Các Vấn đề ChínhĐông Bắc ÁKhí hậuKhu vực

Trung Quốc ‘điên cuồng về điện than’ làm dấy lên những lo ngại về các chất ô nhiễm chết người

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Ngay trong khi các nhà lãnh đạo thế giới quy tụ để tham gia một hội nghị khí hậu ở Ai Cập vào tháng 11 năm 2022, một đợt hạn hán kỷ lục ở Trung Quốc tiếp tục thổi bùng lên những nỗi lo sợ về lượng khí thải carbon dioxide và những hiệu ứng lan tỏa đối với nguồn cung nước vốn đã bị quá tải của quốc gia đó.

Các quan chức Trung Quốc thừa nhận rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) — vốn đã là quốc gia thải carbon lớn nhất, chiếm gần một phần ba tổng lượng khí thải toàn cầu mỗi năm — đã buộc phải tăng cường sản xuất tại các nhà máy đốt than để bù đắp cho sản lượng đang giảm dần tại các cơ sở thủy điện khi các con sông lớn như sông Mê Kông và sông Dương Tử bị giảm mực nước.

“Nhu cầu tiếp tục tăng cao về điện và thiếu công suất thủy điện do các yếu tố theo mùa đã dẫn đến áp lực cao đối với nguồn cung cấp than”, một quan chức của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia thừa nhận với tờ báo Global Times do nhà nước quản lý vào tháng 8 năm 2022.

Các nhà máy điện Trung Quốc đã đốt 8,16 triệu tấn than trong hai tuần đầu tiên của tháng đó, tăng 15% so với năm trước, theo tin từ Voice of America. Hoạt động sản xuất tăng lên gây ra những hậu quả tai hại: Những nhà máy công nghiệp này thải ra các loại khí và các chất thải khác càng làm ô nhiễm thêm nguồn cung cấp nước ngầm đã bị làm bẩn từ lâu ngay khi những đợt nắng nóng khắc nghiệt khiến người dân cần nước.

Theo tạp chí The Diplomat, “những lo ngại này càng trở nên nghiêm trọng hơn do Trung Quốc đã quá phụ thuộc vào nguồn nước ngầm trong nhiều thập kỷ, xuất phát từ nhu cầu cao về nước để phát triển kinh tế xã hội, tưới tiêu nông nghiệp và tăng trưởng dân số”.

Theo tạp chí này đưa tin vào tháng 9 năm 2022, nước ngầm là nguồn nước uống chính cho khoảng 70% dân số gồm 1,4 tỷ người của Trung Quốc, đồng thời nguồn nước ngầm cũng tưới tiêu cho khoảng 40% diện tích đất nông nghiệp của quốc gia này. (Ảnh: Một người nông dân đứng gần một máy bơm tại một hồ chứa chung bị cạn kiệt ở tây nam Trung Quốc vào tháng 8 năm 2022.)

“Càng làm các vấn đề phức tạp hơn nữa, những tài nguyên nước hiện tại của Trung Quốc đang bị ô nhiễm nặng nề… ảnh hưởng đến môi trường và xã hội, bao gồm sức khỏe con người, đất trồng và chất lượng sông ngòi”, The Diplomat đưa tin. “Theo ước tính gần đây, hơn 80% các thành phố của Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng do các nguồn từ hộ gia đình, công nghiệp, thành phố và nông nghiệp. Tương tự, một nghiên cứu do chính phủ dẫn dắt vào năm 2016 ở Trung Quốc cho thấy ước tính 80% nguồn nước ngầm của Trung Quốc bị ô nhiễm đáng kể do các chất gây ô nhiễm, bao gồm các kim loại nặng như asen.”

Các chính sách về nước của Trung Quốc cũng đe dọa các quốc gia khác. Bắc Kinh bị cáo buộc là hạn chế những dòng chảy tại các siêu đập của nước này trên sông Mê Kông trong khi các nước láng giềng khô hạn ở vùng hạ lưu như Lào và Thái Lan phải vật lộn với hạn hán. Các nhà nghiên cứu tại Singapore và Hoa Kỳ đã ghi nhận trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 năm 2022 trên Tạp chí Thủy văn và Khoa học Hệ thống Trái đất, một tạp chí của Liên minh Khoa học Địa chất Châu Âu: “Chỉ trong một vài thập kỷ, lưu vực Sông Mê Kông đã trải qua một công cuộc phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng. Điều này đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng làm tổn hại môi trường và gây khó khăn cho mối quan hệ giữa các quốc gia ven sông”.

Tương lai phía trước không được mấy sáng sủa. Theo Reuters đưa tin vào tháng 11 năm 2022, các nhà khoa học Trung Quốc dự báo lượng mưa dưới mức bình thường cho phần lớn đất nước này trong những tháng tới, trong đó miền nam Trung Quốc có khả năng phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, bao gồm cả những khu vực mà thủy điện là nguồn năng lượng chính. Điều này sẽ thôi thúc người ta đốt thêm nhiều than và các nhiên liệu hóa thạch khác để đáp ứng nhu cầu năng lượng vào mùa đông, “thêm vào lượng khí thải carbon, sau cùng lại làm tăng nguy cơ xảy ra thời tiết khắc nghiệt”.

Bà Yu Aiqun, một nhà nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Global Energy Monitor, nói với CNN vào tháng 8 năm 2022 rằng cách tiếp cận này giống như “uống thuốc độc để giải khát”. “Trung Quốc điên cuồng về điện than — cảm giác về sự phụ thuộc rất mạnh,” bà nói. “Bất cứ khi nào vấn đề về năng lượng xảy ra, nước này luôn cố gắng tìm câu trả lời từ điện than”.

Hoạt động sản xuất tăng vọt ở các công trình tiện ích do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc và gây ra lo lắng về khí thải giữ nhiệt, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định không đến Hội nghị lần thứ 27 của các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP27) tại Ai Cập, nơi các nhà lãnh đạo của các quốc gia tái cam kết “về một loạt các vấn đề tối quan trọng đối với việc giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu”.

Theo The Associated Press (AP) đưa tin, trong bài phát biểu tại COP27, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố khoản đóng góp trị giá 3 nghìn 722 tỷ đồng (150 triệu đô la Mỹ) để giúp châu Phi thích ứng với các tác động của khí hậu. Ông nói: “Sự kiện họp mặt này phải là thời điểm để tái cam kết tương lai của chúng ta và năng lực chung của chúng ta để viết nên một câu chuyện tốt đẹp hơn cho thế giới”.

Tổng thống Biden “đã nói rất rõ rằng cuộc khủng hoảng khí hậu là một ưu tiên quan trọng hàng đầu của Hoa Kỳ, ở trong nước là thông qua các luật, trên trường quốc tế là hợp tác với các quốc gia khác,” bà Jennifer Morgan, đặc phái viên về khí hậu của Đức, nói với AP.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button