Câu chuyện Nổi bật

Tình trạng mất an ninh lương thực của Bắc Triều Tiên vẫn tồn tại khi mùa gieo trồng bắt đầu.

Felix Kim

Theo các báo cáo, các chính sách theo chủ trương cô lập của Bình Nhưỡng tiếp tục gây ra tình trạng mất an ninh lương thực vô cùng nghiêm trọng khi ngành nông nghiệp bị bỏ mặc và thời tiết khắc nghiệt khiến tình hình càng tồi tệ ở Bắc Triều Tiên.

Các nhà phân tích cho biết những hạn chế về kinh tế đã khiến nước này càng dễ mất an ninh lương thực do đại dịch COVID-19 và việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ chối chấp nhận các loại vắc-xin. “Lỗ hổng về lương thực của đất nước này hiện tương đương với lượng thực phẩm sử dụng trong khoảng hai đến ba tháng. Những điều đau khổ ngày càng chồng chất giữa những hạn chế kinh tế do cuộc chiến chống vi-rút đang diễn ra”, Cơ quan tin tức Yonhap của Hàn Quốc đưa tin vào tháng 5 năm 2022, trích dẫn dữ liệu từ trang web The World Factbook của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ.

Theo The World Factbook, nếu không có sự hỗ trợ từ nước ngoài, người dân Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục phải chịu đựng nạn đói và suy dinh dưỡng. “Nếu lỗ hổng này không được giải quyết một cách đúng mức thông qua nhập khẩu thương mại và/hoặc viện trợ lương thực, các hộ gia đình có thể trải qua một giai đoạn đói kém khắc nghiệt,” trang web cho biết thêm.

Trong suốt đại dịch, Bình Nhưỡng đã từ chối tiêm chủng cho người dân Bắc Triều Tiên bằng vắc-xin được cung cấp bởi chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới, ông Ankit Panda, một đồng sự cấp cao của Carnegie Endowment for International Peace, đã viết trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 5 năm 2022. Các lệnh phong tỏa để chống chọi với đợt bùng phát được công bố đầu tiên của đất nước này hiện đang đe dọa sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mùa gieo trồng nơi đây, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Hậu quả có thể là một nạn đói trong những tháng tới, ông Panda cảnh báo.

Ông nhấn mạnh: “Sản xuất lúa gạo, trong vai trò một loại lương thực chủ lực của quốc gia, là điều then chốt để ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực trên diện rộng”.

Trước tình trạng khó khăn hiện tại, Bắc Triều Tiên đã gặp phải những vụ thu hoạch ít ỏi do thời tiết khắc nghiệt gây ra, theo BBC đưa tin. Điều đó đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nông nghiệp vốn đã bị trì trệ do các thiết bị và phương pháp lỗi thời. BBC cho biết thêm rằng chế độ của Bắc Triều Tiên đã ưu tiên nguồn lực cho các công nghệ và tên lửa quân sự mới, nhưng họ thiếu máy móc đủ phát triển cần có cho một vụ thu hoạch nhanh chóng và hiệu quả.

Một nông dân Hàn Quốc nói với BBC: “Lượng gạo thu hoạch được trong một giờ bằng cách sử dụng thiết bị hiện đại ở Hàn Quốc có thể mất một tuần để thu hoạch bằng tay ở miền Bắc. (Ảnh: Các nông dân trồng lúa ở Bình Nhưỡng vào tháng 8 năm 2021 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực ở Bắc Triều Tiên đang trở nên trầm trọng hơn).

Theo dự kiến, những hình thái thời tiết xấu đi sẽ càng đe dọa nguồn cung thực phẩm của Bắc Triều Tiên trong những năm tới, theo “Hội tụ Khủng hoảng ở Bắc Triều Tiên: An ninh, Ổn định & Biến đổi khí hậu” (“Converging Crises in North Korea: Security, Stability & Climate Change”), một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 năm 2021 của Trung tâm về Khí hậu & An ninh. Nghiên cứu phát hiện rằng, theo dự đoán, mưa lớn và lũ lụt dữ dội sẽ sớm tăng vọt ở nước này. Kéo theo đó, các vụ mùa thất bát sẽ dễ xảy ra hơn dọc theo bờ biển phía tây của nước này, được biết đến là vựa lương thực của Bắc Triều Tiên.

Ngoài các kỹ thuật canh tác yếu kém, nghiên cứu đã xác định rằng việc chính phủ phá rừng và quy hoạch kém là nguyên nhân khiến các vấn đề an ninh lương thực liên quan đến thời tiết xấu càng nặng nề hơn.

Tuy nhiên, có lẽ yếu tố dai dẳng nhất dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực ở Bắc Triều Tiên là tình cảnh nghèo khổ mà hầu hết người dân phải chịu đựng, theo Borgen Project, một tổ chức phi chính phủ chống đói nghèo. Hoàn cảnh khó khăn của họ liên quan trực tiếp đến chính sách của chính phủ. Bộ máy này dành khoảng một phần tư tổng sản phẩm quốc nội của đất nước để phát triển vũ khí, Borgen Project cho biết thêm. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt quốc tế do Bắc Triều Tiên tiếp tục đe dọa các nước láng giềng bằng các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đã hạn chế hàng hóa nhập khẩu, do đó làm trầm trọng thêm khó khăn kinh tế và mất an ninh lương thực.

Để khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn, một lệnh cấm bán hàng trên đường phố, loại hình kinh doanh mà nhiều người dân Bắc Triều Tiên dựa vào để kiếm thêm cho thu nhập ít ỏi của họ, đã có hiệu lực kể từ đầu năm 2021.

Felix Kim là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Seoul, Hàn Quốc.

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button