Câu chuyện Nổi bật

Các lực lượng xâm lược của Nga bị cáo buộc là đã thực hiện những hành vi tàn bạo ở Ukraina

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Theo các nhóm nhân quyền, gần ba tháng sau khi xâm lược quốc gia có chủ quyền Ukraina, các lực lượng Nga tiếp tục giết hại dân thường một cách bừa bãi. Cuộc tấn công vô cớ này đã chà đạp lên các quy tắc quốc tế mà được thiết lập từ lâu và được áp dụng cho xung đột vũ trang.

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 3.200 thường dân đã thiệt mạng và khoảng 3.400 người bị thương kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, mặc dù số liệu thực tế được cho là cao hơn nhiều. Hầu hết các nạn nhân, bao gồm hàng trăm trẻ em, đã bị giết hoặc bị thương do “vũ khí nổ có tác động trên diện rộng, bao gồm đạn từ pháo hạng nặng và nhiều hệ thống phóng tên lửa, và các cuộc không kích và bắn tên lửa”, Liên Hợp Quốc báo cáo vào ngày 4 tháng 5.

Vào cuối tháng 4, Nga đã tiến hành một cuộc không kích vào Kyiv trong khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đang ở thăm thủ đô của Ukraina, tờ Taipei Times của Đài Loan đưa tin. Một tên lửa đã bắn trúng một tòa nhà dân cư, giết chết Vira Hyrych, một nhà báo của Radio Free Europe/Radio Liberty. (Ảnh: Người lao động dọn dẹp đống đổ nát từ một tòa nhà dân cư ở Kyiv, thủ đô của Ukraina, sau khi một cuộc không kích bằng tên lửa của Nga giết chết một nhà báo và làm bị thương 10 người khác vào cuối tháng 4 năm 2022).

Cuộc không kích, mà Nga tuyên bố là nhắm vào một cơ sở sản xuất tên lửa và vũ trụ, đã bị nhiều người lên án. Theo báo Taipei Times đưa tin, các quan chức Đức gọi đó là một cuộc tấn công vô nhân đạo. Cuộc tấn công này cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin “không tôn trọng luật pháp quốc tế một chút nào”.

Những kẻ xâm lược Nga cũng bị cáo buộc là đã sử dụng hành vi hiếp dâm như một chiến thuật chiến tranh và không cho dân thường chạy khỏi các khu vực chiến trận, cùng với những hành động tàn bạo khác. Theo Human Rights Watch, trong ít nhất ba vụ việc, quân đội Nga đã nổ súng vào các phương tiện dân sự, bao gồm một chiếc xe chở những người đang chuẩn bị đàm phán về việc giao những chuyến hàng viện trợ nhân đạo. Sáu thường dân đã bị giết trong các cuộc tấn công đó.

Bà Belkis Wille, một nhà nghiên cứu cấp cao về khủng hoảng và xung đột của Human Rights Watch, đã cho biết trong một bài viết vào ngày 2 tháng 5 trên trang web của tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York này: “Các binh sĩ Nga tại các điểm kiểm soát đã nổ súng vào các phương tiện đi qua mà không có cố gắng rõ ràng nào để xác minh liệu những người trong xe có phải là thường dân hay không”.

Những hành động như vậy vi phạm luật nhân đạo quốc tế (international humanitarian law – IHL), trong đó bao gồm các Công ước Geneva được thiết lập lần đầu vào năm 1864 và Nga là một bên ký kết. Thường được gọi là các quy tắc chiến tranh hoặc luật xung đột vũ trang, các nguyên tắc đó quy định về sự bảo vệ cho dân thường và những người khác không tham gia chiến đấu. “Trên hết là quy tắc rằng các bên trong một cuộc xung đột phải luôn phân biệt giữa các chiến binh và dân thường”, theo Human Rights Watch. “Không bao giờ được cố ý nhắm vào dân thường như mục tiêu của các cuộc tấn công”.

Theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, IHL cũng cấm “các cuộc tấn công bừa bãi, cụ thể là những cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự và dân thường hoặc các đối tượng dân sự mà không có sự phân biệt”. IHL nghiêm cấm “các cuộc tấn công mà có thể được dự kiến là sẽ kéo theo thiệt hại dân sự quá mức liên quan đến lợi thế quân sự trực tiếp và cụ thể theo mong đợi”.

Cuộc xâm lược và chiếm đóng của Nga tiến vào các phần của miền đông Ukraina đã dẫn đến tình trạng cô lập ngày càng nghiêm trọng của Matxcơva, khiến Putin còn ít người ủng hộ trong khi cộng đồng toàn cầu áp đặt vô số lệnh trừng phạt cũng như các biện pháp trừng phạt cứng rắn khác. Các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng Nga đang phạm tội diệt chủng bằng cách cố gắng xóa sổ người dân Ukraina, và Tòa án Hình sự Quốc tế đang điều tra những tội ác chiến tranh mà Nga, bao gồm cả của Putin, có thể đã thực hiện.

Ngược lại, trong khi các lực lượng bị áp đảo của Ukraina tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga, nước này đã nhận được nguồn hỗ trợ dồi dào, bao gồm vũ khí, tiền và viện trợ nhân đạo, từ các quốc gia có cùng chí hướng, bao gồm các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi viễn cảnh xung đột đang chờ chực do hành vi bành trướng và độc tài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

Trung Quốc không lên án cuộc xâm lược của Nga và chưa tham gia vào việc trừng phạt chế độ của Putin. Nước này cũng bỏ phiếu chống lại một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này do các cáo buộc rằng các lực lượng Nga ở Ukraina đã tra tấn và giết người. Biện pháp này, do Hoa Kỳ đưa ra, đã được thông qua với sự ủng hộ của đa số.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã phát biểu trước cuộc bỏ phiếu vào ngày 7 tháng 4: “Nga không nên có một vị trí quyền lực trong một cơ quan có mục đích — phải nói là mục đích cao nhất — là thúc đẩy sự tôn trọng dành cho nhân quyền”. “Đây không chỉ là đỉnh cao của đạo đức giả; mà còn rất nguy hiểm. Mỗi ngày, chúng ta càng thấy nhiều bằng chứng hơn rằng Nga chẳng mấy xem trọng nhân quyền”.

 

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button