Các Vấn đề ChínhĐông Nam ÁKhu vựcQuan hệ Đối tác

ASEAN đưa ra cảnh báo cho chính phủ quân đội của Miến Điện

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã cảnh báo chính phủ quân đội của Miến Điện vào tháng 11 năm 2022 rằng họ phải đối mặt với sự cô lập lớn hơn nữa từ một khối liên minh trong khu vực trừ khi họ tiến hành kế hoạch hòa bình mà chưa được sờ đến gần hai năm sau khi giành quyền lực trong một cuộc đảo chính và phát động một cuộc đàn áp đẫm máu để dập tắt cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ.

Trong một tuyên bố được đưa ra trong một loạt các hội nghị thượng đỉnh kéo dài nhiều ngày tại Phnom Penh, Campuchia, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên — Miến Điện vắng mặt vì bị cấm — cho biết “Lực lượng vũ trang Miến Điện có trách nhiệm tuân thủ các cam kết của mình” theo đề xuất hòa bình năm điểm được nhất trí vào tháng 4 năm 2021, bao gồm một lệnh ngừng bắn. (Ảnh: Chiếc ghế của phái đoàn Miến Điện bị tẩy chay để trống tại hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Campuchia vào tháng 11 năm 2022.)

Theo báo Bangkok Post của Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết, tuyên bố chung này đã gửi đi “một thông điệp mạnh mẽ hoặc thậm chí là một lời cảnh báo cho chính phủ quân đội”. Trước đó, bà đã thẳng thừng quy trách nhiệm cho chính phủ quân đội về thất bại trong việc chấm dứt cuộc đổ máu.

Chính phủ do quân đội Miến Điện thiết lập đã ngay lập tức bác bỏ các khuyến nghị của ASEAN.

Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã báo cáo vào tháng 10 năm 2022, chiến dịch tàn bạo của chính phủ quân đội kể từ khi lật đổ chính phủ được bầu cử theo phương thức dân chủ vào tháng 2 năm 2021 bao gồm việc hành quyết bốn tù nhân chính trị, bao gồm một cựu đại biểu quốc hội và một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.

“Những hành động vô lương tâm này nhất quán với chính sách bạo lực không chút tình người của chính phủ quân đội nhằm vào người dân Miến Điện. Trong những tháng gần đây, các lực lượng quân đội đã ném bom và đốt cháy các ngôi làng một cách có hệ thống và thảm sát những người dân vô tội, 11 trẻ em ở khu vực Sagaing đã bị bắn và giết chết khi lực lượng chính phủ quân đội tấn công trường học của các em vào tháng 9,” cơ quan này cho biết. “Các lực lượng đã giết chết hàng ngàn người và khiến gần 1 triệu người bị mất nơi ở kể từ cuộc đảo chính. Nhiều người trong số hơn 12.000 tù nhân chính trị đã bị tra tấn và một số lượng không xác định đã chết trong khi bị giam giữ”.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo thê thảm ở Miến Điện đã thách thức nguyên tắc cơ bản của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên. Các nhà hoạt động kêu gọi nhóm này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ quân đội và những bên ủng hộ họ, giống như các quốc gia bao gồm Canada, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã làm.

Ông Patrick Phongsathorn thuộc nhóm vận động nhân quyền Fortify Rights, nói với Reuters: “Thực tế là ASEAN vẫn chưa đình chỉ sự tham gia của chính phủ quân đội trong toàn bộ hệ thống ASEAN, cho thấy tình trạng tiếp tục thiếu vai trò lãnh đạo về vấn đề này và sự cho phép ngầm để chính phủ quân đội tiếp tục phạm tội”.

Tuy ASEAN đã giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, nhưng ASEAN phải luôn duy trì cảnh giác trong tình hình địa chính trị đầy biến động, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu trước các đại biểu trong hội nghị thượng đỉnh. Điều đó bao gồm việc duy trì quyền tự do đi lại trên biển và trên không, cũng như hoàn thiện một bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông, khu vực mà một số thành viên ASEAN bị vướng vào các tranh chấp lãnh thổ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về các tuyên bố chủ quyền tùy tiện và đã bị nhiều bên bác bỏ của nước này.

“Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh cho một trật tự thế giới dựa trên các quy tắc, được củng cố bởi luật pháp quốc tế”, ông Lý nói, theo tờ The Straits Times.

Khi ASEAN kỷ niệm 55 năm thành lập, các hội nghị thượng đỉnh cũng mở ra cơ hội cho sự mở rộng của nhóm. Các nhà lãnh đạo đồng ý công nhận Timor-Leste là thành viên thứ 11 và là thành viên mới đầu tiên kể từ khi Campuchia gia nhập vào năm 1999. Quốc gia có 1,4 triệu dân này đã giành được độc lập mới 20 năm trước, sẽ được cấp tư cách quan sát viên trong khi chờ tư cách thành viên đầy đủ.

Theo Tờ The Straits Times đưa tin, nhóm này cũng đã nâng cấp mối quan hệ với hai đối tác lớn nhất là Ấn Độ và Hoa Kỳ lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện để thúc đẩy đầu tư và thương mại mạnh hơn nữa. Động thái này sẽ giúp xây dựng “một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ổn định và thịnh vượng, kiên cường và an toàn”, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ, cam kết hợp tác về các vấn đề “từ Biển Đông đến Miến Điện và tìm ra những giải pháp mới sáng tạo cho các thách thức chung”.

Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gọi ASEAN là “một cộng đồng vẫn giữ vai trò trung tâm trong kiến trúc khu vực đang biến chuyển và là một cộng đồng xây dựng các mối quan hệ đối tác bên ngoài dựa trên sự tin cậy lẫn nhau và tôn trọng hòa bình, an ninh và sự tăng trưởng bền vững ở cấp khu vực và trên toàn cầu”.

Ông Hun Sen cho biết các quốc gia thành viên đang dự báo tăng trưởng kinh tế vào năm 2023 sau khi chống chọi với đại dịch COVID-19, nhưng ông cảnh báo rằng môi trường kinh tế xã hội hiện “mong manh và bị chia rẽ”.

“Chúng ta hiện đang ở thời điểm bấp bênh nhất; cuộc sống của hàng triệu người dân trong khu vực của chúng ta phụ thuộc vào sự thông thái và tầm nhìn xa, các quyết định và chính sách đúng đắn và cách tiếp cận thực tế để giải quyết những thách thức chiến lược mà tất cả chúng ta phải đối mặt”, ông đã phát biểu, theo tờ The Phnom Penh Post. “Chúng ta hãy tập trung vào mục tiêu chung là sự phát triển chung vì hòa bình, ổn định và tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực này.”

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button