Câu chuyện Nổi bật

Nhật Bản và Hàn Quốc vun đắp các mối quan hệ với NATO

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Sự hiện diện của Nhật Bản và Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid vào cuối tháng 6 năm 2022 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng khi hai quốc gia cố gắng để tăng cường quan hệ đối tác của họ với liên minh quân sự này.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của đất nước ông tham dự một hội nghị thượng đỉnh NATO trong khi Nhật Bản tiếp tục lộ trình mở rộng sự hợp tác với liên minh gồm các quốc gia ở hai bên bờ Đại Tây Dương này. Trong khi đó, sự có mặt của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại hội nghị thượng đỉnh đã đi kèm với thông báo của chính quyền của ông rằng Hàn Quốc sẽ thành lập một phái đoàn NATO đặc biệt.

Theo The Korea Society, ông Kim Sung-han, cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc, cho biết: “Là một phần trong các nỗ lực, Hàn Quốc đang trao đổi với NATO về việc chia sẻ thông tin, các cuộc tập trận kết hợp và nghiên cứu chung để chống lại các mối đe dọa an ninh đang dần hình thành”.

Các nhà phân tích đề cập đến một lý do thúc giục các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải phát triển mối quan hệ của họ với NATO là nỗi lo sợ ngày càng tăng rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina vào tháng 2 năm 2022 có thể gây ra những hệ quả đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Người ta cũng vẫn lo ngại rằng những nỗ lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này có thể gây bất ổn trong khu vực. Trước các hành động của Trung Quốc, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia châu Âu có cùng chí hướng để củng cố liên minh vốn đã mạnh mẽ của mình với Hoa Kỳ và quan hệ đối tác với các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Cuộc xâm lược của Nga vi phạm hòa bình và trật tự của thế giới và không bao giờ có thể được dung thứ”, ông Kishida đã phát biểu trong khi thông báo về kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, theo Bloomberg.

Ông Kishida đã lên án các hành động của Nga chống lại Ukraina, ông gọi đây là một tội ác chiến tranh.

Tăng cường quan hệ với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một khía cạnh then chốt trong chương trình nghị sự 2030 của NATO. “Trong môi trường phức tạp hiện nay, các mối quan hệ với những đối tác cùng chí hướng trên toàn cầu đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề an ninh xuyên suốt và các thách thức toàn cầu, cũng như để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên quy tắc”, theo một thông cáo báo chí tháng 6 năm 2022 của NATO, trong đó đặt ưu tiên là việc củng cố các mối quan hệ với Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Theo một thông cáo báo chí của NATO: “NATO và các đối tác châu Á-Thái Bình Dương đã đồng ý đẩy mạnh đối thoại chính trị và sự hợp tác thực tế trong một số lĩnh vực, bao gồm không gian mạng, công nghệ mới và xử lý thông tin sai lệch”. “Vì những thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu, họ cũng đã nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực khác như an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi”.

Trước đó vào tháng 6, các tàu của Nhóm Hai thuộc Hải quân Thường trực NATO (Standing NATO Maritime Group Two – SNMG2) đã tập luyện với các tàu của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản ở Biển Địa Trung Hải. Theo một thông cáo báo chí của Hải quân Hoa Kỳ, các sĩ quan Nhật Bản mới nhập ngũ và các đơn vị NATO đã tiến hành các cuộc tập trận và trao đổi binh lính, chia sẻ phân tích về cách thức hoạt động trên biển của NATO và Nhật Bản, và “thúc đẩy sự hiểu biết và khả năng tương tác giữa các đơn vị”.

“Chúng tôi chia sẻ nhiều giá trị cốt lõi của Hải quân quý vị — đó là lý do khiến sự hợp tác của chúng ta có lợi cho cả hai bên”, Chuẩn Đô đốc Hải quân Ý thuộc SNMG2 Mauro Panebianco cho biết, theo thông cáo báo chí. “Nhật Bản là một trong vài quốc gia nằm ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương mà NATO đang phát triển mối quan hệ”.

NATO và Nhật Bản đã đối thoại và hợp tác từ đầu những năm 1990. NATO và Hàn Quốc đã đặt quan hệ từ năm 2005.

Theo NATO, “Đối thoại chính trị đảm bảo rằng NATO và các đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương có thể nâng cao nhận thức của cả hai bên về tình huống liên quan đến các diễn biến an ninh ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương và châu Á-Thái Bình Dương”. “Trong kỷ nguyên của sự cạnh tranh chiến lược, khiến các nguyên tắc cốt lõi về an ninh quốc tế gặp nhiều sóng gió, NATO phải làm việc chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia cùng chí hướng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã gặp các quan chức NATO ba tuần trước hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6. Theo The Associated Press, ông Kishi đã nói với Chuẩn đô đốc của Hải quân Hoàng gia Hà Lan Rob Bauer, người đứng đầu Ủy ban Quân sự NATO, rằng Nhật Bản muốn tăng cường quan hệ với châu Âu và hoan nghênh sự tham gia của NATO trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“An ninh của châu Âu và châu Á có sự kết nối chặt chẽ, đặc biệt là giờ đây, khi cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng,” ông Kishi cho biết.

Ông Bauer đã ca ngợi sự tham gia ngày càng lớn vào việc giải quyết những thách thức an ninh chung. Theo một thông cáo báo chí của NATO, ông Bauer đã phát biểu: “Nhật Bản là đối tác lâu năm nhất của NATO ở bên ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương”. “Chúng ta có cùng các giá trị và thách thức, điều này khiến việc chúng ta là đối tác là lẽ đương nhiên”.

(Ảnh: Chuẩn đô đốc Ông Rob Bauer, bên trái, tham mưu trưởng của Ủy ban Quân sự NATO, và Tướng Koji Yamazaki, tham mưu trưởng Liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tổ chức các cuộc hội đàm tại Tokyo vào tháng 6 năm 2022.)

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button