Câu chuyện Nổi bậtĐông Bắc ÁNhững Mâu thuẫn / Căng thẳng

Chiến dịch của Liên Hợp Quốc nhắm đến hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Illegal, unreported and unregulated – IUU) làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm, đánh cắp doanh thu từ các đơn vị khai thác hợp pháp, làm cạn kiệt nguồn thủy sản và gây thiệt hại cho hệ sinh thái biển trên toàn thế giới.

“Ngày Quốc tế Đấu tranh Chống Đánh bắt cá Bất hợp pháp, Không được Báo cáo và Không theo Quy định” của Liên Hợp Quốc diễn ra vào ngày 5 tháng 6 năm 2022 và kêu gọi sự chú ý đến những nỗ lực nhằm ngăn chặn hoạt động gây tổn hại này.

Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp gây ra hậu quả rất nghiêm trọng về mặt con người và kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và những nơi khác. Mỗi năm hoạt động này tước đi của các đại dương thế giới từ 11 triệu đến 26 triệu tấn cá và các loại hải sản khác trị giá ước tính khoảng 232 nghìn tỷ đồng (10 tỷ đô la Mỹ) đến 533 nghìn tỷ đồng (23 tỷ đô la Mỹ).

Theo các báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (Food and Agriculture Organization – FAO), hoạt động đánh bắt cá IUU chiếm 1 trong 5 con cá đánh bắt được trên toàn thế giới.

Những kẻ vi phạm phớt lờ các quy tắc quốc gia và quốc tế mà quy định cách thức, địa điểm và số lượng thủy sản có thể được bắt. Họ cũng không trả phí để duy trì những ngư trường trên khắp thế giới, gây phá giá của các đơn vị khai thác hợp pháp.

Vào năm 2021, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xếp hạng thấp nhất trong Chỉ số Đánh bắt cá IUU, một đánh giá về những phương pháp đánh bắt và thực thi quy định về đánh bắt cá của Công ty Poseidon Aquatic Resource Management và Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm Có Tổ chức Xuyên Quốc gia. Chỉ số này đo lường nguy cơ đánh bắt cá IUU trong và được thực hiện bởi 152 quốc gia. (Ảnh: Một tàu cá Trung Quốc bị nghi ngờ dùng lưới trôi lớn để đánh cá bất hợp pháp bị bắt giữ cách Hokkaido, Nhật Bản 740 kilomet về phía đông.)

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên Bộ tứ — Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ — trong hội nghị thượng đỉnh của họ tại Tokyo vào cuối tháng 5 năm 2022 đã công bố một sáng kiến để hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp. Quan hệ Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về Nhận thức Miền Hàng hải sẽ sử dụng công nghệ vệ tinh để theo dõi hoạt động trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia.

Việc giảm thiểu những mẻ cá bị cấm và buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm là một vấn đề “nghiêm trọng và ngày càng đáng lo ngại”, FAO nêu rõ. “Hoạt động đánh bắt cá IUU có thể dẫn đến sự sụp đổ của một ngư trường hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nỗ lực nhằm xây dựng lại trữ lượng vốn đã bị cạn kiệt”.

Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất thế giới về cá và các sản phẩm thủy sản, rất chú trọng đến việc ngăn chặn đánh bắt cá IUU. Cục Quốc gia về Quản lý Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ (U.S. National Oceanic and Atmospheric Administration – NOAA) đưa ra các ví dụ về phương pháp này:

  • Đánh bắt cá trong khu vực đóng cửa hoặc trong mùa cấm đánh bắt
  • Đánh bắt cá từ các tàu hiện không chịu sự quản lý của quốc gia mà tàu đó mang cờ
  • Không đáp ứng những yêu cầu về báo cáo
  • Chuyển thủy sản lên tàu chở hàng mà không được phép

“Những hoạt động này làm suy yếu đáng kể các nỗ lực của Hoa Kỳ và cả thế giới trong việc quản lý các ngư trường và bảo tồn tài nguyên biển một cách bền vững,” NOAA báo cáo. “Do đó, hoạt động đánh bắt cá IUU đe dọa an ninh lương thực và làm đảo lộn nền kinh tế của các cộng đồng ven biển trên khắp thế giới.”

NOAA phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cảnh sát Biển Hoa Kỳ để xử lý vấn đề đánh bắt cá IUU, đồng thời hỗ trợ các biện pháp để thực thi quy định chẳng hạn như Thỏa thuận của FAO về các Biện pháp của Nhà nước về Cảng, có hiệu lực từ tháng 6 năm 2016. Thỏa thuận quốc tế này quy định rằng các tàu phải có sự cho phép thì mới được vào cảng nước ngoài và bốc dỡ cá. Quy định này ngăn không cho những mẻ thủy sản thu được từ đánh bắt cá IUU tiếp cận thị trường, loại bỏ động cơ về mặt kinh tế.

Tương tự như vậy, các quốc gia mà không cố gắng ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá IUU có thể bị cấm dỡ thủy sản thương mại ở cảng nước ngoài.

Theo báo cáo của Văn phòng Bảo tồn Biển của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các chính phủ mà theo dõi và kiểm soát đội tàu đánh cá của quốc gia mình thì giúp hạn chế đánh bắt cá IUU, tương tự như các quốc gia đang phát triển mà ưu tiên công tác quản lý ngư trường.

Một số tổ chức tội phạm xuyên quốc gia sử dụng đánh bắt cá IUU để hỗ trợ hoạt động của chúng. Những thủ phạm khác là các nhóm nhỏ: ngư dân hoạt động ở quy mô thương mại nhưng không báo cáo chính xác lượng thủy sản đánh bắt được hoặc tàu của họ đi vào những vùng biển hạn chế.

Vào năm 2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một mục tiêu phát triển bền vững để “quản lý một cách hiệu quả việc đánh bắt và chấm dứt đánh bắt cá quá mức, bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cũng như các phương thức đánh bắt cá mang tính hủy diệt và thực hiện những kế hoạch quản lý dựa trên khoa học, nhằm khôi phục trữ lượng cá trong thời gian ngắn nhất có thể, ít nhất là đạt đến các mức mà có thể tạo ra năng suất bền vững tối đa được xác định theo các đặc điểm sinh học của chúng”.

HÌNH ẢNH: LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN HOA KỲ

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button