Các Vấn đề ChínhCâu chuyện Nổi bậtĐông Bắc ÁKhu vựcNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Nhật Bản sẽ phát triển tên lửa tầm xa hơn để chống lại Trung Quốc, Nga

Reuters

Vào cuối tháng 8 năm 2022, các quan chức công bố rằng Nhật Bản sẽ phát triển và sản xuất hàng loạt một tên lửa hành trình và một tên lửa đạn đạo tốc độ cao trong khi nước này nỗ lực để đạt được khả năng tấn công các mục tiêu ở xa hơn như một phần trong quá trình mở rộng quân đội nhằm đối mặt với các mối đe dọa từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và Nga.

Kế hoạch mua sắm được công bố trong yêu cầu ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản thể hiện một kết thúc rõ ràng của giới hạn phạm vi đã kéo dài hàng thập kỷ qua, được áp đặt lên Lực lượng Tự vệ Nhật Bản, hạn chế họ chỉ được sử dụng các tên lửa với phạm vi vài trăm kilomet.

“Trung Quốc tiếp tục đe dọa sẽ sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi hiện trạng và đang làm sâu sắc thêm liên minh của nước này với Nga”, Bộ Quốc phòng cho biết. “Trung Quốc cũng đang gây áp lực xung quanh Đài Loan với những hoạt động gắn mác cuộc tập trận quân sự và chưa từ bỏ việc sử dụng lực lượng quân sự như một cách để sáp nhập Đài Loan vào phần còn lại của Trung Quốc”.

Sự lo sợ về tham vọng của Trung Quốc trong khu vực đã tăng lên vào tháng 8 năm 2022 sau khi Quân đội Giải phóng Nhân dân bắn năm tên lửa đạn đạo vào vùng biển cách Nhật Bản chưa đầy 160 kilomet trong các cuộc tập trận bắn đạn thật xung quanh Đài Loan tự quản mà đã bị nhiều nước lên án.

Bộ Quốc phòng cũng gọi Bắc Triều Tiên là mối đe dọa đối với Nhật Bản.

Yêu cầu ngân sách là để sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình phóng từ mặt đất để tấn công tàu — một phiên bản tên lửa tầm xa của Loại 12 do Mitsubishi Heavy Industries thiết kế hiện đang được sử dụng – và một loại tên lửa đạn đạo đẩy lướt mới, tốc độ cao, có khả năng bắn trúng các mục tiêu trên mặt đất. (Ảnh: Một binh sĩ của Lực lượng Tự vệ Trên bộ Nhật Bản đi qua một hệ thống tên lửa đất-đối-hạm trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Gotemba vào tháng 5 năm 2022.)

Bộ Quốc phòng cũng đang tìm nguồn tiền để phát triển các đầu đạn khác, bao gồm cả đầu đạn siêu thanh. Bộ đã không đưa ra một phạm vi cho các vũ khí được đề xuất hay cho biết họ đã lên kế hoạch sẽ sử dụng bao nhiêu, nhưng các vũ khí này có lẽ sẽ có thể bắn trúng các mục tiêu ở Trung Quốc nếu được triển khai dọc theo chuỗi đảo Okinawa ở phía tây nam của Nhật Bản.

Nhật Bản đã đặt hàng các tên lửa phóng từ trên không, bao gồm tên lửa tấn công liên hợp do Kongsberg của Na Uy sản xuất và tên lửa không-đối-đất liên hợp được phóng từ khoảng cách xa mục tiêu của Lockheed Martin Corp. với tầm bắn lên đến 1.000 kilomet.

Bộ Quốc phòng yêu cầu mức tăng chi tiêu 3,6% lên 936 nghìn tỷ đồng (39,78 tỷ đô la Mỹ) cho năm bắt đầu từ ngày 1 tháng 4 năm 2023, nhưng Bộ nói rằng con số sẽ tăng dựa trên chi phí của các chương trình mua sắm mới.

Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ phê duyệt mức tăng vào cuối năm 2022 khi họ cũng sẽ công bố một cuộc cải tổ lớn về chiến lược quốc phòng và kế hoạch mới về tích lũy quân sự.

Ông Kishida, người đã mô tả tình hình an ninh ở Đông Á là “mong manh” sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina vào tháng 2 năm 2022, đã hứa sẽ tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng để chuẩn bị Nhật Bản cho cuộc xung đột trong khu vực.

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông đã hứa sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội trong 5 năm. Mức chi tiêu này sẽ khiến Nhật Bản trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới sau đồng minh của mình là Hoa Kỳ, và Trung Quốc.

Quân đội Nhật Bản cũng muốn nâng cao hệ thống phòng thủ mạng, năng lực tác chiến điện từ và sự hiện diện trong không gian vũ trụ.

 

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button