Ấn Độ Dương - Thái Bình DươngCác Vấn đề ChínhCâu chuyện Nổi bậtChâu Đại DươngKhu vựcQuan hệ Đối tác

Papua New Guinea tăng cường hợp tác quốc phòng với Úc, Hoa Kỳ

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Vào giữa tháng 10 năm 2022, các nhà lãnh đạo cho biết, Lực lượng Quốc phòng Papua New Guinea (Papua New Guinea Defence Force – PNGDF) sẽ tăng cường sự hợp tác với quân đội Úc và Hoa Kỳ theo các thỏa thuận an ninh mới, bao gồm thông qua các cuộc tập trận song phương và tuần tra hàng hải chung.

Một hiệp ước được đề xuất giữa Úc và Papua New Guinea sẽ khiến sự hợp tác “còn chặt chẽ hơn nữa, theo đó chúng tôi sẽ sắp xếp để hai lực lượng quốc phòng làm việc cùng nhau nhiều hơn”, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles, người cũng giữ chức phó thủ tướng, cho biết trong chuyến thăm đến thủ đô của quốc đảo, Port Moresby.

“Mối quan hệ quốc phòng là một trong những điểm mạnh của mối quan hệ song phương, nhưng điều này thực sự tận dụng thế mạnh đó,” ông Marles nói, theo tin từ Reuters.

Ông ghi nhận rằng hầu hết các sĩ quan PNGDF đã từng được đào tạo một thời gian tại Úc. Theo Lực lượng Quốc phòng Úc, các lực lượng vũ trang của hai quốc gia còn tiến hành các cuộc tập trận chung như Hoạt động Trao đổi Kumul hàng năm ở Queensland, Úc, một phần trong chuỗi huấn luyện Olgeta Warrior song phương. (Ảnh: Binh sĩ của Quân đội Úc và Lực lượng Quốc phòng Papua New Guinea tiến hành huấn luyện vũ khí trong Hoạt động Trao đổi Kumul ở Queensland, Úc, vào tháng 10 năm 2021.)

Thỏa thuận được đề xuất là bằng chứng thêm nữa về các hoạt động được tăng cường của các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh vẫn còn những lo ngại dai dẳng về những cố gắng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm giành được tầm ảnh hưởng với các quốc đảo Thái Bình Dương (Pacific Island Countries – PIC). Sự bất an đó đã thu hút sự chú ý vào tháng 4 năm 2022 khi Quần đảo Solomon ký một hiệp ước an ninh với Bắc Kinh. Hiệp ước đó cho phép các lực lượng Trung Quốc được triển khai đến Solomons để dập tắt tình trạng bất ổn. Thỏa thuận chủ yếu được giữ kín này đã dẫn đến lo ngại là Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ thiết lập một căn cứ hải quân ở Solomons, một viễn cảnh mà cả hai quốc gia đều phủ nhận.

Theo Reuters đưa tin, vào ngày ông Marles đến Papua New Guinea, Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Quần đảo Solomon đã thông báo rằng 32 sĩ quan của lực lượng này đã đến Trung Quốc trong một tháng để tập huấn và hiểu rõ hơn về văn hóa Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Marles hoan nghênh Hoa Kỳ gia tăng sự chú ý đến khu vực này, bao gồm một thỏa thuận mới về người đi tàu. Thỏa thuận này cho phép binh sĩ của PNGDF tuần tra vùng biển của quốc gia họ khi đi trên các tàu của Cảnh sát Biển và quân đội Hoa Kỳ, báo Papua New Guinea Post-Courier đưa tin.

Vùng đặc quyền kinh tế của Papua New Guinea có diện tích khoảng 3,1 triệu kilomet vuông. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Justin Tkatchenko, với lãnh hải rộng lớn và nguồn lực hạn chế, quốc gia có khoảng 9,5 triệu dân này phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc chiến đấu với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, buôn lậu người và ma túy và các tội phạm hàng hải khác.

Ông Tkatchenko cho biết theo dự kiến, thỏa thuận này sẽ được hoàn tất khi một đại sứ quán mới của Hoa Kỳ đi vào hoạt động tại Port Moresby vào tháng 12 năm 2022. Ông nói: “Điều này cũng sẽ kết nối chúng tôi với hệ thống vệ tinh của [Hoa Kỳ], giúp tất cả các tàu thuyền trong vùng biển của chúng tôi xung quanh PNG sẽ được quan sát và giám sát từ vệ tinh để cho phép chúng tôi biết ai đang đánh bắt trong vùng biển của chúng tôi, ai đang lấy cá của chúng tôi, ai điều khiển những con tàu khai thác gỗ bất hợp pháp đang đưa gỗ về nước của họ mà không có quy trình đúng đắn và nhiều vấn đề khác”.

Ông Tkatchenko cho biết các cuộc thảo luận đã bắt đầu trong Hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và các Quốc Đảo Thái Bình Dương do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tổ chức tại Nhà Trắng vào cuối tháng 9 năm 2022. Trong khuôn khổ của hội nghị thượng đỉnh này, Hoa Kỳ đã công bố một chiến lược Thái Bình Dương, cùng với các biện pháp khác, kêu gọi số tiền tài trợ trị giá14 nghìn 895 tỷ đồng (600 triệu đô la Mỹ) trong 10 năm để hỗ trợ phát triển kinh tế và thúc đẩy những nỗ lực nhằm tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các ngư trường ở Thái Bình Dương.

Ông Marles ghi nhận rằng Hoa Kỳ có các thỏa thuận về người đi tàu với các PIC khác. “Đã lâu nay, chúng tôi rất khuyến khích những mối quan hệ này,” ông nói, “và chúng tôi hoàn toàn cởi mở với việc khám phá những phương cách khác mà chúng tôi có thể tận dụng lưu lượng giao thông và sự di chuyển hiện đi qua Thái Bình Dương để đảm bảo rằng việc đi lại diễn ra theo cách mà có thể giám sát tốt hơn nhằm chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.

“Chắc chắn là, đối với PNG, các vùng đặc quyền kinh tế là một trong những tài sản quan trọng nhất và điều thực sự quan trọng là chúng tôi đang bảo vệ tài sản đó,” ông Marles nói với tờ Post-Courier.

Gọi thỏa thuận về người đi tàu với Hoa Kỳ là “bước đi xoay chuyển cục diện”, ông Tkatchenko cho biết Papua New Guinea cũng đang làm việc với Úc để hoàn tất một thỏa thuận hợp tác quốc phòng để bảo vệ khu vực.

“Đó là một tài liệu sâu sắc và chi tiết mà sẽ đưa các đối tác lâu năm của chúng tôi đến với nhau để hỗ trợ chúng tôi xây dựng năng lực của PNGDF và bảo vệ chủ quyền của đất nước,” ông nói, theo tờ Post-Courier. “Thỏa thuận đó xoay quanh việc xây dựng tài sản và năng lực.”

 

NGUỒN HÌNH ẢNH: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button