Ấn Độ Dương - Thái Bình DươngCâu chuyện Nổi bậtChâu Đại DươngKhu vực

Báo cáo: Hơn 5.000 quân nhân Trung Quốc sống trên các đảo ở Biển Đông

Radio Free Asia

Bản tin của các cơ quan truyền thông nhà nước của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đã hé lộ quy mô của các lực lượng quân sự Trung Quốc trên các hòn đảo lấn biển dưới sự kiểm soát của quốc gia này ở Biển Đông.

CGTN, bộ phận quốc tế của mạng lưới truyền hình nhà nước CCTV, đã đưa tin vào giữa tháng 10 năm 2022 rằng một tàu bệnh viện của Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Youhao, đã hoàn thành một chuyến đi dài 7.408 kilomet trong 18 ngày.

Theo CGTN, con tàu đã đến thăm 13 hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là đảo Tây Sa và Nam Sa, và “cung cấp dịch vụ y tế cho hơn 5.000 người”.

Họ là “những sĩ quan và binh lính đóng quân trên các đảo và bãi đá ngầm của Tây Sa và Nam Sa,” đài truyền hình nhà nước cho biết. Đây là lần đầu tiên một kênh chính thức của Trung Quốc tiết lộ số lượng binh sĩ trên các bãi đá nổi và bãi đá ngầm mà Trung Quốc đã bồi đắp nhân tạo và quân sự hóa.

Một báo cáo năm 2022 của Recorded Future, một công ty an ninh mạng có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã ước tính rằng hơn 10.000 quân lính Trung Quốc đang đóng quân ở Biển Đông.

Vào năm 2016, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ báo cáo rằng Trung Quốc đã lấn biển hơn 1.294 hecta (13 kilomet vuông) ở Biển Đông, mặc dù diện tích các đảo nhân tạo hiện nay được cho là lớn hơn nhiều vì hoạt động bồi đắp đã tiếp tục.

Ba hòn đảo do bồi đắp nhân tạo — Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef) và Đá Chữ Thập — ở Trường Sa thuộc khu vực phía nam của vùng biển này, đã được quân sự hóa với các nhà kho, nhà chứa máy bay, cảng biển, đường băng và radar, Chỉ huy Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc John Aquilino cho biết.

Việc Trung Quốc biến các đảo nhân tạo thành các căn cứ quân sự là hành động “gây bất ổn cho khu vực”, ông Aquilino nói.

Trung Quốc và năm bên khác — Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam — có các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng chéo ở Biển Đông, mặc dù các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh bao trùm khu vực rộng lớn nhất, trải rộng trên diện tích bằng gần 90% vùng biển giàu tài nguyên này, vốn là tuyến đường giao thương của thế giới. Vào năm 2016, một tòa án quốc tế đã bác bỏ phần lớn các tuyên bố tùy tiện của Bắc Kinh là không có giá trị về mặt pháp lý.

Ở khu vực phía bắc của vùng biển này, quân đội Quân đội Giải phóng Nhân dân đã chiếm quyền kiểm soát các bãi đá ngầm do Việt Nam nắm giữ, và Trung Quốc hiện là nước duy nhất đóng quân ở quần đảo Hoàng Sa với khoảng 130 đảo san hô và bãi đá ngầm.

Bất chấp sự phản đối từ các nước láng giềng, vào năm 2012, Trung Quốc đã thiết lập thành phố Tam Sa, trong ảnh, để quản lý Trường Sa và Hoàng Sa, Bãi Macclesfield, Bãi cạn Scarborough và các vùng biển xung quanh.

Đảo Phú Lâm (Woody) thuộc quần đảo Hoàng Sa đóng vai trò là trụ sở chính của thành phố Tam Sa. Thành phố này trải rộng gần 2 triệu kilomet vuông nhưng chỉ bao gồm khoảng 20 kilomet vuông đất.

Theo một bản tin khác của CGTN, Tam Sa chỉ có 1.800 cư dân thường trú bao gồm dân thường và sĩ quan quân đội vào năm 2020, khiến thành phố này trở thành thành phố cấp huyện có diện tích lớn nhất nhưng dân số nhỏ nhất ở Trung Quốc.

 

HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button