Các Vấn đề ChínhCâu chuyện Nổi bậtĐông Bắc ÁKhu vựcNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Mối đe dọa từ vũ khí chống vệ tinh đang rình rập ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Tom Abke

Theo các chuyên gia về công nghệ quốc phòng và vũ trụ, khi các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng phụ thuộc vào các vệ tinh cho mục đích liên lạc và quân sự, mối đe dọa từ vũ khí chống vệ tinh (anti-satellite – ASAT) đang trở nên cấp bách hơn trong khu vực này.

Không tính Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), các quốc gia trong khu vực có hơn 230 vệ tinh trên quỹ đạo, được sử dụng trong các chức năng tối quan trọng cho hoạt động liên lạc, ngân hàng, dẫn đường GPS và giám sát, nhiều chức năng trong số đó dễ bị ảnh hưởng bởi các vũ khí ASAT, đặc biệt là từ Trung Quốc và Nga.

“ASAT là một mối đe dọa hữu hình và có thực,” ông Bruce McClintock, người đứng đầu Sáng kiến Doanh nghiệp Vũ trụ tại Tập đoàn Rand, nói với DIỄN ĐÀN. “Chúng không chỉ là giả thuyết. Đây là một mối đe dọa tồn tại ngày nay [từ] chắc chắn là Trung Quốc và Nga và có thể từ Bắc Triều Tiên”.

Ông McClintock và các chuyên gia khác phân loại vũ khí ASAT thành có thể đảo ngược và không thể đảo ngược. Vũ khí ASAT có thể đảo ngược không phá hủy các vệ tinh. Thay vào đó, chúng làm cho vệ tinh tạm thời không hoạt động được, thường là bằng cách gây nhiễu hoặc “làm giả” tín hiệu của vệ tinh. ASAT không thể đảo ngược phá hủy hoặc vô hiệu hóa vĩnh viễn các mục tiêu của chúng, thường là với một tên lửa.

Bắc Kinh đã chứng minh khả năng của ASAT không thể đảo ngược trên một vệ tinh thời tiết cũ của Trung Quốc bay ở quỹ đạo thấp vào năm 2007 và Nga đã tự mình thực hiện thử nghiệm về ASAT quỹ đạo thấp không thể đảo ngược vào năm 2021. Cả hai lần thử nghiệm đều để lại một lượng lớn các mảnh vỡ trên quỹ đạo, đe dọa các vệ tinh và phương tiện vũ trụ khác, bao gồm cả Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ông McClintock cho biết vụ phóng tên lửa bay ở quỹ đạo cao gần đây của Trung Quốc đã thổi bùng lên suy đoán rằng Bắc Kinh có thể đang theo đuổi một ASAT có khả năng vô hiệu hóa các vệ tinh liên lạc trong quỹ đạo địa đồng bộ cách Trái đất khoảng 37.000 kilomet. Ở độ cao đó, các vệ tinh có thể khớp với vòng quay của Trái đất để đem đến khả năng giám sát gần như liên tục về một địa điểm, điều này có giá trị hơn cho các ứng dụng quân sự.

Ông McClintock cho biết, Quân đội Giải phóng Nhân dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thường xuyên thể hiện những khả năng ASAT có thể đảo ngược trong các cuộc diễn tập chiến tranh điện tử của mình, đồng thời cho biết thêm rằng gần đây có bằng chứng về việc Nga gây nhiễu các hệ thống dẫn đường GPS ở Ukraina.

Việc chống lại ASAT đòi hỏi sự kết hợp của nhận thức về tình huống không gian vũ trụ (space situational awareness – SSA) và việc sử dụng các chùm vệ tinh thay vì các vệ tinh đơn lẻ, cũng như các lựa chọn thay thế trên mặt đất.

Ông McClintock nói: “SSA liên quan đến việc theo dõi những thứ gì đang trong quỹ đạo, nó đang trong loại quỹ đạo nào, nhiệm vụ được hiểu của hệ thống là gì, [và] những khả năng của nó là gì”.

Một nỗ lực quan trọng gần đây trong SSA đa phương bao gồm hai vệ tinh giám sát quân sự được Úc và Hoa Kỳ đưa vào quỹ đạo vào giữa năm 2022 từ một bệ phóng ở New Zealand.

Ông McClintock đã nhắc đến Hiệp định Chung về An ninh Thông tin Quân sự (General Security of Military Information Agreement – GSOMIA) giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiệp định này cho phép hai bên sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh giám sát của nhau để phát hiện các vụ phóng tên lửa của các quốc gia như Bắc Triều Tiên, như một ví dụ về việc sử dụng một chùm vệ tinh cho một nhiệm vụ cụ thể. “Hiệu ứng theo cấp số nhân” này xây dựng khả năng chống chịu trước ASAT bằng cách buộc đối phương phải tấn công nhiều mục tiêu.

Chìa khóa để giảm mối đe dọa từ ASAT là sự hợp tác và những thỏa thuận quốc tế.

Một lệnh cấm có thể được áp dụng trên toàn cầu đang được thảo luận tại Liên Hợp Quốc, theo bà Rajeswari Pillai Rajagopalan, giám đốc Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ tại Tổ chức Nghiên cứu Quan sát viên (Observer Research Foundation) của New Delhi.

“Cách duy nhất để ngăn chặn cuộc đua hướng tới sự phát triển của các khả năng đối phó trong không gian vũ trụ, bao gồm cả ASAT, là biến các vụ thử ASAT trở thành một vấn đề chính trong các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí đa phương”, bà Rajagopalan viết cho tổ chức này. “Trừ khi tất cả các quốc gia có sự hiện diện lớn trong vũ trụ đều thừa nhận sự nguy hiểm của vũ khí ASAT và ngừng biến vũ trụ thành vũ khí, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi mối đe dọa này.”

Vào tháng 4 năm 2022, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia đầu tiên có các hoạt động trong vũ trụ áp dụng lệnh cấm thử nghiệm vũ khí ASAT có tính phá hủy.

Trong khi đó, theo ông McClintock, Bắc Kinh và Matxcơva nhìn thấy giá trị chiến lược trong khả năng ASAT, xét đến sự phụ thuộc ngày càng tăng của thế giới vào vệ tinh, bất chấp nguy cơ từ các mảnh vụn trong không gian vũ trụ và việc các biện pháp đối phó với ASAT có thể sẽ hạn chế hiệu quả của chúng.

Tom Abke là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Singapore.

NGUỒN HÌNH ẢNH: JUSTIN WEISBARTH/TRUNG TÂM TÌNH BÁO QUỐC GIA VỀ KHÔNG QUÂN VÀ VŨ TRỤ HOA KỲ

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button