Câu chuyện Nổi bậtĐông Bắc ÁNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc đến thăm Trung Quốc giữa những cáo buộc về những hành vi sai trái ở Tân Cương

The Associated Press

Những cáo buộc về hành vi xâm phạm nhân quyền nhằm vào người dân tộc thiểu số ở khu vực Tân Cương chiếm vị trí trung tâm trong chuyến thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) của viên chức nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc.

Chuyến đi của bà Michelle Bachelet là chuyến đi đầu tiên đến Trung Quốc của một ủy viên cao cấp phụ trách về nhân quyền thuộc Liên Hợp Quốc kể từ năm 2005, và các nhóm hoạt động vì nhân quyền sợ rằng chuyến đi này có thể làm giảm bớt tầm nghiêm trọng của những vi phạm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Người ta ước tính có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đã bị nhốt trong những địa điểm mà được mô tả là chiến dịch của ĐCSTQ nhằm phá hủy bản sắc văn hóa của họ. Các quan chức Trung Quốc tuyên bố những hành động của họ là để khôi phục trật tự và thúc đẩy tình đoàn kết dân tộc.

Các quốc gia bao gồm Bỉ, Canada, Hà Lan, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng những hành vi ngược đãi của Bắc Kinh nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác cấu thành tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người.

Theo tạp chí trực tuyến ChinaFile, do Trung tâm Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc thuộc Hiệp hội Châu Á xuất bản, vào tháng 5 năm 2022, người ta thu được các bằng chứng cho thấy Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã biết về những chiến dịch bắt bớ và tích cực ủng hộ việc tiếp tục và mở rộng những chiến dịch đó. Theo ChinaFile đưa tin vào ngày 24 tháng 5 năm 2022, một bản chép ra của một bài phát biểu trong nội bộ chính phủ của Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí, minh chứng cho hiểu biết của ông Tập về cái gọi là các chiến dịch chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và cải tạocũng như vai trò của ông này trong việc tài trợ và cung cấp nguồn lực nhân sự cho các trại giam.

Một tổ chức phi lợi nhuận về nhân quyền được Quốc hội Hoa Kỳ ủy quyền đã tổng hợp hàng ngàn bài phát biểu, hình ảnh và tài liệu, bị rò rỉ từ các mạng lưới bí mật nội bộ của cảnh sát Trung Quốc và được đặt tên là Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương, rằng nội dung này chứng minh “bản chất giống như nhà tù của các trại cải tạo” và cho thấy “sự tham gia trực tiếp của ông Tập và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của Trung Quốc vào chiến dịch bắt giam hàng loạt”. Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản (Victims of Communism Memorial Foundation) đã xuất bản các hồ sơ này. Họ nói rằng những hồ sơ đó đã được xác thực bởi các học giả và nhà báo, hiện có trên mạng tại www.xinjiangpolicefiles.org. (Ảnh: Bảo vệ theo dõi các tù nhân người Duy Ngô Nhĩ tại một trại giam ở khu vực Tân Cương vùng tây bắc Trung Quốc vào tháng 12 năm 2018.)

Chuyến thăm kéo dài sáu ngày của bà Bachelet bắt đầu ở thành phố Quảng Châu nằm ở phía nam và dự kiến sẽ bao gồm các điểm dừng ở các thành phố Tân Cương, Kashgar và Urumqi ở vùng tây bắc Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng bà Bachelet sẽ có “những cuộc trao đổi sâu rộng với tất cả các lĩnh vực”. Không có nhà báo nào đi cùng bà Bachelet, nhưng bà sẽ “tóm tắt cho giới truyền thông về chuyến thăm của mình vào thời điểm thích hợp,” ông Uông cho biết.

Không rõ liệu bà Bachelet có đến thăm các trại giam mà Trung Quốc tuyên bố là các trung tâm đào tạo và giáo dục nghề nghiệp hay không, hay liệu bà có gặp gỡ những người bị giam giữ vì muốn được thực hiện những quyền tự do tôn giáo, chính trị và văn hóa hay không. Ông Ilham Tohti, một nhà kinh tế học đồng thời là người đoạt giải thưởng quốc tế Sakharov về Tự do Tư tưởng, nằm trong số đó.

Trung Quốc cũng bị cáo buộc là đã sử dụng lao động cưỡng bức và triệt sản và tách trẻ em khỏi cha mẹ. Theo nhóm giám sát The Dui Hua Foundation, việc nhịn ăn trong tháng Ramadan hoặc bán sách Hồi giáo cũng bị ngăn cấm.

Bà Bachelet, cựu tổng thống Chile, đã lên kế hoạch sẽ nói chuyện với các quan chức cấp cao ở cấp quốc gia và cấp địa phương, các tổ chức xã hội dân sự, đại diện doanh nghiệp và học giả.

Các nhóm nhân quyền cũng đang yêu cầu thông tin từ Trung Quốc về các chính sách hạn chế quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Tạng và Nội Mông. Và một cuộc đàn áp những quyền tự do ở Hồng Kông đã khiến Hoa Kỳ và các quốc gia khác trừng phạt các quan chức Trung Quốc.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cho biết bà Bachelet phải “đề cập đến những tội ác chống lại nhân loại và các vi phạm nhân quyền thô bạo”.

“Chuyến thăm đã bị trì hoãn từ lâu của bà Michelle Bachelet đến Tân Cương là một cơ hội then chốt để chú tâm đến các vi phạm nhân quyền trong khu vực, nhưng đây cũng sẽ là một cuộc chiến bền bỉ chống lại những cố gắng của chính phủ Trung Quốc nhằm che đậy sự thật”, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế Agnes Callamard đã phát biểu trong một thông cáo. “Liên Hợp Quốc phải thực hiện các bước để ngăn ngừa điều này và tránh việc bị sử dụng làm bình phong cho những nội dung tuyên truyền trắng trợn.”

Chuyến đi của bà Bachelet diễn ra trước thời gian công bố theo dự kiến của bản báo cáo được chờ đợi từ lâu của bà về tình hình nhân quyền ở Tân Cương. Gần 200 nhóm nhân quyền đã kêu gọi bà Bachelet xuất bản những phát hiện của mình.

Nhân viên của DIỄN ĐÀN đã đóng góp vào bài viết này.

HÌNH ẢNH: COURTESY BITTER WINTER

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button