Câu chuyện Nổi bật

Hành trình của tàu sân bay Hoa Kỳ nêu bật liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản, gửi thông điệp đến những bên có thể gây hấn

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Tàu USS Abraham Lincoln đã đi qua khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong những tuần gần đây, thể hiện sức mạnh nhằm răn đe các đối thủ và nêu bật tình thân khăng khít giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Theo báo chí đưa tin, các máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ đã di chuyển qua vùng trời trên Biển Philippines vào cuối tháng 4 năm 2022 trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Emanuel Rahm theo dõi từ boong đáp máy bay của con tàu sân bay này.

“Hôm nay, tôi đã có thể trực tiếp trải nghiệm tuyến đầu của an ninh quốc gia,” ông Hayashi nói với các phóng viên trên boong chứa máy bay khi tàu USS Abraham Lincoln di chuyển qua vùng biển phía nam Tokyo, theo Reuters, đồng thời hứa hẹn rằng Nhật Bản sẽ “tăng cường đáng kể” những khả năng phòng thủ của mình và hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Hoa Kỳ.

Ông Hayashi và ông Emanuel cảnh báo rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina đặt ra những rủi ro an ninh vượt ra ngoài châu Âu và tiến vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo báo Stars and Stripes, ông Hayashi nói với các phóng viên: “Việc nâng cao những khả năng phản ứng thông qua đào tạo thực tế liên quan trực tiếp đến khả năng tương tác mạnh mẽ và sự sẵn sàng của liên minh”. “Những cam kết quan trọng này cũng cho thấy cả Nhật Bản và Hoa Kỳ đều đã được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với những tình huống bất ngờ tại bất cứ thời điểm nào.” (Ảnh: Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Emanuel Rahm, bên trái, và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đi bộ qua hàng lính trước khi lên một máy bay MV-22 trên đường lên tàu USS Abraham Lincoln.)

Ông Hayashi mô tả môi trường an ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “ngày càng khốc liệt”, nhưng không nêu tên các mối đe dọa cụ thể, theo tin từ Stars and Stripes. Tuy nhiên, ông Emanuel và Phó Đô đốc Karl Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của Hoa Kỳ, đã nêu đích danh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), Bắc Triều Tiên và Nga là những bên có thể gây ra xung đột trong khu vực, tờ báo đưa tin. Theo ông Thomas, liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản được xây dựng dựa trên các giá trị chung và sự hiểu biết chung mà góp phần vào sự sẵn sàng của liên minh trong việc ứng phó với những mối đe dọa này cũng như các mối đe dọa khác.

“Các lực lượng của chúng tôi thực sự có thể tương tác và hoán đổi cho nhau. Nhưng điều gây ấn tượng với tôi là cách mà cả hai bên nhìn nhận vấn đề ngày hôm nay, cách chúng tôi phản ứng và hiểu những thách thức chúng tôi gặp phải,” ông Thomas nói với các phóng viên, theo trang web Japan Forward. “Và tôi chưa bao giờ thấy liên minh của hai quốc gia mạnh mẽ hơn lúc này”.

Trước khi đi qua Biển Philippines, tàu USS Abraham Lincoln đã hoàn thành một chiến dịch về tự do hàng hải khác ở Biển Nhật Bản. “Và một tàu sân bay đã di chuyển ở Biển Đông chỉ một tuần rưỡi trước đó đã đưa ra minh chứng rằng [rằng nó] có thể di chuyển nhanh như vậy”, ông Thomas nói với các phóng viên, theo Japan Forward. “Đó là lợi thế của tàu sân bay này. Chúng tôi đã đi — tàu Abraham Lincoln đã đi qua Biển Nhật Bản — chỉ để đảm bảo rằng các quốc gia khác hiểu được tính linh hoạt của con tàu này, và có thể gửi một thông điệp đến [nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên] Kim Jong Un rằng chúng tôi biết về những vụ phóng tên lửa của ông và không tán đồng việc ông đẩy nhanh nhịp độ. Chúng tôi luôn sẵn sàng để thực hiện hoạt động kiểu đó. Và đó là sự linh hoạt mà chúng tôi mang đến trong vai trò là một lực lượng được triển khai ở tiền tuyến.”

Ông Thomas cho biết Nhật Bản đóng vai trò rất lớn trong an ninh và sự ổn định của khu vực, đặc biệt là do quốc gia này có vị trí gần với Trung Quốc.

“Thực tế là họ có một lực lượng quân đội rất tinh nhuệ cho phép họ giữ vai trò lãnh đạo. Vai trò này cần thiết cho toàn bộ khu vực này của thế giới,” ông Thomas nói. “Và tôi rất hài lòng về sự phối hợp chặt chẽ mà hai quốc gia chúng tôi thể hiện mỗi ngày. Những nhiệm vụ mà tôi vừa nói đến, khi đi lên Biển Nhật Bản, tôi có những con tàu Nhật Bản đang hoạt động ở đó với con tàu này. Điều hết sức quan trọng là các quốc gia cùng chí hướng phải hoạt động cùng nhau, và Nhật Bản có một trọng trách lãnh đạo rất quan trọng cần đảm nhiệm.”

 

HÌNH ẢNH: HẠ SĨ QUAN ANGE-OLIVIER CLEMENT/HẢI QUÂN HOA KỲ

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button