Câu chuyện Nổi bậtĐông Nam ÁHoạt động Trái phép

Philippines mở rộng chương trình tái hòa nhập cộng đồng cho những người từng tham gia nhóm bạo lực cực đoan

Tom Abke

Chính phủ Philippines rất thành công trong chương trình hỗ trợ những phiến quân cộng sản tái hòa nhập cộng đồng. Chương trình này đã được mở rộng và giờ đây bao gồm cả những người từng tham gia nhóm bạo lực cực đoan. Tuy nhiên, chính phủ chỉ hỗ trợ những người tự nguyện từ bỏ vũ khí của mình.

Chương trình mở rộng, được gọi là Chương trình Hòa nhập Toàn diện Tăng cường tại Địa phương (Enhanced Comprehensive Local Integration Program, E-CLIP), đang làm việc với chính quyền địa phương để trung lập hóa những người từng theo chủ nghĩa bạo lực cực đoan (former violent extremists -FVE), những người thuộc các tổ chức phiến quân bị cấm như Nhóm Abu Sayyaf, và giúp họ hòa nhập vào xã hội chính thống, tuân thủ luật pháp. (Ảnh: Các cựu chiến binh của phe nổi dậy đã giao nộp một kho vũ khí cho chính quyền Philippines thông qua Chương trình Hòa nhập Toàn diện Tăng cường tại Địa phương vào năm 2020.)

“Thông qua E-CLIP, những người từng là phiến quân và phần tử cực đoan bạo lực được trao một cơ hội để bắt đầu một cuộc sống mới,” Chuẩn tướng đã về hưu của Lực lượng Vũ trang Philippines Reynaldo B. Mapagu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách về các vấn đề dân sự, cựu chiến binh và quân dự bị kiêm Chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Balik Loob, người giám sát E-CLIP, nói với DIỄN ĐÀN. “Sự hỗ trợ được cung cấp theo chương trình là cách mà chính phủ giúp họ sống một cuộc sống bình yên và có ích với gia đình mình.”

Ông Mapagu giải thích, E-CLIP được thành lập vào năm 2018 bởi chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte, ban đầu có chức năng phục hồi và tái hòa nhập những người được gọi là cựu phiến quân, hay FR (former rebels), những người đã chiến đấu với các nhóm nổi dậy cộng sản trong nước. Sau đó vào năm 2020, ông Duterte đã thêm các FVE thuộc Nhóm Abu Sayyaf, Chiến binh Hồi giáo vì Tự do Bangsamoro, Dawlah Islamiya, Nhóm Maute và các tổ chức cực đoan địa phương khác vào danh sách những người có khả năng được hưởng lợi từ E-CLIP.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự chậm trễ trong việc triển khai E-CLIP cho FVE, ông Mapagu cho biết. Tuy nhiên, các nỗ lực hiện đang được tiến hành để khôi phục chương trình này. Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương Philippines đang chỉ đạo các hoạt động xây dựng năng lực để trang bị cho chính quyền địa phương trong việc áp dụng E-CLIP để tái hòa nhập các FVE trong khu vực của họ.

Một cặp sáng kiến địa phương về việc tái hòa nhập các FVE đã bắt đầu ở Khu tự trị Bangsamoro ở vùng Mindanao Hồi giáo (BARMM) thuộc miền Nam Philippines, ông nói. BARMM là nơi có Marawi, một thành phố từng là địa điểm của một cuộc chiến kéo dài năm tháng vào năm 2017 giữa Lực lượng Vũ trang của Binh sĩ Philippines và một liên minh gồm những kẻ cực đoan bạo lực do Nhóm Abu Sayyaf lãnh đạo.

Theo ông Mapagu, những nỗ lực của E-CLIP để phục hồi và tái hòa nhập hơn 14.000 quân nổi dậy cộng sản tiếp tục đạt được sự thành công. Những người đầu hàng nhận được sự bảo đảm về mặt an ninh, hỗ trợ nhà ở, các chương trình phúc lợi, hỗ trợ tài chính, thưởng tiền mặt để đổi lấy vũ khí của họ, hỗ trợ pháp lý, học bổng và dạy nghề. Tuy nhiên, cần có một cách tiếp cận hơi khác khi xử lý FVE, ông giải thích.

“Sự cực đoan hóa của các cựu phiến quân có nguồn gốc tư tưởng và chính trị, trong khi thái độ cực đoan của những kẻ từng cổ xúy cho bạo lực cực đoan lại có nền tảng tôn giáo”, ông giải thích. “Một yếu tố khác mà có thể được xem xét là sự khác biệt giữa các thực hành văn hóa hoặc niềm tin của những cá nhân này”.

Việc điều chỉnh chương trình giảng dạy cho các đối tượng khác nhau là khía cạnh khó khăn nhất của quá trình trung lập hóa, ông cho biết. Ông Mapagu cho biết, E-CLIP rất biết ơn Quân đội Philippines vì đã xây dựng một chương trình trung lập hóa bao quát cho những người được tài trợ của E-CLIP mà có thể được điều chỉnh cho phù hợp với từng tình huống cụ thể.

Sự thành công của E-CLIP được thể hiện rõ ràng khi sinh kế của những người thụ hưởng đã cải thiện và thông qua quyết tâm của họ trong việc từ bỏ hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố, ông Mapagu cho biết. Ngoài việc trở lại gia đình và bắt đầu sự nghiệp mới, nhiều người đã tham gia vào các nỗ lực của chính phủ để chiêu mộ các cựu phiến quân khác tham gia vào E-CLIP.

Trong việc đối phó với FVE, E-CLIP chỉ cung cấp cơ hội phục hồi và tái hòa nhập cho những người “đã tự nguyện trình diện và từ bỏ những lề thói bạo lực của họ”, ông nói. Những người cực đoan bạo lực đã bị lực lượng thực thi pháp luật bắt giữ thì tham gia vào các chương trình phục hồi khác, chẳng hạn như chương trình trong Nhà tù quận Metro Manila ở Trại Bagong Diwa, thành phố Taguig.

HÌNH ẢNH: LỰC LƯỢNG ĐẶC NHIỆM BALIK LOOB

Tom Abke là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Singapore.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button