Ấn Độ Dương - Thái Bình DươngCác Vấn đề ChínhCâu chuyện Nổi bậtKhu vựcQuan hệ Đối tác

Các mối đe dọa về an ninh hàng hải thúc đẩy Indonesia-Philippine thắt chặt quan hệ đối tác

Gusty Da Costa

Các nhà phân tích cho biết, việc chống lại các mối đe dọa an ninh chung — bao gồm cướp biển, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) — là cơ sở cho thỏa thuận mới đây giữa Indonesia và Philippines về việc gia hạn các hiệp định an ninh. Sự hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa các nước láng giềng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đi đôi với việc tăng cường sự hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng để củng cố cơ sở hạ tầng chủ chốt ở Philippines.

Vào đầu tháng 9 năm 2022, Jakarta và Manila đã nhất trí sẽ gia hạn và nâng cấp Hiệp định Hợp tác Quốc phòng và An ninh (Defense and Security Cooperation Agreement – DSCA), lần đầu tiên được ký kết vào năm 1997, cùng với Hiệp định Đi lại Biên giới Sửa đổi và Hiệp định Tuần tra Biên giới, có hiệu lực từ năm 1975.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto và ông Jose Faustino Jr., sĩ quan phụ trách của Bộ Quốc phòng Philippines, đã ký thỏa thuận trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đến Indonesia. Theo cơ quan thông tấn nhà nước Philippine News Agency (PNA), việc gia hạn DSCA sẽ củng cố sự hợp tác quốc phòng lâu dài giữa hai quốc gia thông qua việc quy định một khuôn khổ cho sự hợp tác. (Ảnh: Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., bên trái, và Tổng thống Indonesia Joko Widodo duyệt lính danh dự ở Bogor, Indonesia, vào tháng 9 năm 2022.)

“Cả hai quốc gia đều có một nhu cầu về mặt chiến lược là cần cải thiện an ninh hàng hải và vận tải biển trong những vùng biển tiếp giáp với biên giới của họ,” ông Mohammad Abdi Suhufan, điều phối viên quốc gia của Tổ chức Theo dõi Đánh cá Hủy diệt Indonesia (Destructive Fishing Watch Indonesia), một tổ chức phi chính phủ, nói với DIỄN ĐÀN. “Kết quả là, cả hai quốc gia đã xác định các mối đe dọa thực sự trong vùng biển biên giới mà cần được chú ý.”

Ngoài cướp biển và đánh bắt cá IUU, các mối đe dọa bao gồm những kẻ cực đoan bạo lực bắt cóc ngư dân và buôn bán bất hợp pháp, ông nói. Theo PNA, theo các thỏa thuận được gia hạn, sự hợp tác quốc phòng mở rộng được dự kiến sẽ diễn ra trong các lĩnh vực bao gồm các cuộc tập trận chung và kết hợp, an ninh biên giới, trao đổi thăm viếng, chia sẻ thông tin và khả năng tương tác.

“Từ phía Indonesia, Philippines phải là một đối tác chiến lược thì mới đạt được các mục tiêu chính trị của Indonesia trong khu vực, bao gồm hỗ trợ Indonesia đáp ứng các nhu cầu quốc phòng của Philippines và phát triển các ngành công nghiệp quốc phòng của Indonesia thông qua quan hệ đối tác thương mại,” ông Khairul Fahmi, một chuyên gia quân sự thuộc Viện Nghiên cứu An ninh và Chiến lược của Jakarta, nói với DIỄN ĐÀN.

Sau cuộc họp vào tháng 9 với ông Marcos, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, đơn vị đóng tàu PT PAL của Indonesia đang chuẩn bị đóng hai tàu vận chuyển đổ bộ (landing platform dock – LPD) dài 123 mét cho Hải quân Philippines. PT PAL đã đóng hai tàu LPD mà Hải quân Philippines hiện đang sử dụng. Hai con tàu này được đưa vào hoạt động trong năm 2016 và 2017. Ông Widodo cho biết ông hy vọng Không quân Philippines sẽ sớm mua hai máy bay vận tải NC212i của công ty hàng không vũ trụ PT Dirgantara Indonesia của Indonesia.

Trong khi đó, ông Marcos cảm ơn Indonesia đã giúp phát triển cơ sở hạ tầng ở Philippines và bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác song phương.

Ông Widodo cũng công bố việc gia hạn Thỏa thuận Hợp tác Ba bên (Trilateral Cooperative Arrangement – TCA) giữa Indonesia, Malaysia và Philippines. TCA được ký kết lần đầu tiên vào năm 2016 và đã xúc tiến các cuộc tuần tra hàng hải chung với sự tham gia của lực lượng vũ trang của ba quốc gia ở vùng biển Sulu và Celebes.

Theo Safety4Sea, một trang web tin tức hàng hải và vận tải biển có trụ sở tại Hy Lạp, các vụ bắt cóc để đòi tiền chuộc ở những vùng biển đó đã giảm mạnh kể từ khi các cuộc tuần tra bắt đầu, từ 10 vụ tấn công và sáu vụ tấn công bất thành vào năm 2016 xuống còn không vụ nào vào năm 2021.

Theo Tiến sĩ Chester Cabalza, chuyên viên phân tích quốc phòng ở Jakarta, Jakarta và Manila đã ký kết hơn 20 thỏa thuận quốc phòng và an ninh kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1949.

“Sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là trách nhiệm chung”, ông Suhufan ghi nhận. “Do đó, người ta kỳ vọng rằng các nỗ lực nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng sẽ đóng góp vào sự vững vàng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì cả hai quốc gia đều có chung quan điểm về các mối đe dọa bên trong và bên ngoài”.

Gusty Da Costa là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Indonesia.

 

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button