Các Vấn đề ChínhCâu chuyện Nổi bậtĐông Bắc ÁKhu vựcNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Chiến dịch thắt chặt an ninh làm giảm giá trị của Hồng Kông đối với Trung Quốc đại lục

Tom Abke

Theo một cựu quan chức ngoại giao Vương quốc Anh làm việc ở Hồng Kông và các phương tiện truyền thông, chiến dịch thắt chặt an ninh của Bắc Kinh ở Hồng Kông đang nhanh chóng làm giảm giá trị của nơi này đối với đại lục vì nó biến Hồng Kông trở thành một nơi ít hấp dẫn hơn để sinh sống và làm việc, qua đó khiến những người tài giỏi chuyển đi nơi khác. Bằng cách bao phủ sự kiểm soát độc tài lên các hệ thống đại diện chính trị, truyền thông, giáo dục, xã hội dân sự và luật pháp của thành phố, Bắc Kinh đã dồn ép hàng loạt các công chức Hồng Kông phải xin nghỉ việc, khiến hàng trăm nghìn cư dân phải di cư và làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của nơi này đối với những người lao động nước ngoài.

“Không ai cho rằng Hồng Kông sẽ tan rã vào ngày mai, nhưng đến năm 2049, khi đây không là gì ngoài một thành phố tầm thường của Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng nơi đây sẽ còn có nét riêng như trong thế kỷ trước hoặc lâu hơn,” ông Charles Parton, người đã cống hiến 22 năm trong Cơ quan Ngoại giao Anh làm việc tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), Hồng Kông và Đài Loan, nói với DIỄN ĐÀN. “Thay vì một chiếc rìu chiến chém thẳng vào hộp sọ, đây là cái chết từ một ngàn vết cứa”.

Một bầu không khí sợ hãi đã bao phủ lên Hồng Kông, ông Parton cho biết, đến từ những biện pháp như Luật An ninh Quốc gia năm 2020 do Bắc Kinh áp đặt. Luật này cho phép những người bị buộc tội ly khai như lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài, bị xét xử ở đại lục và khuyến khích người dân Hồng Kông báo cáo bất kỳ người nào bị nghi ngờ phạm những tội đó.

Trong bài tiểu luận vào tháng 6 năm 2022, “Tầm quan trọng của chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Hồng Kông”, (“The significance of Xi Jinping’s visit to Hong Kong”), do Hội đồng Chiến lược Địa lý của Vương quốc Anh xuất bản, ông Parton đã mô tả cách mà những biện pháp độc tài do Bắc Kinh thực thi đã làm xói mòn sự tự quản của thành phố này, cùng lúc châm ngòi cho các cuộc biểu tình. Những biện pháp này bắt đầu vào năm 2003, sáu năm sau khi Hồng Kông thay đổi vị thế từ một thuộc địa của Vương quốc Anh sang một đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Ông viết, Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới thời ông Tập làm tổng bí thư, đã bóp nghẹt những tiếng nói phản đối Bắc Kinh trong lĩnh vực chính trị và truyền thông của Hồng Kông. Trong giáo dục, các “hội nhóm học sinh, sinh viên đã bị giải tán và sách giáo khoa bị viết lại”. Giáo viên và giáo sư bị coi là không đáng tin cậy đã mất việc”. Các đoàn thể, các nhóm xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ đã bị Bắc Kinh kiểm soát hoặc buộc phải đóng cửa. Các thẩm phán càng ngày càng phụ thuộc vào sự chấp thuận của Bắc Kinh thì mới được làm việc. Giám sát bằng phương thức điện tử đang gia tăng.

Theo báo The Economist đưa tin vào tháng 7 năm 2022, hầu hết những người ủng hộ dân chủ đáng chú ý ở Hồng Kông hiện đang bị giam giữ hoặc sống ở nước ngoài.

Theo ông Parton, Trung Quốc được hưởng lợi từ các giao dịch kinh doanh ở Hồng Kông được thực hiện bằng đô la Hồng Kông, một loại tiền tệ hoàn toàn có thể chuyển đổi, không giống như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Nhưng tổng sản phẩm quốc nội (gross domestic product – GDP) của thành phố đã giảm từ gần 20% tổng GDP của Trung Quốc vào năm 1997 xuống dưới 3% hiện nay. Mặc dù sự thay đổi này chủ yếu là do sự phát triển kinh tế của các thành phố đại lục, ông Parton nhấn mạnh rằng sự đàn áp của Bắc Kinh đã khiến Hồng Kông trở thành một nơi nhiều người thấy ít muốn đến làm việc và kinh doanh hơn, bao gồm cả người nước ngoài. (Ảnh: Cảnh sát tuần tra gần cơ quan chính phủ ở Hồng Kông vào tháng 5 năm 2022.)

Một cuộc thăm dò của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho thấy 26% doanh nghiệp và 44% thành viên của những doanh nghiệp đó ở Hồng Kông đang cân nhắc việc rời khỏi thành phố; một nhận định tương tự đã được đưa ra bởi gần một nửa số người được hỏi trong một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Châu Âu. Theo The Economist, hơn 100.000 người từ Hồng Kông đã nộp đơn xin thị thực của Công dân Anh (ở nước ngoài) vào năm 2021. Thị thực này sẽ cho phép họ sống ở Vương quốc Anh. Hơn nữa, vào năm 2021, một số lượng kỷ lục công chức Hồng Kông đã bỏ việc, trong khi số lượng ứng cử viên mới giảm 30%.

Cũng đã có sự sụt giảm đáng kể trong số lượng học sinh đăng ký học tại trường, ông Parton nói. Ông nói: “Có vẻ như người ta không muốn con cái của mình lớn lên trong bầu không khí như thế này”.

Tom Abke là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Singapore.

 

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button