Các đối tác ở khu vực Đông Nam Á tăng cường các cuộc tuần tra hàng hải ba bên
Gusty Da Costa
Các quan chức và nhà phân tích cho biết cách đây khoảng 5 năm, việc khởi động các cuộc tuần tra hàng hải ở vùng biển Sulu và Celebes với sự tham gia của các lực lượng vũ trang Indonesia, Malaysia và Philippines đã tương ứng với sự sụt giảm mạnh về nạn cướp biển và khủng bố. Ba quốc gia có kế hoạch tăng cường các cuộc tuần tra với hoạt động giám sát, tình báo và liên lạc được cải thiện để tăng cường an ninh và ổn định kinh tế.
Các cuộc tuần tra INDOMALPHI, một tên gọi kết hợp tên của các quốc gia đối tác, đã bắt đầu vào năm 2017 theo Thỏa thuận Hợp tác Ba bên (Trilateral Cooperative Arrangement – TCA) được ký kết một năm trước đó giữa ba chính phủ. Theo Stable Seas, một sáng kiến nghiên cứu phi lợi nhuận, các thách thức an ninh đang “đặc biệt gây khó khăn” ở những vùng biển, nơi biên giới hàng hải của ba quốc gia hợp lại trong một khu vực “có lịch sử chính trị phức tạp và truyền thống lâu đời về hoạt động hàng hải bất hợp pháp”.
“Mục tiêu chính là tăng cường an ninh ở vùng biển Sulu và Sulawesi [Celebes],” Đại tá Quân đội Indonesia Kurniawan Firmizi, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Indonesia, nói với DIỄN ĐÀN. “Một mức độ bảo vệ cao với tất cả các bên có thể đem lại lợi ích. Nó có thể tăng cường nền kinh tế, tạo điều kiện cho các luồng giao thông giữa các quốc gia tiếp giáp với khu vực Biển Sulu, và cải thiện an ninh biên giới cũng như sự hợp tác quốc tế. Mục tiêu là đảm bảo an ninh vùng Biển Sulu và các vùng biển biên giới hàng hải cho cả ba quốc gia”.
Kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, các cuộc tuần tra của INDOMALPHI đã ngăn chặn và bảo vệ trước các cuộc tấn công của cướp biển nhằm vào các tàu trên biển cũng như các tổ chức cực đoan bạo lực như Nhóm Abu Sayyaf, ông Kurniawan nói. Theo Bộ Quốc phòng Indonesia, được gọi là Kemhan, trong năm 2021, không có báo cáo nào về vụ cướp biển đòi tiền chuộc trong các vùng biển được tuần tra. Theo Thỏa thuận Hợp tác Khu vực về Chống Cướp biển và Cướp có Vũ trang nhằm vào các Tàu ở châu Á, chỉ mới đây trong năm 2017, đã có 99 báo cáo về vụ cướp biển và cướp có vũ trang trong khu vực này.
Bốn hạng mục tăng cường tuần tra đã được công bố tại Cuộc họp cấp Bộ trưởng TCA ở Kuala Lumpur, Malaysia, vào cuối tháng 3 năm 2022, theo tin từ Kemhan. Đó là: tối ưu hóa thông tin liên lạc bằng cách triển khai một nhân viên liên lạc từ mỗi quốc gia đối tác đến trung tâm chỉ huy hàng hải của mỗi quốc gia; tiến hành các cuộc tập trận hàng hải ba bên; áp dụng cách tiếp cận được điều chỉnh theo thông tin tình báo đối với các hoạt động giám sát; và cải thiện cấu trúc TCA, thông tin liên lạc và phối hợp để tăng cường sự tham gia và cam kết của các đối tác. (Ảnh, từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tham dự Cuộc họp cấp Bộ trưởng về Hợp tác Ba bên tại Kuala Lumpur, Malaysia, vào tháng 3 năm 2022.)
“Đã có sự gia tăng trong công nghệ giám sát, bao gồm máy bay không người lái và hệ thống vệ tinh,” ông Kurniawan cho biết.
Các cuộc tuần tra của INDOMALPHI thể hiện những lợi ích rộng khắp của chủ nghĩa đa phương, bà Connie Rahakundini Bakrie, một nhà phân tích quốc phòng và là tác giả của “Bảo vệ Indonesia” (“Defending Indonesia”), nói với DIỄN ĐÀN.
“Các quốc gia này chắc chắn sẽ tăng cường sự hợp tác với các khu vực khác, chẳng hạn như châu Âu, bằng cách bảo vệ các khu vực hàng hải của họ,” bà nói. “Lý do là lưu lượng trao đổi thương mại sẽ suôn sẻ hơn vì khu vực này an toàn, vì vậy chi phí rủi ro sẽ thấp đi”.
Bà khuyến nghị thêm hai cải tiến: tăng tần suất tuần tra ở Biển Sulu; và tăng cường cho những cuộc tuần tra “bằng cách thêm các máy bay tuần tra như máy bay trinh sát, máy bay hỗ trợ trên không ở cự li gần hoặc máy bay tấn công, biệt kích từ trực thăng, v.v.”
Gusty Da Costa là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Indonesia.
HÌNH ẢNH: BỘ QUỐC PHÒNG INDONESIA