của quốc gia này được dùng cho các năng lực quân sự thay vì đáp ứng những nhu cầu nhân đạo khẩn cấp.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button