Câu chuyện Nổi bậtĐông Bắc ÁNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Chiến thuật nội bộ của Trung Quốc và những tác động của chúng ở nước ngoài

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Những vụ việc mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) định nghĩa là các vấn đề nội bộ hoặc lợi ích trong nước đang ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia khác và gây xáo trộn các cộng đồng.

Từ Úc đến Canada đến Đài Loan và Hoa Kỳ, các hành động mà Trung Quốc tuyên bố chỉ ảnh hưởng đến công dân và tài sản quốc tế của nước này đã dẫn đến các vụ bắt giữ, biện pháp trừng phạt và cuộc điều tra về những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình ở nước ngoài.

Ví dụ như, David Chou, một công dân Hoa Kỳ lớn lên ở Đài Loan và là tay súng bị buộc tội đã giết một người và làm bị thương năm người khác bên trong một nhà thờ ở California với đa số là các giáo dân cao tuổi người Đài Loan vào tháng 5 năm 2022. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tên Chou này có quan hệ chặt chẽ với một nhóm phản đối sự độc lập của Đài Loan mà có những liên hệ với Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất (United Front Work Department — UFWD) của ĐCSTQ — một tổ chức tài trợ và hỗ trợ cho các tổ chức ở nước ngoài để tuyên truyền và ép buộc và bắt nạt những người phản đối các chính sách của Bắc Kinh.

“Mặt trận Thống nhất thường xuyên đe dọa những người thuộc giới hàn lâm, doanh nghiệp, các nhóm xã hội dân sự và các cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài, bao gồm cả các thành viên của các cộng đồng dân tộc thiểu số và tôn giáo thiểu số, những người lên tiếng phản đối các vụ vi phạm nhân quyền kinh hoàng đang diễn ra ở Tân Cương, Tây Tạng và những nơi khác trong Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo báo chí vào tháng 12 năm 2020 rằng các chiến thuật cưỡng ép của họ nhắm vào các cá nhân được coi là chống lại lợi ích của ĐCSTQ”. “Những hoạt động ác ý này nhằm hợp thức hóa và ép buộc các nhà lãnh đạo dưới cấp quốc gia, cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, giới học thuật và các nhóm xã hội dân sự khác ở cả Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong việc thúc đẩy nội dung tuyên truyền độc tài và ưu tiên chính sách của ĐCSTQ”.

Theo The Associated Press (AP), các công tố viên cho biết Chou hành động vì thù hận chính trị và muốn “xử tử một cách lạnh lùng càng nhiều người trong căn phòng đó càng tốt”.

“Mặc dù hiện tại có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng tội ác này được thúc đẩy bởi hận thù, chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi đã tập hợp tất cả các bằng chứng xác nhận giả thuyết đó trong vụ án”, Ủy viên công tố Todd Spitzer của Quận Cam cho biết, đồng thời nói thêm rằng Chou có thể phải đối mặt với án tù chung thân hoặc án tử hình nếu bị kết án về hình phạt cộng thêm là đã “ém mình chờ đợi” để thực hiện một tội ác thù hận.

Chou không phải là cá nhân duy nhất bị nghi ngờ có quan hệ với ĐCSTQ và bị chính quyền Hoa Kỳ cáo buộc phạm tội trong những tuần gần đây. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo vào tháng 5 rằng họ đã buộc tội một công dân Hoa Kỳ và bốn sĩ quan tình báo Trung Quốc về tội do thám các nhà bất đồng chính kiến, các nhà lãnh đạo nhân quyền và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ người Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ. Các tài liệu của tòa án buộc tội Wang Shujun, ở Queens, New York; Feng He, còn được gọi là Sếp He, ở Quảng Đông; Jie Ji, ở Thanh Đảo; Ming Li, còn được gọi là Đại ca Tang và Tiểu Li, ở Quảng Đông; và Keqing Lu, còn được gọi là Sếp Lu, ở Thanh Đảo, với cáo buộc về tội tham gia vào một âm mưu do thám và đàn áp xuyên quốc gia ở Hoa Kỳ và nước ngoài.

Theo một thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, ông Breon Peace, ủy viên công tố Hoa Kỳ tại Quận Đông của New York, cho biết: “Theo cáo buộc, Wang hoạt động trong vai trò một chân rết tình báo bí mật trong chính cộng đồng của hắn, theo dõi và báo cáo thông tin nhạy cảm về các nhà hoạt động và tổ chức ủng hộ dân chủ nổi bật cho các đồng phạm. Những tên này là thành viên của Bộ An ninh Nhà nước của chính phủ Trung Quốc”. “Bản cáo trạng hôm nay vạch trần và phá vỡ một chiến dịch của Trung Quốc mà đe dọa sự an toàn và quyền tự do của những công dân Trung Quốc đang cư trú tại Hoa Kỳ vì niềm tin và những lời phát biểu ủng hộ chế độ dân chủ của họ”.

Theo Bộ Tư pháp, nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về mức độ nghiêm trọng của những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm bịt miệng những người chỉ trích, “vụ việc này khiến người ta không thể bán tín bán nghi nữa”, Quyền Trợ lý Giám đốc Điều hành Alan E. Kohler Jr. thuộc Chi nhánh An ninh Quốc gia của FBI cho biết.

Ông Kohler cho biết: “Những chiến thuật gây hấn của chính phủ Trung Quốc trước đây bị giới hạn trong biên giới của nước này. Giờ đây, Trung Quốc đang nhắm đến người dân ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới”.

Tương tự như Hoa Kỳ, Canada ngày càng phải phản ứng nhiều hơn với các tổ chức và cá nhân Trung Quốc hành động thay mặt cho ĐCSTQ với dụng ý xấu.

“Những người bất đồng chính kiến không được an toàn. Không phải tại nơi làm việc, không phải tại nhà riêng của họ, không phải trong các xã hội dân sự và không phải ở Canada”, bà Cherie Wong, giám đốc điều hành của Alliance Canada Hong Kong (ACHK), một chiến dịch quốc gia đặt tại Canada với sứ mệnh vận động hành lang cho hành động chính trị nhằm hỗ trợ phong trào ủng hộ dân chủ của Hồng Kông, đã làm chứng trước một ủy ban đặc biệt về quan hệ Canada – Trung Quốc trong Quốc hội của Canada. “Việc đe dọa, kiểm duyệt và gây áp lực sẽ tiếp tục chừng nào các công ty, tổ chức phi lợi nhuận, học viện, chính trị gia, phương tiện truyền thông và các tổ chức khác có quyền lợi liên quan trực tiếp còn sợ làm Bắc Kinh tức giận nên phải làm theo sự sai khiến của Trung Quốc. Bắc Kinh đang xuất khẩu một cách hiệu quả chủ nghĩa độc tài của họ ra nước ngoài”.

Bà Wong cho biết bà đã là nạn nhân phải hứng chịu sự đe dọa của ĐCSTQ do công việc của mình.

Theo báo The Epoch Times, ở nơi khác trong Canada, Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc tại Đại học McMaster ở Hamilton, Ontario, đã làm gián đoạn một cuộc đàm thoại về những vụ việc vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh. Theo The Epoch Times, bà Rukiye Turdush, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Duy Ngô Nhĩ, người đã phát biểu tại sự kiện này, sau đó đã xác định những người gây rối là sinh viên Trung Quốc và thu được ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện WeChat của họ, cho thấy họ đang nhận lệnh từ lãnh sự quán Trung Quốc ở Canada.

“Họ có liên hệ rất chặt chẽ, họ báo cáo mọi thứ cho Đại sứ quán Trung Quốc, và Đại sứ quán Trung Quốc đã chỉ đạo trước cho họ về nhiều điều” cần làm, bà Turdush nói với tờ The Epoch Times. “Đây không phải là các sinh viên Trung Quốc yêu nước, làm việc quy củ … Đại sứ quán Trung Quốc đã nhúng tay vào sự kiện này”.

Trong khi Trung Quốc cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, “có lẽ không có quốc gia nào khó chịu về mặt chính trị bởi ảnh hưởng và những tham vọng chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc như Úc trong vài năm qua”, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS).

Úc có một cộng đồng lớn những công dân Úc là người gốc Hoa, khiến họ trở thành mục tiêu của UFWD, theo CSIS.

“Chính trong những cộng đồng người Úc gốc Hoa này là nơi ĐCSTQ và UFWD đã làm việc trong nhiều thập kỷ để xây dựng những mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh”, theo CSIS. “Họ đã làm điều này bằng cách tận dụng các tổ chức cộng đồng của người Hoa và cung cấp các mạng lưới hỗ trợ để những người ủng hộ Bắc Kinh gây dựng được thanh danh tại địa phương, đồng thời lọc bỏ thông tin tiêu cực trên các tờ báo bằng tiếng Trung và bóp nghẹt tiếng nói của những người chỉ trích”.

Các quan chức Úc đã nói rằng Trung Quốc sử dụng những kênh không chính thức để gây ảnh hưởng đến dư luận và thao túng hệ thống chính trị. Theo CSIS, Trung Quốc đóng góp bằng tiền cho các chính trị gia để đổi lấy lập trường ủng hộ Trung Quốc về các vấn đề, đe dọa sẽ huy động cử tri người Úc gốc Hoa để trừng phạt các đảng phái chính trị mà không ủng hộ những mục tiêu của Bắc Kinh và cài cắm các câu chuyện tốt cho Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông địa phương, cũng như “một loạt các nỗ lực để nhấn chìm hoặc bịt miệng những người chỉ trích”. (Ảnh: Người trước đây là quan chức ngoại giao Trung Quốc Chen Yonglin phát biểu ở Sydney, Úc, nơi ông được cấp phép tị nạn. Chen đã từ bỏ chức vụ của mình tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney và cáo buộc Bắc Kinh có hơn 1.000 gián điệp trong quốc gia này.)

“Những nỗ lực này được thiết kế để công chúng không biết tới”, CSIS cho biết, “thường được sắp xếp gián tiếp thông qua những người đại diện, để tạo ra một lớp phủ nhận hợp lý khiến việc xác định chính xác mức độ can thiệp và phạm vi của vấn đề trở nên khó khăn hơn”.

Nếu UFWD là một “vũ khí kỳ diệu” như được mô tả bởi Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình, thì sự minh bạch và pháp quyền là vũ khí cho các nền dân chủ để chống lại các chiến thuật của Trung Quốc, CSIS kết luận.

Theo CSIS, “vạch trần mạng lưới mờ ám gồm những lời xúi giục, đe dọa, chiếm hữu và tự kiểm duyệt mà tạo đà cho tầm ảnh hưởng của Trung Quốc là bước đầu tiên và một bước rất quan trọng”. “Các chính phủ dân chủ cũng có thể cần củng cố luật pháp, trong khi các xã hội dân chủ cần tăng cường các chuẩn mực mà làm giảm phạm vi hối lộ, tham nhũng và chiếm hữu”.

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button