Các Vấn đề ChínhCâu chuyện Nổi bậtChâu Đại DươngKhu vựcQuan hệ Đối tác

Bộ trưởng Ngoại giao Úc: Hiệp ước AUKUS sẽ không dẫn đến một nước Úc được trang bị vũ khí hạt nhân

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong đã nói rõ rằng một hiệp ước an ninh có tên là AUKUS với Vương quốc Anh và Hoa Kỳ sẽ không dẫn đến một nước Úc được trang bị vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi không phải là một cường quốc hạt nhân. Có những cường quốc hạt nhân trong khu vực, nhưng Úc không phải là một trong số đó”, bà Wong cho biết vào cuối tháng 6 năm 2022, theo The Associated Press (AP).

Theo AP đưa tin, một thỏa thuận của AUKUS nêu chi tiết các kế hoạch của Úc về việc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đã khiến một số nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lo ngại rằng thỏa thuận này có thể làm leo thang căng thẳng ở các khu vực như Biển Đông.

“Chúng tôi vẫn rất rõ ràng rằng chúng tôi không tìm cách, và cũng sẽ không bao giờ tìm cách trang bị vũ khí, (để) có bất kỳ năng lực hạt nhân nào trong tàu ngầm của chúng tôi”, bà Wong cho biết, theo AP. “Tôi nghĩ rằng đôi khi người ta nghe thấy từ hạt nhân, và tôi hiểu họ phản ứng đối với từ đó, (nhưng) chúng tôi đang nói về động cơ hạt nhân, không phải vũ khí hạt nhân”.

Malaysia là một trong những quốc gia trong khu vực đã bày tỏ mối quan ngại về thỏa thuận tàu ngầm AUKUS. Bà Wong đã đến Malaysia để thảo luận về vấn đề này với Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah, người nói rằng hai bên đã có một cuộc đàm thoại “rất thẳng thắn”. (Ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong, bên trái, và Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah trao đổi với các phóng viên tại Putrajaya, Malaysia, vào tháng 6 năm 2022.)

“Malaysia rất coi trọng hòa bình và an ninh khu vực của khu vực ASEAN [Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á]. Chúng tôi muốn giữ cho Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung được hòa bình, thông thương, thịnh vượng”, ông Abdullah cho biết, theo tờ The Guardian. “Chúng tôi vừa mới có một cuộc thảo luận rất thẳng thắn về AUKUS, và tôi cảm ơn bộ trưởng ngoại giao [Úc] đã giải thích quan điểm của chính phủ của bà”.

Tuy đã có cuộc gặp giữa hai biết, nhưng ông Abdullah cho biết lập trường của Malaysia vẫn giữ nguyên.

“Điều quan trọng là chúng tôi phải lắng nghe các mối quan ngại, chúng tôi giải đáp những vấn đề đó với sự tôn trọng”, bà Wong nói khi ở Malaysia. “Đó là cách chính phủ sẽ cố gắng để giải quyết một số vấn đề đã được nêu ra và chúng tôi hy vọng rằng qua thời gian, sự lo lắng của mọi người sẽ được tháo gỡ”.

Úc đã thiết lập hàng ngũ lãnh đạo chính phủ mới vào tháng 6, và bà Wong cho biết bà và các đồng nghiệp của mình cam kết với nỗ lực nhằm đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles cũng tìm cách tháo gỡ những lo ngại đó trong bài phát biểu ở Washington, D.C., tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS) vào tháng 7 năm 2022, nơi ông cho biết AUKUS là ưu tiên hàng đầu của mình. Mối quan hệ đối tác ba bên sẽ không chỉ giúp Úc an toàn hơn, mà còn giúp Úc trở thành một đối tác mạnh mẽ và giỏi giang hơn, ông Marles nói.

“Trong việc xác định lộ trình tối ưu để tiến lên phía trước, chính phủ Úc nhận thức sâu sắc về những nghĩa vụ trong việc quản lý hạt nhân,” ông Marles phát biểu tại CSIS. “Chúng tôi tập trung vào toàn bộ quy trình — quản lý công nghệ nhạy cảm một cách an toàn, xây dựng lực lượng lao động và năng lực công nghiệp để hỗ trợ năng lực và đảm bảo rằng sáng kiến này đặt ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hết mức có thể về kiểm soát vũ khí”.

Bà Wong cho biết Úc hiểu rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được định hình lại về mặt kinh tế và chiến lược và các quốc gia trong khu vực đang cố gắng xử lý những thay đổi. Trong khi tình hình còn nhiều ẩn số, một điều vẫn không đổi là cam kết của Úc đối với hòa bình trong khu vực.

Theo tờ The Guardian, bà Wong cho biết: “Úc sẽ luôn hoạt động trên cơ sở rằng chúng tôi có mục tiêu này: một khu vực hòa bình, một khu vực ổn định, một khu vực thịnh vượng, một khu vực nơi mà chủ quyền được tôn trọng. Và một điều quan trọng nữa là một khu vực với các quy tắc giúp người ta có thể dự đoán phần nào để quy định rõ hành vi và cách thức giải quyết các tranh chấp”.

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button