Các Vấn đề ChínhCâu chuyện Nổi bậtNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Chiến thuật “Bên miệng hố chiến tranh” của Nga đẩy các nhà máy điện hạt nhân của Ukraina vào tình thế nguy hiểm

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Theo các chuyên gia quốc tế, sáu tháng sau khi lực lượng Nga chiếm được nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraina, nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân tại nhà máy này vẫn ở mức cao. Theo The Associated Press (AP) đưa tin, các nhà máy hạt nhân khác ở Ukraina cũng đang gặp trong tình thế hiểm nghèo khi một tên lửa của Nga bắn trúng trong phạm vi 300 mét từ nhà máy Pivdennoukrainsk ở miền nam Ukraina vào ngày 19 tháng 9 năm 2022.

Tên lửa bắn trúng các thiết bị công nghiệp nhưng trượt ba lò phản ứng của nhà máy. Các quan chức Ukraina đã chỉ trích vụ bắn tên lửa này là hành động “khủng bố hạt nhân”, theo AP đưa tin.

Vào tháng 3 năm 2022, việc Nga chiếm nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, một trong 10 nhà máy lớn nhất thế giới, đã làm dấy lên sự lo ngại trong cộng đồng quốc tế rằng một thảm họa hạt nhân thậm chí còn lớn hơn cả Chernobyl về kích cỡ và quy mô có thể sắp xảy ra. Hầu hết các chuyên gia coi vụ nóng chảy hạt nhân vào năm 1986 của lò phản ứng Chernobyl ở Ukraina là thảm họa năng lượng hạt nhân kinh khủng nhất, gây ra những ảnh hưởng chưa từng có về sức khỏe, kinh tế và môi trường.

Gần như ngay sau khi Zaporizhzhia bị chiếm giữ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kiev đã gọi việc Nga bắn phá nhà máy này là một “tội ác chiến tranh”.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy dự đoán rằng một vụ nổ tại nhà máy này có thể có quy mô bằng “sáu Chernobyl”. Ông nói: “Chúng tôi đã sống sót qua một đêm mà đã có thể làm ngừng lịch sử của Ukraina, lịch sử của châu Âu”.

Kể từ đó, đã có rất ít thay đổi để giảm bớt những lo sợ về một thảm họa hạt nhân hoặc để thay đổi cảm nhận rằng Nga đang đặt khu vực này vào tình thế nguy hiểm bảy tháng sau cuộc xâm lược vô cớ vào Ukraina. Việc bắn phá gần nhà máy Zaporizhzhia tiếp tục trong suốt tháng 8 và đầu tháng 9 ngay cả khi các chuyên gia từ cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (International Atomic Energy Agency – IAEA), kiểm tra nhà máy. (Ảnh: Một xe bọc thép của Nga đang đậu bên ngoài nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraina trong một cuộc kiểm tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế vào ngày 1 tháng 9 năm 2022.)

“Bất kỳ diễn biến leo thang nào nữa mà ảnh hưởng đến nhà máy có sáu lò phản ứng này đều có thể dẫn đến một vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng với những hậu quả phóng xạ có thể vô cùng nặng nề đối với sức khỏe con người và môi trường ở Ukraine và các nơi khác”, IAEA đã cảnh báo trong báo cáo dài 52 trang được công bố vào ngày 6 tháng 9.

“Thông qua hành động xâm chiếm một nhà máy điện hạt nhân và đặt Zaporizhzhia vào tầm bắn, Nga đang dùng an toàn hạt nhân để đặt cược mạo hiểm,” bà Barbara Woodward, đại sứ của Vương quốc Anh tại Liên Hợp Quốc, đã phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong cùng ngày.

Vài ngày sau đó, nhà máy Zaporizhzhia đã mất điện khi đạn pháo làm hư hỏng đường dây dẫn điện để duy trì các hệ thống làm mát. Việc này càng làm tăng thêm mối lo ngại. Để giảm nguy cơ xảy ra sự cố nóng chảy, lò phản ứng cuối cùng trong sáu lò phản ứng của nhà máy đã được đặt trong tình trạng tắt lò nguội lạnh. Tuy nhiên, cần có nguồn điện bên ngoài để làm mát các lò phản ứng.

“Nếu nguồn điện bị ngắt, khi đó chúng tôi sẽ dựa vào các máy phát điện diesel khá cũ để chạy các hệ thống an toàn”, Đại tá quân đội Anh đã nghỉ hưu Hamish de Bretton-Gordon, một chuyên gia về vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân, nói với CBS News. “Một nhà máy điện hạt nhân ở Hoa Kỳ hoặc Anh có lẽ phải sử dụng năng lượng khẩn cấp một hoặc hai lần trong một thập kỷ. Vì vậy, khi việc này xảy ra một hoặc hai lần mỗi tuần …thì khả năng phát sinh thêm các vấn đề khác cũng tăng theo cấp số nhân”.

Bà Oksana Markarova, đại sứ Ukraina tại Hoa Kỳ, gọi việc lò phản ứng phải ngừng hoạt động là một quyết định mà quốc gia của bà bị ép phải làm. “Người dân quyết tâm một lòng là lính Nga phải rời đi, thực hiện các khuyến nghị của IAEA và phi quân sự hóa nhà máy này… Điều đó sẽ mang lại sự an toàn cho họ,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 11 tháng 9.

Theo AP đưa tin, vào ngày 16 tháng 9, hội đồng lãnh đạo gồm 35 quốc gia của IAEA đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Matxcơva ngừng ngay lập tức việc chiếm đóng nhà máy. IAEA cũng đã kêu gọi chỉ định cơ sở này và khu vực xung quanh là một khu phi quân sự. Ông Rafael Grossi, tổng giám đốc IAEA, cho biết quân đội Nga cần trả lại “toàn bộ quyền kiểm soát cơ sở này cho Ukraina”, tương tự như các yêu cầu của Ukraine và Hoa Kỳ.

Mặc dù điện đã được khôi phục cho nhà máy vào ngày 17 tháng 9, ông Rossi đã viết trên Twitter rằng “tình hình vẫn còn bấp bênh”. IAEA đang tiếp tục có mặt tại nhà máy để giám sát lò phản ứng.

Nhiều nhà phân tích vẫn hoài nghi việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ rút quân khỏi nhà máy một cách hòa bình. “Ông ta có rất ít quân át chủ bài. Tôi nghĩ rằng đối với ông ấy, Zaporizhzhia là một quân át chủ bài mà ông ấy sẽ không từ bỏ một cách dễ dàng”, bà de Bretton-Gordon nói.

“Các cơ sở quân sự dân sự của Ukraina đã trở thành những địa điểm quân sự chiến lược quan trọng đối với Nga. Họ không cần phải đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân,” ông Maxim Starchak, một chuyên gia ở Matxcơva về chính sách hạt nhân, quốc phòng và ngành công nghiệp hạt nhân của Nga đã viết trong một bài báo ngày 9 tháng 9 năm 2022 cho Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu. “Và vì lượng phóng xạ bên trong một lò phản ứng cao hơn nhiều so với lượng trong một quả bom, sự ô nhiễm phóng xạ do vụ nổ của một lò phản ứng hạt nhân sẽ lớn hơn rất nhiều.”

Giới lãnh đạo quân sự của Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng việc phá hủy các nhà máy điện hạt nhân có thể mang lại hiệu quả tương đương với việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh của Nga, cảnh báo sau khi Zaporizhzhia bị trúng đạn rằng “chúng ta không nên quên rằng có các nhà máy điện hạt nhân ở Liên minh châu Âu. Và tai nạn cũng có thể xảy ra ở đó”.

Các vụ tấn công là một phần trong những cố gắng của Nga buộc các nhà máy hạt nhân của Ukraina ngừng hoạt động trước mùa đông bằng cách nhắm  vào nguồn cung điện của chúng, bà Patricia Lewis, giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London, nói với AP.

“Việc nhắm vào một trạm hạt nhân là một hành động rất, rất nguy hiểm và bất hợp pháp,” bà nói. “Chỉ có các tướng lĩnh mới biết được mục đích là gì, nhưng rõ ràng là có một lối hành xử lặp đi lặp lại”.

 

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button