Tự do báo chí ở Hồng Kông bị xói mòn với tốc độ dẫn đầu thế giới

Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Hồng Kông, một thời là thành trì của tự do ngôn luận và tự do báo chí, đang mất đi tiếng nói thực sự của mình. Các nhà quan sát cho rằng với sự biến mất nhanh chóng của hoạt động đưa tin một cách thấu đáo, cân bằng của các nhà báo độc lập, “tin tức” của Hồng Kông hiện nay xoay quanh việc đưa tin một chiều, truyền tải các quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Từ năm 2021 đến năm 2022, không có quốc gia hoặc lãnh thổ nào thụt lùi xa hơn Hồng Kông trong đánh giá hàng năm về tự do báo chí toàn cầu của Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders – RSF). Trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ lớn được đánh giá bởi các nhà báo và các nhân viên truyền thông khác, Hồng Kông tụt 68 bậc — từ 80 xuống 148 — trên Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới.
20 năm trước, nơi này đã được xếp hạng thứ 18.
Tình trạng thụt lùi thê thảm của Hồng Kông được cho là do hậu quả từ luật an ninh quốc gia do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) áp đặt vào tháng 6 năm 2020 sau khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tăng vọt. Những người phản đối cho biết, bộ luật mập mờ này áp đặt các bản án tù tàn nhẫn và các hình phạt khác cho các hành vi phạm tội như ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc thông đồng với các lực lượng nước ngoài, đã làm tê liệt hoạt động đưa tin sâu sắc và trung lập ở Hồng Kông. (Ảnh: Những người ủng hộ một nhà báo bị buộc tội đưa ra một tuyên bố sai lệch biểu tình bên ngoài một tòa án Hồng Kông vào tháng 11 năm 2020.)
Danh tiếng của Hồng Kông như một xã hội cởi mở, nơi tự do ngôn luận và ý kiến đa dạng chiếm ưu thế đã bị tổn hại kể từ khi luật này có hiệu lực, và giờ đây nơi này nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ vi phạm nghiêm trọng nhất trên Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới mới nhất, đứng cùng hàng ngũ với Trung Quốc (175), Myanmar (176) và Bắc Triều Tiên (180).
Cùng lúc đó, sự hài lòng của người dân Hồng Kông về tự do báo chí đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, theo một cuộc thăm dò vào tháng 3 năm 2022 của Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông. Chưa đến 28% số người được hỏi cho biết họ hài lòng với tự do báo chí, tỷ lệ phần trăm thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1997.
Một quan chức của Vương quốc Anh cho biết, những hệ quả như vậy của luật an ninh quốc gia vi phạm thỏa thuận. Theo đó, Vương quốc Anh đã chuyển giao quyền kiểm soát thuộc địa cũ của mình cho Trung Quốc vào năm 1997. Thỏa thuận này quy định rằng Hồng Kông sẽ giữ phần lớn quyền tự chủ cho đến ít nhất là năm 2047.
Tình trạng mất quyền tự do ngôn luận được thể hiện qua các cuộc đàn áp của chính phủ nhằm vào những hãng tin độc lập, bao gồm Apple Daily, tờ báo ủng hộ dân chủ, đã bị đóng cửa vào tháng 6 năm 2021 sau khi xuất bản các câu chuyện chỉ trích Trung Quốc. Chủ sở hữu của tờ báo, ông Jimmy Lai, đã bị bỏ tù, nhân viên của tờ báo đã bị bắt giam và tài khoản ngân hàng của tờ báo đã bị phong tỏa.
Vào tháng 12 năm 2021, Strand News đóng cửa sau khi bảy nhân viên hiện tại và trước đây đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích của cảnh sát. Hai cựu biên tập viên cao nhất của tờ báo đã bị cáo buộc về nghi ngờ âm mưu xuất bản tài liệu xúi giục nổi loạn.
Citizen News đóng cửa một tuần sau đó. Nhà đồng sáng lập Chris Yeung, cựu chủ tịch của Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông, cho biết: “Các nhà báo cũng là những con người, có gia đình và bạn bè, và chúng tôi cần cân nhắc một cách nghiêm túc thực tế rằng đây là một môi trường không an toàn”.
Theo RSF, mười ba nhà báo Hồng Kông bị bỏ tù dựa trên những cáo buộc rằng họ đã vi phạm luật an ninh quốc gia. Những người khác đã rời khỏi thành phố, một số nhà báo lưu vong đưa tin về Hồng Kông từ nước ngoài, theo tin tức gần đây trên Đài Á Châu Tự do.
Bà Sophie Richardson, giám đốc về Trung Quốc tại Human Rights Watch, nói với báo The New York Times: “Bộ luật này gây tổn hại ở chỗ nó dường như không có giới hạn”. “Các nhà hoạt động Hồng Kông, vốn quen hoạt động trong [một] môi trường về cơ bản là tôn trọng quyền, giờ đây phải đối mặt với một khoảng trống đáng sợ”.
Những người ủng hộ tự do ngôn luận đã phải chịu một tai họa khác vào tháng 5 năm 2022 khi John Lee bàn tay sắt, chính là người đã giám sát cuộc đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019, được một ủy ban những người trung thành với Bắc Kinh bầu làm Đặc khu trưởng của Hồng Kông. Lee đã không gặp phải sự phản đối nào.
Tự do ngôn luận đóng vai trò vô cùng quan trọng trong một nền dân chủ, vì đây là yếu tố thúc đẩy nhận thức và thảo luận. Các chuyên gia cho biết, các thành viên của một xã hội tự do cần những tin tức cân bằng và ý kiến đa chiều để buộc các chính phủ chịu trách nhiệm, vạch trần tham nhũng và cùng nhau đưa ra những quyết định có lợi cho xã hội và cá nhân mỗi người dân.
“Nếu bạn không có dữ liệu khách quan, bạn không thể có sự thật,” nhà báo Philippines Maria Reesa, người đồng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2021, nói với The Associated Press. “Bạn không thể có lòng tin. Bạn không có một thực tế chung”.
HÌNH ẢNH: ASSOCIATED PRESS