Câu chuyện Nổi bậtĐông Bắc ÁNhững Khu vực Chung của Thế giới

Tin tặc do nhà nước Trung Quốc bảo trợ tấn công vào công nghệ quân sự của Nga

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Cái gọi là tình hữu nghị “không giới hạn” giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và Nga dường như không bao gồm việc tôn trọng bí mật quân sự của nhau.

Theo báo cáo của một công ty an ninh mạng vào tháng 5 năm 2022, các tin tặc được nhà nước Trung Quốc bảo trợ gần đây đã nhắm vào các nhà nghiên cứu Nga trong một âm mưu nhằm đánh cắp công nghệ quân sự nhạy cảm. Nhiều khả năng là chiến dịch gián điệp đang diễn ra, được biết đến với tên gọi Twisted Panda, đang tìm cách “thu thập thông tin từ các mục tiêu bên trong ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Nga để hỗ trợ Trung Quốc nhằm thúc đẩy công nghệ của nước này”, theo Check Point Research.

Theo các phương tiện truyền thông, các điệp viên mạng của Trung Quốc tấn công chỉ một tháng sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố thông tin về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia và chia sẻ tầm nhìn về một trật tự thế giới mới. Chỉ vài tuần sau cuộc họp vào tháng 2 năm 2022 giữa hai người tại Bắc Kinh trước thời điểm thành phố này tổ chức Thế vận hội Mùa đông, Nga tiến hành cuộc xâm lược vô cớ vào Ukraina. Không giống như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc đã không lên án việc Nga tấn công và tiếp tục những tội ác dã man hay áp đặt lệnh trừng phạt lên chế độ của ông Putin.

Tuy nhiên, theo Check Point Research, tin tặc Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Matxcơva để dụ dỗ nạn nhân tại các viện nghiên cứu quốc phòng có liên quan đến tập đoàn quốc phòng nhà nước Nga là Rostec Corp. Mục tiêu của vụ tấn công là những cơ quan phát triển và sản xuất hệ thống tác chiến điện tử, trạm radar và công nghệ quân sự khác.

“Không có gì ngạc nhiên khi chính các tổ chức của Nga đã trở thành một mục tiêu hấp dẫn cho các chiến dịch lừa đảo qua mạng mà đang tận dụng các lệnh trừng phạt các nước phương Tây áp đặt lên Nga”, theo báo cáo của công ty Israel-Hoa Kỳ. “Những biện pháp trừng phạt này đã gây áp lực vô cùng lớn lên nền kinh tế Nga, và đặc biệt là lên các tổ chức trong nhiều ngành công nghiệp của Nga”.

Theo báo The New York Times đưa tin vào giữa tháng 5, các email chứa đầy mã độc được gửi vào cuối tháng 3 năm 2022 cho các nhà khoa học và kỹ sư tại các tổ chức liên quan đến Rostec, giả mạo là thông tin từ bộ y tế của Nga và hứa hẹn sẽ có các chi tiết về “danh sách những người bị Hoa Kỳ trừng phạt vì xâm lược Ukraine”.

Các tin tặc đã sử dụng những chiêu lừa đảo tương tự trước đó trong chiến dịch nhằm vào các tổ chức của Nga, ít nhất là đến giữa năm 2021, theo Check Point Research. “Sự phát triển của các công cụ và kỹ thuật trong suốt khoảng thời gian này cho thấy rằng các nhân tố đằng sau chiến dịch đã bền bỉ nhằm đạt được các mục tiêu của chúng một cách lén lút”, công ty báo cáo. “Ngoài ra, chiến dịch Twisted Panda một lần nữa cho thấy các gián điệp Trung Quốc thích ứng và điều chỉnh rất nhanh chóng theo các sự kiện thế giới, sử dụng những mồi nhử thức thời và cập nhật nhất để tối đa hóa cơ hội thành công của mình”.

Các tin tặc và tội phạm mạng khác do nhà nước Trung Quốc bảo trợ đã tìm cách tận dụng sự hỗn loạn mà cuộc chiến Nga – Ukraina gây ra. Vào tháng 3 năm 2022, các nhà phân tích của tập đoàn công nghệ toàn cầu khổng lồ Google đã báo cáo rằng một nhóm tin tặc có liên kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân đã “tiến hành các chiến dịch nhằm vào các tổ chức chính phủ và quân sự” ở Ukraina cũng như các quốc gia khác. Theo tin bài từ các cơ quan truyền thông, cơ quan gián điệp của Ukraina cũng báo cáo rằng Trung Quốc là nước đứng sau một vụ tấn công mạng có quy mô cực lớn nhằm vào các cơ sở quân sự và hạt nhân của quốc gia này trong những ngày trước khi Nga xâm lược vào cuối tháng 2 năm 2022.

Trong khi đó, tin tặc Nga đã tiến hành các cuộc tấn công lừa đảo nhằm vào một nhà thầu quốc phòng có trụ sở tại Ukraina và các cơ quan nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, các nhà phân tích của Google cho biết. Một nhóm hoạt động tại Nga, COLDRIVER, đã nhắm đến quân đội của nhiều quốc gia Đông Âu và một Trung tâm Xuất sắc của NATO.

Trung Quốc từ lâu đã bị cáo buộc về việc sử dụng các hoạt động lén lút để gây bất lợi cho bằng hữu cũng như đối thủ nhằm tiến tới mục tiêu của nước này là trở thành một cường quốc toàn cầu. Xét đến lịch sử đã thực hiện nhiều hoạt động gián điệp, Check Point Research báo cáo, chiến dịch Twisted Panda “có thể là bằng chứng thêm về việc sử dụng gián điệp trong một nỗ lực có hệ thống và lâu dài nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc về ưu thế công nghệ và sức mạnh quân sự”.

 

HÌNH ẢNH: ISTOCK

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button