Hải quân Indonesia sẽ tiếp tục hoạt động vô cùng quan trọng là lập bản đồ vùng biển sâu trong năm 2023

Gusty Da Costa
Hải quân Indonesia có kế hoạch tiếp tục lập bản đồ địa hình vùng biển sâu của quốc gia này trong năm 2023, một quá trình tối quan trọng trong việc đảm bảo an ninh hàng hải, thiết lập những ranh giới quốc tế, bảo vệ các ngư trường và củng cố hoạt động hàng hải, cùng với những lĩnh vực khác. Các chuyên gia cho biết, những tấm bản đồ như vậy mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia, qua đó biến nỗ lực này trở thành một cơ hội cho sự hợp tác quốc tế.
Lập bản đồ địa hình dưới nước vẫn là một ưu tiên quốc gia cấp bách cho năm 2023, mặc dù tổng chi tiêu quốc phòng dự kiến sẽ giảm 1,9% so với năm 2022, Phó đô đốc Nurhidayat, chỉ huy Trung tâm Thủy văn học và Hải dương học của Hải quân Indonesia, nói với DIỄN ĐÀN.
“Điều này rất quan trọng cho sự an toàn của các tàu đi biển, cho việc đặt cáp và đường ống dưới nước, cho việc xác định các khu vực bảo tồn mà không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động đi biển, cho việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên và xác định hướng đi của sóng thần,” ông Nurhidayat, người giống như nhiều người Indonesia chỉ dùng một cái tên duy nhất, cho biết.
Vì một số dữ liệu bản đồ liên quan đến các hoạt động quân sự, chẳng hạn như việc điều hướng và phóng tên lửa của tàu và tàu ngầm, tốt nhất là nhiệm vụ này nên do Hải quân đảm trách, ông nói.
Indonesia cũng chia sẻ dữ liệu với các quốc gia khác trong vai trò là thành viên của Tổ chức Thủy văn Quốc tế và ba nhóm thủy văn cấp khu vực. “Sự phối hợp ở cấp khu vực giữa các tổ chức thủy văn quốc gia có thể nâng cao hoạt động đi biển, an ninh biên giới và hoạt động thăm dò tài nguyên thiên nhiên”, ông Nurhidayat nói.
Việc lập bản đồ vùng dưới nước của thềm lục địa Indonesia giúp xác định ranh giới của quốc gia, bà Connie Rahakundini Bakrie, một nhà phân tích quốc phòng và là tác giả của cuốn sách “Bảo vệ Indonesia” (“Defending Indonesia”), nói với DIỄN ĐÀN. Ví dụ, Indonesia và Philippines đang thực hiện các cuộc đàm phán để giải quyết việc phân định thềm lục địa của hai nước, Bộ Ngoại giao Philippines cho hay.
“Việc lập bản đồ vùng dưới nước cho phép chúng tôi nghiên cứu xem tất cả các yếu tố địa chất và các đặc điểm địa lý tương tác như thế nào và tìm hiểu tiềm năng của chúng,” bà Rahakundini nói. Thông tin về các mỏ khí đốt và ngư trường tiềm năng, và việc lắp đặt các kết nối cáp quang là thông tin giá trị đối với Indonesia, cũng như các quốc gia khác.
Những bản đồ chính xác cũng đóng vai trò then chốt cho hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. (Ảnh: Các sĩ quan Hải quân Indonesia tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ngoài khơi bờ biển Jakarta vào năm 2021.)
“Việc tiến hành chiến tranh dưới nước cũng sẽ được hưởng lợi từ việc lập bản đồ vùng dưới nước”, ông Rahakundini nói. “Do đó, an ninh quốc gia có liên quan chặt chẽ đến vấn đề này.”
Việc lập bản đồ giúp Hải quân Indonesia xác định vị trí của “các vùng dưới nước” để sử dụng trong chiến đấu, bao gồm cả trinh sát và ngụy trang tàu ngầm, ông Soleman Ponto, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Indonesia, nói với DIỄN ĐÀN.
Trong quá trình lập bản đồ, các phép đo cũng được thực hiện về các sinh vật phù du và độ mặn của nước. Đây là các chỉ dấu của ngư trường và có thể hỗ trợ trong việc điều chỉnh hoạt động đánh bắt và duy trì quần thể cá, ông Nurhidayat cho biết.
“Ngoài ngư trường,” ông Rahakundini nói thêm, “tất cả các sinh vật biển có thể được hiểu rõ hơn và được bảo vệ tốt hơn để kiểm soát tác động môi trường của việc khai thác dưới nước.”
HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES