Đề án của Trung Quốc đặt ra những mối đe dọa đối với môi trường, đa dạng sinh học
Các tin bài trên phương tiện truyền thông từ lâu đã ghi lại những mối đe dọa môi trường do các dự án cơ sở hạ tầng Một vành đai, Một con đường (One Belt, One Road – OBOR) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) gây ra trên khắp thế giới. Những mối đe dọa này bao gồm từ nạn phá rừng ở Nam Á đến tình trạng ô nhiễm than gia tăng ở Serbia đến trữ lượng cá cạn kiệt ở Sông Mê Kông.
Sự suy thoái môi trường đã cho thấy mối liên kết trực tiếp đến nhiều dự án phát triển cụ thể của OBOR.
Giờ đây các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng các dự án OBOR cũng đe dọa sự đa dạng sinh học toàn cầu khi làm tăng nguy cơ đưa vào các loài động vật và thực vật ngoại lai mà có thể lấn át các loài bản địa đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tại địa phương. Họ cho biết điều này đặc biệt đáng ngại khi xét rằng các dự án OBOR thường nhắm đến các quốc gia đang phát triển, nơi có trữ lượng quan trọng của các loài độc đáo và đa dạng.
Ông Tim Blackburn, giáo sư chuyên ngành sinh học xâm lấn tại Đại học College London, đã chỉ đạo một nhóm các nhà nghiên cứu từ Vương quốc Anh và Trung Quốc vào năm 2018. Nhóm này đã xác định 14 điểm nóng trên khắp thế giới, nơi có nguy cơ cao sẽ xảy ra tình trạng các loài xâm lấn thích nghi và phát triển mạnh.
Cùng với ông Yiming Li thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và các đồng nghiệp khác, ông Blackburn đã tạo ra một mô hình phân tích cách các dự án OBOR có thể tác động đến các khu vực khác nhau thông qua việc đưa vào hơn 800 loài xâm lấn ngoại lai, bao gồm 98 loài lưỡng cư, 177 loài bò sát, 391 loài chim và 150 loài động vật có vú.
Nhóm này công bố những phát hiện của mình trong tạp chí Current Biology vào năm 2019, và đã xác định những điểm nóng trải dài trên 68 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hầu hết các điểm nóng nằm dọc theo sáu trong số các hành lang kinh tế OBOR được đề xuất. Bangladesh, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Malaysia, New Zealand, Singapore, Sri Lanka và Việt Nam, cũng như các quốc đảo ở Thái Bình Dương như Fiji và Samoa, tất cả đều có các khu vực chịu nguy cơ cao.
“Các quốc gia tham gia vào dự án Vành đai và Con đường thường có mức độ đa dạng sinh học cao và có rất nhiều loài riêng biệt và đặc biệt”, ông Blackburn nói với DIỄN ĐÀN.
Nhóm nghiên cứu đã xác định rằng các dự án OBOR cũng có thể khiến các loài xâm lấn lan rộng với tốc độ chưa từng thấy.
Mặc dù những cuộc xâm lấn như vậy đã xảy ra, tác động của OBOR “sẽ khác, đơn giản là vì phạm vi của nó, và lượng hàng hóa trao đổi thương mại có thể xảy ra,” ông Blackburn nói với hãng tin Agence France-Presse.
“Hàng hóa và/hoặc con người càng di chuyển nhiều giữa các địa điểm, thì các loài cũng sẽ càng có khả năng bị di chuyển,” ông Blackburn nói với DIỄN ĐÀN. “Các loài có thể đi ké trong các công-te-nơ vận chuyển; hạt giống dính vào giày của con người; con người mang thú cưng của họ đi theo; hoặc đơn giản là di chuyển các loài để kiếm lợi nhuận, ví dụ, buôn bán thú cưng”.
Các loài ngoại lai có xu hướng gây ra sự tuyệt chủng của các loài bản địa do cạnh tranh hoặc do lai giống hoặc kết hợp theo cách khiến loài bản địa bị tiêu diệt, ông Blackburn giải thích. Điều này có thể làm giảm đa dạng sinh học, xóa sổ lịch sử tiến hóa và đe dọa thiên nhiên hoang dã ở địa phương.
Các quốc gia như Úc, Nhật Bản và New Zealand áp dụng các biện pháp an ninh sinh học tương đối nghiêm ngặt để ngăn chặn các loài xâm lấn, ông nói. Nhưng các dự án OBOR do Trung Quốc vận hành thường không áp dụng an ninh sinh học ở mức cao như vậy, đặc biệt là ở các nước đang phát triển tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Phi, ông Blackburn nhận định.
Ông nói: “Tất nhiên, ảnh hưởng của loài ngoại lai không chỉ tác động đến đa dạng sinh học, mà còn có tác động tiêu cực đến kinh tế nữa”. “Ví dụ như sự lây lan của một loại vi-rút ra ngoài khu vực bản địa của nó ở Trung Quốc đã gây ra những hậu quả ở quy mô toàn cầu trong vài năm qua”.
Các dự án OBOR đã góp phần vào sự suy thoái môi trường trên khắp hành tinh.
Các quốc gia Nam Á phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí và phá rừng gia tăng do các dự án OBOR, Quỹ Châu Âu về Nghiên cứu Nam Á (European Foundation for South Asian Studies -EFSAS) ở Amsterdam, Hà Lan, báo cáo vào tháng 8 năm 2021.
Thông qua việc tăng cường công nghiệp hóa mà không có đủ biện pháp kiểm soát môi trường hoặc năng lượng tái tạo, các dự án OBOR góp phần vào chất lượng không khí kém ở các thành phố trong khu vực. EFSAS cho biết trong khu vực được gọi là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, việc xây dựng một mạng lưới đường bộ rộng lớn đã gây ra nạn phá rừng trên diện rộng và lưu lượng xe tải tăng lên đã khiến không khí bị ô nhiễm nặng.
Tại Serbia, các dự án OBOR đang đưa công nghệ chạy bằng than của Trung Quốc đến các cơ sở công nghiệp cũ mà không mấy quan tâm đến các tác động lên môi trường, nhà phân tích chính sách Vuk Vuksanovic đã viết trong một bài xã luận vào tháng 7 năm 2021 cho tạp chí Foreign Policy. Kế hoạch này bao gồm khoản đầu tư của Trung Quốc vào một nhà máy điện than ở Kostolac, một nhà máy thép ở Smederevo và một mỏ đồng ở Bor. Người dân đã phản đối tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nhà máy và mỏ gây ra, ông Vuksanovic đưa tin.
“Trong khi người Trung Quốc thu lợi từ việc tiếp cận các nguồn tài nguyên,” ông viết, “mục tiêu chính của chính phủ Trung Quốc là bán phần dư thừa của công nghệ liên quan đến than và chuyển các lực lượng lao động liên quan đến than ra nước ngoài”.
Dọc theo sông Mê Kông, trải dài qua Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy mối tương quan giữa trữ lượng cá đang suy giảm với sự hiện diện của các dự án thủy điện OBOR, theo tin từ nền tảng tin tức trực tuyến ASEAN Post vào tháng 12 năm 2019. Sự sụt giảm này được cho là do những thay đổi trong dòng chảy của sông và luồng di cư của cá bị chặn, báo cáo cho biết, và dẫn đến việc người dân bị mất sinh kế. (Ảnh: Một gia đình lấy cá từ lưới của họ trên sông Mê Kông gần Phnom Penh, Campuchia, vào tháng 5 năm 2019).
Tom Abke là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Singapore.
HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS