Câu chuyện Nổi bật

ĐCSTQ tăng cường tuyên truyền trong khi LHQ chuẩn bị cho cuộc điều tra về tình hình nhân quyền ở Tân Cương

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Theo những người ủng hộ nhân quyền và tin bài từ giới truyền thông, khi người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc sắp thực hiện một chuyến thăm đáng lẽ đã phải làm từ lâu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hy vọng các chiến thuật trì hoãn, tuyên truyền và đi trước đón đầu của mình sẽ che giấu tình trạng ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ khác trên diện rộng.

Vào tháng 6 năm 2021, bà Michelle Bachelet, cao ủy Liên Hợp Quốc phụ trách về nhân quyền, đã công bố rằng bà đã lên kế hoạch đến thăm khu vực Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc để xác minh “những báo cáo về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”, theo tạp chí Newsweek đưa tin. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã không cho bà đến khu vực này, viện cớ rằng chuyến thăm sẽ được sử dụng để thao túng chính trị và gây áp lực lên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

Kể từ đó, bằng chứng về các hành vi vi phạm nhân quyền nhằm vào các nhóm thiểu số trong khu vực giàu tài nguyên này đã chồng chất. Nhiều nền dân chủ và các nhóm độc lập trên toàn thế giới cáo buộc ĐCSTQ phạm tội diệt chủng và các quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc. Vào cuối năm 2021, Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ đã báo cáo rằng có đến 3 triệu người có thể đã bị giam giữ trong các trại giam trong khu vực, với một số người bị buộc phải triệt sản, bị xâm hại tình dục, bị bắt làm nô lệ và tra tấn. Vào tháng 2 năm 2022, Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận những dấu hiệu cho thấy “những biện pháp cưỡng ép” trong điều kiện lao động của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.

Theo Newsweek đưa tin, vào tháng 3 năm 2022, Liên Hợp Quốc công bố rằng cuối cùng họ đã được phép đến thăm, và một nhóm tiền trạm đã đến Quảng Châu ở miền nam Trung Quốc vào tháng tiếp theo để chuẩn bị cho chuyến thăm của bà Bachelet, theo dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 5. Trước tiên, các nhà điều tra phải cách ly trong khi Trung Quốc đang chật vật để kiềm chế một đợt bùng phát COVID-19 cực mạnh mà đã dẫn đến những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt áp đặt lên hàng chục triệu cư dân ở các thành phố bao gồm Thượng Hải và Bắc Kinh. (Ảnh: Bà Michelle Bachelet, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc, phát biểu tại một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva vào tháng 3 năm 2022.)

Bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ nhanh chóng bắt tay vào việc thêu dệt một câu chuyện xung quanh chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc của người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc kể từ năm 2005. Theo Đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin, tại thành phố Tân Cương thuộc tỉnh Kashgar, nhà chức trách đã cấm đàn ông Duy Ngô Nhĩ cầu nguyện tại một thánh đường Hồi giáo để đánh dấu ngày kết thúc tháng lễ Ramadan vào đầu tháng 5 và thay vào đó, đã trả tiền để họ nhảy múa tại một quảng trường công cộng. Các cơ quan truyền thông dưới sự kiểm soát của nhà nước đã quay video buổi biểu diễn trong khi khách du lịch Trung Quốc xem và chụp ảnh, và video này đã được tải lên mạng xã hội.

Hành động che đậy như vậy là một phương pháp quen thuộc của ĐCSTQ. ĐCSTQ tuyên bố rằng các trại giam khổng lồ của Tân Cương là để dạy nghề và để kiềm chế chủ nghĩa cực đoan bạo lực. RFA đã đưa tin vào ngày 6 tháng 5 rằng màn trình diễn được dàn dựng để thể hiện sự khoan dung và hòa hợp ở Kashgar đã diễn ra trong khi các nhà chức trách đang phá hủy một trong những địa điểm nổi tiếng nhất của thành phố trù phú này, Grand Bazaar, nơi có 4.000 cửa hàng bán thảm, quần áo, trái cây khô, nhạc cụ, lụa, gia vị và trà. Thị trường thương mại quốc tế lớn nhất của Tân Cương đang bị phá trụi để lấy chỗ cho một điểm du lịch trong những gì các nhà hoạt động gọi là một phần trong chiến dịch của ĐCSTQ nhằm tiêu diệt văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ. Theo RFA, những người bán hàng phản đối việc bị đuổi khỏi chợ sẽ bị giam giữ và thẩm vấn.

Những người ủng hộ nhân quyền cảnh báo các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc đừng để những chiêu trò của ĐCSTQ đánh lừa.

“Nếu chuyến thăm đến Tân Cương, Trung Quốc muốn thực hiện được bất cứ điều gì, thì những mối quan ngại được nêu lên phải được xem xét một cách nghiêm túc và được giải quyết như một vấn đề cấp bách”, Tiến sĩ Ewelina U. Ochab, người đồng sáng lập Liên minh Phản ứng với Nạn Diệt chủng, đã viết trong một bài báo vào ngày 4 tháng 5 năm 2022 cho tạp chí Forbes. “Không thể bỏ qua bằng chứng về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương với một chuyến đi tuyên truyền sẽ được thiết kế hoàn hảo để chỉ thể hiện cho Liên Hợp Quốc thấy nhiều điều mà chế độ Trung Quốc muốn họ thấy”.

Theo thư ngỏ vào tháng 3 năm 2022 của vô số các nhóm hoạt động, họ cũng đang thúc giục bà Bachelet nhanh chóng công bố những phát hiện của mình “để gửi một thông điệp đến các nạn nhân và cả thủ phạm rằng không có nhà nước nào, bất kể hùng mạnh ra sao, được phớt lờ luật pháp quốc tế”.

Ông Ken Roth, giám đốc điều hành của Human Rights Watch, nói với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng đó: “Nhiều tổ chức của chúng tôi đã ghi lại việc chính quyền Trung Quốc giam giữ, tra tấn và ngược đãi hàng loạt, có tính hệ thống nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ khác ở Tân Cương”.

“Quy mô và tính chất của những vi phạm này tương đương với tội ác chống lại loài người”, ông Roth nói, theo tin từ Reuters. “Đây là những tội ác đang diễn ra và đòi hỏi một phản ứng ngay lập tức”.

 

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button