Câu chuyện Nổi bật

Indonesia đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu trong nước để tăng cường an ninh năng lượng

Gusty Da Costa

Những lo ngại về việc thiếu khả năng tự chủ trong lĩnh vực năng lượng có thể đe dọa an ninh quốc gia đã thúc đẩy Indonesia tăng sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước và chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo và xe điện.

Sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng tạo ra các điểm yếu và những đứt gãy có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng cho Indonesia và Lực lượng Vũ trang của nước này, ông Komaidi Notonegoro, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Khai thác và Kinh tế Năng lượng của Indonesia, nói với DIỄN ĐÀN. “Chúng tôi hiện đang cần 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày và có thể sản xuất 700.000 thùng trong nước. Nếu ngừng nhập khẩu, thì máy bay chiến đấu của chúng tôi không bay được. Tàu của chúng tôi không đi được. Điều quan trọng là phải có lượng dự trữ tối thiểu đề phòng trường hợp khẩn cấp.”

Sản lượng dầu và khí đốt được sản xuất nội địa dự kiến sẽ tăng lên, với khoảng 500 triệu thùng dầu và 22 nghìn tỷ feet khối khí đốt dự kiến sẽ được tạo ra trong những năm tới, Bộ Năng lượng Indonesia công bố vào tháng 11 năm 2021. Chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch đến năm 2025 sẽ tăng gấp đôi việc sử dụng năng lượng tái tạo.

“Các nhà máy điện địa nhiệt dự kiến sẽ góp phần đáng kể vào việc đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo mới là đến năm 2025 sẽ đạt 23%,” bà Eniya Listiani Dewi, phó giám đốc công nghệ ngành công nghiệp năng lượng và vật liệu tại Cơ quan Công nghệ Quốc gia Jakarta, nói với DIỄN ĐÀN.  “Hiện nay, 40% trữ lượng địa nhiệt của thế giới nằm ở Indonesia.”

Việc thực hiện Chính sách Năng lượng đến năm 2025 của Jakarta sẽ thúc đẩy “khả năng phục hồi và sự độc lập về năng lượng” của đất nước này, bà cho biết.

Theo Bộ Công nghiệp Indonesia, Chính phủ có kế hoạch đến năm 2030 sẽ sản xuất 600.000 xe ô tô điện chạy bằng ắc-quy và 2,45 triệu xe máy điện. Dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 25.000 trạm sạc xe điện công cộng được đưa vào sử dụng.

Giá nhiên liệu tăng khiến ngân sách của chính phủ bị eo hẹp lại — đặc biệt là cho quốc phòng – ông Beni Sukadis, một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược của Indonesia, nói với DIỄN ĐÀN. Do đó, chính phủ nước này đã soạn thảo Chính sách Chiến lược về Dự trữ Xăng dầu “để xác định các nguồn nhiên liệu nội địa mà chưa được khai thác”.

Ông Sukadis cho biết chính sách này có thể giúp thực thi Luật Quản lý Tài nguyên Quốc gia về Quốc phòng năm 2019. Luật này đặt ra hạn ngạch cho các nhà cung cấp như PT Pertamina, công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước, về việc đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho công tác quốc phòng của nước này.

Bảo tồn năng lượng, cùng với sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bao gồm nhiên liệu sinh học, sẽ làm tăng sự tự chủ về năng lượng của Indonesia, sẽ giúp đất nước an ninh hơn, ông Kardaya Warnika, một đại biểu quốc hội, người có chân trong ủy ban giám sát năng lượng, nói với DIỄN ĐÀN. Việc lắp đặt cơ sở hạ tầng tiết kiệm năng lượng như hệ thống chiếu sáng có cảm biến chuyển động và máy móc công nghiệp và thiết bị tiêu dùng hiệu quả hơn, cùng với việc thay đổi thói quen sử dụng năng lượng của người dân, có thể đạt được mức tiết kiệm đáng kể, ông nói.

Việc chính phủ theo đuổi năng lượng tái tạo có lợi ích kép, ông nói thêm. “Trước hết, nếu chúng ta sử dụng năng lượng tái tạo, chúng ta sẽ không bị cạn kiệt điện năng. Thứ hai, chi phí năng lượng tái tạo sẽ giảm dần theo thời gian”, ông Kardaya nói.

Về dầu khí, ông Kardaya cho biết sản lượng lớn hơn có thể bắt nguồn từ trữ lượng tự nhiên của Indonesia thông qua hoạt động cải cách từ phía chính phủ.

“Các nhà đầu tư sẽ không đến Indonesia nếu không có sự chắc chắn về pháp lý”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng luật dầu khí đã được áp dụng trong 15 năm qua cần được sửa đổi và cơ quan quản lý nhiên liệu hóa thạch là một cơ quan “đặc biệt” chứ không phải là một cơ quan thường trực. Ông cho biết, sau khi luật được sửa đổi và có một cơ quan quản lý thường trực, dự kiến sẽ có nhiều khoản đầu tư hơn vào việc thăm dò nhiên liệu hóa thạch.

Gusty Da Costa là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Indonesia.

 

HÌNH ẢNH: ISTOCK

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button