Câu chuyện Nổi bật

Những lời hứa hẹn của Trung Quốc với Philippines không được thực hiện đầy đủ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Sự trông đợi của Tổng thống Philippines sắp mãn nhiệm vào những lời hứa hẹn từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) trong nhiệm kỳ sáu năm của ông hóa ra đã sai lầm.

Bốn tháng sau khi nhậm chức vào tháng 6 năm 2016, Tổng thống Rodrigo Duterte đã đến Trung Quốc để xem ông có thể đạt được những sự nhượng bộ nào. Ông đã trở lại Philippines với những lời đảm bảo từ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình về việc sẽ cung cấp các khoản đầu tư trị giá 558 nghìn tỷ đồng (24 tỷ đô la Mỹ), bao gồm các dự án giao thông và cơ sở hạ tầng phù hợp với chương trình Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc.

Gần sáu năm sau, khi ông Duterte chuyển giao chức tổng thống cho ông Ferdinand Marcos Jr., rất ít cam kết lớn về cơ sở hạ tầng của ông Tập đã trở thành hiện thực. Theo tạp chí The Diplomat, các khoản đầu tư của các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Trung Quốc, các ngân hàng chính sách của Trung Quốc và các công ty tư nhân của Trung Quốc cũng đã không được thực hiện như mong đợi.

Tuy tiền của Trung Quốc chảy vào Philippines trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte, nhưng bản thân các nhà đầu tư thường là những bên hưởng lợi chính. “Thất bại của ông Duterte không phải là ông ấy không thể mang tiền Trung Quốc về cho đất nước này, mà là không thể làm cho các dự án của Trung Quốc phù hợp hơn về mặt phát triển với người Philippines”, tờ The Diplomat nhận định.

Dito Telecommunity, một công ty viễn thông có mạng lưới bao phủ trên khắp Philippines, được tài trợ bởi một liên doanh gồm hai công ty thuộc sở hữu của một người quen của ông Duterte và một công ty thứ ba, China Telecom. Các ngân hàng chính sách của Trung Quốc đã cho liên doanh này vay tiền. Theo The Diplomat, đáng lẽ ra các ngân hàng đã khó có thể cung cấp khoản vay cho một liên doanh do người thân tín Duterte kiểm soát một phần nếu không vì mối quan hệ của tổng thống với Trung Quốc, và một sự hiểu biết ngầm rằng chính phủ Philippines sẽ chịu trách nhiệm về khoản vay nếu sau này liên doanh thất bại.

Báo BusinessMirror đưa tin, Sở Giao dịch Chứng khoán Philippines đã ấn định cho liên doanh này và đơn vị bảo lãnh của liên doanh này mức phạt tối đa vì đã hủy bỏ quyền chào bán cổ phiếu (stock rights offering – SRO) của công ty Dito vào tháng 1 năm 2022. “Việc rút SRO đã làm lung lay sự toàn vẹn của thị trường vốn đã không ổn định, với rất nhiều vụ bê bối mà họ phải đối mặt trong những năm qua”, theo BusinessMirror đưa tin.

Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã hỗ trợ các hoạt động cờ bạc trực tuyến, dịch vụ hộ tống và các doanh nghiệp bất hợp pháp khác ở Philippines. Các doanh nghiệp này có dính líu đến các tội phạm từ trốn thuế đến nhập khẩu người lao động nước ngoài đến bắt cóc để đòi tiền chuộc. Theo CNN Business, một số nhà lập pháp đã hành động để cấm các đơn vị vận hành cờ bạc ở nước ngoài của Philippines, nói rằng chúng là mối đe dọa và nguồn gốc của tham nhũng.

Trong khi đó, Philippines và Trung Quốc tiếp tục tranh chấp các quyền đối với các vùng biển và đảo ở một phần của Biển Đông, khu vực mà người Philippines gọi là Biển Tây Philippines. Việc này diễn ra bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế mà khẳng định tuyên bố về các quyền đánh bắt cá và quyền khai thác khoáng sản ngoài khơi của Philippines mà ông Duterte chủ yếu đã phớt lờ khi gặp ông Tập vào tháng 10 năm 2016.

Một số ít các cuộc đối đầu trên biển đã làm trầm trọng thêm căng thẳng. Nếu có gì, thì tình hình hàng hải đã trở nên tồi tệ hơn.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte:

  • Một tàu dân quân hàng hải của ĐCSTQ đã đâm chìm một tàu cá của Philippines tại khu vực tranh chấp Bãi Cỏ rong (Reed Bank) vào tháng 6 năm 2019. 22 thành viên thủy thủ đoàn của con tàu bị chìm này đã được một tàu cá Việt Nam cứu sống.
  • Các tàu bán quân sự của Trung Quốc đã bao vây Rạn san hô Whitsun thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông vào tháng 3 năm 2021. Philippines, Trung Quốc và Việt Nam đều lập luận rằng rạn san hô này nằm trong lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ.
  • Hai tàu dân sự của Philippines trong khi đang chuyển hàng cho một tàu đang neo đậu tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), một đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa, đã bị ba tàu của cảnh sát biển Trung Quốc chặn lại và phun vòi rồng vào tháng 11 năm 2021.
  • Trong năm 2022, các tàu của cảnh sát biển Trung Quốc đã liên tục di chuyển gần đến mức nguy hiểm các tàu của Cảnh sát Biển Philippines gần Bãi cạn Scarborough, một bãi đá không có người ở cách bờ biển phía tây bắc của Philippines khoảng 200 kilomet. Quyền sở hữu bãi đá này cũng là một vấn đề đang tranh chấp.

Những sự việc này và những sự việc khác đã góp phần thúc đẩy một làn sóng giận dữ của người dân trong nước mà có thể đã gây ảnh hưởng khiến ông Duterte thay đổi góc nhìn về Trung Quốc. Theo trang web tin tức Asia Times, tuy rằng Manila đã từ chối đàm phàn về một thỏa thuận quốc phòng lớn với Trung Quốc hoặc cùng phát triển các khu đất trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi của Philippines, Bắc Kinh đã đơn phương quân sự hóa quần đảo Trường Sa, tiến hành các cuộc tập trận hải quân trong khu vực này và triển khai lực lượng bán quân sự và cảnh sát biển để đe dọa các tàu của Philippines. (Ảnh: Người biểu tình tụ họp trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, Philippines, vào tháng 7 năm 2021 sau khi các tàu của cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng vào hai tàu tiếp hàng của Philippines đang trên đường đến một bãi cạn có tranh chấp ở Biển Đông.)

Việc Trung Quốc không sốt sắng thực hiện các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục tuyên bố chủ quyền với vùng biển tranh chấp đã khiến ông Duterte tìm kiếm sự hỗ trợ ở những nơi khác, bao gồm cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên cũng như các đối tác lâu năm là Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Việc Trung Quốc thiết lập các cơ sở quân sự như hệ thống radar, nhà kho chứa máy bay và kho vũ khí tên lửa trên các đảo có tranh chấp ở Biển Đông là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia trong khu vực, Chuẩn đô đốc John Aquilino, Chỉ huy Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nói với The Associated Press. Ông nói: “Chức năng của những hòn đảo này là để mở rộng khả năng tấn công của Trung Quốc vượt ra ngoài bờ lục địa của họ”.

Vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2022, Lực lượng Vũ trang của Philippines và các lực lượng của Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc tập trận Balikatan thường niên ở Philippines. Gần 9.000 quân lính đã tham gia từ Luzon đến Palawan.

Cũng trong đầu tháng 4, các nhà lãnh đạo quân sự Nhật Bản và Philippines đã nhất trí sẽ trao đổi trang thiết bị và cho phép binh sĩ của hai bên đến thăm các quốc gia của nhau để tập luyện chung, theo tạp chí The Diplomat.

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button