Câu chuyện Nổi bậtĐông Bắc Á

Bắc Triều Tiên kêu gọi khoản đầu tư năng lượng mặt trời từTrung Quốc sau khi tuyên bố mình là quốc gia hạt nhân

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Bắc Triều Tiên dường như đang nối lại mối quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), tìm kiếm một thỏa thuận năng lượng mặt trời với Bắc Kinh khi Kim Jong Un công khai gạt bỏ khả năng dỡ bỏ vũ khí hạt nhân.

Giao thương giữa hai quốc gia đã căng thẳng kể từ khi đại dịch COVID-19 buộc các đường biên giới phải đóng cửa. Theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt vẫn đang áp đặt lên Bắc Triều Tiên càng cản trở khả năng của Bình Nhưỡng trong việc lấy các nguồn lực từ bên ngoài mà nước này đáng lẽ sẽ sử dụng để làm đầy kho vũ khí hạt nhân của mình.

Tuy các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm các quốc gia mua than bắt nguồn từ Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Triều Tiên đã tiếp tục vận chuyển than đến Trung Quốc, theo Đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin.

“Những hạn chế lên hoạt động xuất khẩu của Bắc Triều Tiên đối với những mặt hàng kiếm được nhiều tiền của nước này — than, quặng sắt và các sản phẩm kim loại phi sắt khác nhau — có thể đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt ngoại hối, hạn chế khả năng của nước này trong việc nhập khẩu với khối lượng lớn hơn,” trang web 38 North đưa tin vào đầu năm 2022. “Tuy nhiên, những hàng hóa này hiện đang có nhu cầu cao ở Trung Quốc và có giá rất cao, tạo điều kiện cho hoạt động nhập lậu hoặc đòi hỏi phải có thay đổi trong chính sách của Trung Quốc.”

Theo RFA, hiện Bắc Triều Tiên muốn mở rộng quan hệ đối tác với Trung Quốc bằng cách yêu cầu khoản đầu tư của Trung Quốc để xây dựng một nhà máy điện mặt trời để đổi lấy một hợp đồng thuê 10 năm các trang trại biển dọc theo bờ biển phía tây của Bắc Triều Tiên.

Các tin tặc đã sử dụng tiền điện tử để rửa hàng triệu đô la cho Bắc Triều Tiên. Tiền điện tử được xem là một nguồn tài trợ quan trọng cho chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của nước này. Thị trường tiền điện tử đang tuột dốc cùng các cuộc điều tra và biện pháp trừng phạt của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã khiến Bắc Triều Tiên khó tiếp cận các két tiền kỹ thuật số, và Bình Nhưỡng phải tìm tiền mặt ở nơi khác.

Nhưng các chuyên gia vẫn hoài nghi về cán cân quyền lực ở Đông Bắc Á khi các quốc gia như Trung Quốc và Bắc Triều Tiên hợp tác.

Bà Hae Kyung Ahn, một cố vấn cấp cao tại Viện Kinh tế Hàn Quốc, đã viết vào tháng 3 năm 2022 cho tạp chí tin tức trực tuyến The Diplomat: “Sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bắc Triều Tiên đã sụt giảm, và giờ đây nước này đã sẵn sàng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở Bắc Triều Tiên — ngay khi cả hai bên sẵn sàng mở cửa trở lại những hoạt động trao đổi sau thời gian đóng cửa trong đại dịch”. “Một liên minh với một cường quốc lớn, như Bắc Triều Tiên với Trung Quốc, có thể nhanh chóng trở thành một mối quan hệ đại diện khi có sự bất ổn ở quốc gia yếu hơn… Đã qua rồi những ngày mà các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên có thể được xem đơn thuần là một nỗ lực để thuần hóa một chế độ suy đồi”.

Trong nhiều thập kỷ, Bắc Triều Tiên đã thiếu khả năng cung cấp điện ổn định cho người dân do cơ sở hạ tầng cũ nát và những gì các nhà phân tích gọi là tập trung vào vũ khí hạt nhân thay vì cải thiện chất lượng cuộc sống. Ở các tỉnh nông thôn, điện thường xuyên bị tắt và được chuyển đi để giữ nguồn điện ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: Những bức chân dung được chiếu sáng của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Il Sung và Kim Jong Il được treo trên một tòa nhà trong vùng trời tối đen của Bình Nhưỡng.)

Đề xuất về nhà máy điện mặt trời của Bắc Triều Tiên sẽ trao cho Trung Quốc quyền đánh bắt lươn, cá và động vật có vỏ được nuôi ngoài khơi bờ biển của Bắc Triều Tiên. Để đổi lấy việc cho thuê gần 5.000 hecta trang trại nuôi cá, Trung Quốc sẽ trả cho Bắc Triều Tiên 59,2 nghìn tỷ đồng (2,5 tỷ đô la Mỹ) để xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời mà có thể phát 2,5 triệu kilowatt điện mỗi ngày, theo RFA đưa tin.

Những lời hứa của ông Kim về việc cung cấp cho người dân nhà ở tốt hơn và các nguồn lực khác hầu như không được thực hiện trong một thập kỷ ông này ở cương vị lãnh đạo. Thay vào đó, chế độ tiếp tục thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Vào đầu tháng 9 năm 2022, ông Kim nói rằng Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.

Sau thông báo của ông Kim, Bắc Triều Tiên đã tổ chức một loạt các bài giảng tuyên truyền về Đạo luật Chính sách Lực lượng Hạt nhân mới được thông qua. Đạo luật này cho phép ông Kim ra lệnh tấn công hạt nhân phủ đầu để chống lại các mối đe dọa. Theo RFA đưa tin vào tháng 9 năm 2022, chế độ đang buộc tất cả dân chúng phải tham dự các bài giảng, điều mà những người Bắc Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn phàn nàn là một sự lãng phí thời gian.

“Người ta đã và đang nói về luật mới, nói rằng nó đã được thông qua bởi các cuộc đàm phán kín với các quốc gia khác để nhận viện trợ tài chính mà không phải từ bỏ vũ khí hạt nhân đã thất bại,” một nguồn tin giấu tên nói với RFA. “Người dân ở đây nhận thức rất rõ rằng việc phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân không giúp ích gì cho cuộc sống của họ, vì vậy họ nghĩ rằng việc tham dự các bài giảng về nó là một sự lãng phí thời gian.”

 

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button