Các Vấn đề ChínhĐông Bắc ÁNhững Mâu thuẫn / Căng thẳngTình trạng Gia tăng Vũ khí

Tổng thống Biden cảnh báo Trung Quốc về Bắc Triều Tiên, các hành động ‘cưỡng ép’ đối với Đài Loan

Reuters

Vào giữa tháng 11 năm 2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cảnh báo Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Hoa Kỳ sẽ nâng cao vị thế an ninh của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu Bắc Kinh không thể kiềm chế các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bắc Triều Tiên.

Tổng thống Biden phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm mặt đối mặt đầu tiên của ông với ông Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức vào đầu năm 2021 rằng họ đã có những trao đổi thẳng thắn về một loạt các vấn đề, bao gồm cả Đài Loan, mà đang góp phần khiến mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở mức xấu nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Nhưng ông nói rằng không cần phải có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và nói thêm rằng ông không tin rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến thực sự.

Trong một thông cáo sau cuộc họp giữa hai bên ở Bali, Indonesia, ông Tập gọi Đài Loan là “giới hạn đầu tiên” mà không được vượt qua trong quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc, các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay.

Tổng thống Biden cho biết ông đã cố gắng để đảm bảo với ông Tập rằng chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan chưa thay đổi, tìm cách giảm căng thẳng về hòn đảo tự quản này. “Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc có ý định xâm chiếm Đài Loan trong thời gian tới,” ông nói với các phóng viên.

Về Bắc Triều Tiên, Tổng thống Biden cho biết nếu Trung Quốc không thể kiềm chế các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ sẽ làm nhiều hơn để bảo vệ các đồng minh của mình trong khu vực.

Bắc Kinh đã dừng một loạt các kênh đối thoại chính thức với Washington, bao gồm các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu và những cuộc thảo luận giữa hai lực lượng quân đội, sau khi một phái đoàn của Hoa Kỳ do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dẫn đầu đến thăm Đài Loan trong một thời gian ngắn vào tháng 8 năm 2022.

Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và ngày càng đe dọa sẽ giành lấy hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết, mặc dù hòn đảo này chưa bao giờ là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chính phủ được bầu cử theo phương thức dân chủ của Đài Loan bác bỏ những tuyên bố chủ quyền đó.

Tổng thống Biden cho biết Bắc Kinh và Washington đã thiết lập một cơ chế để liên lạc thường xuyên hơn và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ đến Trung Quốc để thảo luận tiếp về vấn đề này. Ông nói: “Tôi nghĩ chúng tôi hiểu nhau”.

Trước cuộc hội đàm, Tổng thống Biden và ông Tập Cận Bình đã mỉm cười và bắt tay nhau một cách thân tình tại một khách sạn ở Bali, một ngày trước khi họ tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 (G-20), bao gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới, do Indonesia tổ chức. “Thật tuyệt khi được gặp ngài”, Tổng thống Biden nói với ông Tập. (Ảnh: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, bên phải, chào Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia, vào tháng 11 năm 2022.)

Theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã nêu ra một số chủ đề khó với ông Tập, bao gồm việc Hoa Kỳ phản đối “các hành động cưỡng ép và ngày càng hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan”, “các biện pháp kinh tế không tuân theo thị trường” của Bắc Kinh và những hoạt động của nước này ở “Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, và vấn đề nhân quyền nói chung”.

Ông Tập nói trước cuộc họp rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không đáp ứng các kỳ vọng của thế giới, và rằng “giải quyết vấn đề Đài Loan” là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Văn phòng tổng thống Đài Loan cho biết họ hoan nghênh việc Tổng thống Biden tái khẳng định chính sách của Hoa Kỳ. “Điều này cũng một lần nữa chứng minh đầy đủ rằng hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan là kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế”, văn phòng này cho biết.

Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đã gặp nhiều trắc trở trong những năm gần đây bởi những căng thẳng ngày càng tăng về các vấn đề bao gồm Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông và thương mại, nhưng các quan chức Hoa Kỳ cho biết đã có những nỗ lực thầm lặng từ cả hai quốc gia trong hai tháng qua để khôi phục mối quan hệ này.

Tổng thống Biden và ông Tập cũng đã thực hiện năm cuộc đàm thoại qua điện thoại hoặc video kể từ tháng 1 năm 2021.

Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen nói với các phóng viên ở Bali rằng cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo hướng tới việc ổn định mối quan hệ và tạo ra một “bầu không khí vững vàng hơn” cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Bà cho biết Tổng thống Biden đã bày tỏ rõ ràng với Trung Quốc về những lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia như những hạn chế đối với các công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ và đã nêu lên mối quan ngại về độ tin cậy của chuỗi cung ứng hàng hóa của Trung Quốc.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông hy vọng hội nghị thượng đỉnh G-20 có thể “hình thành các mối quan hệ đối tác cụ thể mà sẽ giúp thế giới trong quá trình phục hồi kinh tế“.

Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga ở Ukraina được kỳ vọng sẽ là một trong những chủ đề chính.

Ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở nên thân thiết trong những năm gần đây và tái khẳng định quan hệ đối tác của họ chỉ vài ngày trước khi Nga xâm lược vô cớ vào Ukraina vào tháng 2 năm 2022. Nhưng Bắc Kinh đã cẩn thận để không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ vật chất trực tiếp nào cho Matxcơva mà có thể kích hoạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Trung Quốc.

Nga cũng bị cáo buộc là đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân như một phần của cuộc tấn công vào Ukraina.

Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết tại một Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia vào giữa tháng 11 năm 2022, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh “sự vô trách nhiệm” của những lời đe dọa sẽ sử dụng hạt nhân. Điều này cho thấy Trung Quốc cảm thấy khó chịu trước những lời lẽ của Nga.

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button