Xuất khẩu tình trạng bất ổn: Những thương vụ bán vũ khí của Trung Quốc không ăn nhập với lý lẽ
Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Các tổ chức Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu vũ khí gây mất ổn định và đóng góp vào các chương trình tên lửa của những chế độ nguy hiểm bất chấp một nghị quyết của Liên Hợp Quốc vào tháng 12 năm 2021 lên án các hoạt động đó.
Ngoài việc củng cố các lệnh cấm vận vũ khí hiện đang tồn tại, nghị quyết gần đây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc còn đề cập đến mối quan ngại sâu sắc của cơ quan này rằng việc “chuyển giao bất hợp pháp, tích trữ gây mất ổn định và sử dụng sai mục đích vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ ở nhiều khu vực trên thế giới” tiếp tục đe dọa an ninh quốc tế.
Trong khi đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đang xuất khẩu những loại vũ khí mà chú trọng đến tốc độ bắn hơn là độ chính xác và đang cho phép các công ty của nước này gửi các công nghệ nguy hiểm đến các chế độ bị cấm nhận chúng, theo nội dung từ các báo cáo đã được công bố.
Các công ty Trung Quốc đang xuất khẩu những hệ thống súng cối có khả năng sát thương đến các trận địa trên toàn cầu, theo một bài báo được đăng ngày 5 tháng 1 năm 2022 trên tạp chí The National Interest. Trung Quốc đã hiện đại hóa hệ thống súng cối tự động Vasilek do Nga sản xuất để làm cho nó mạnh hơn. “Bây giờ có nhiều bản sao của Vasilek do Trung Quốc sản xuất hơn loại do Liên Xô sản xuất ban đầu”, bài viết cho biết.
Ngược lại, Hoa Kỳ tập trung vào vũ khí chính xác nhằm hạn chế thương vong cho thường dân. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ định nghĩa một loại đạn có hệ thống dẫn đường chính xác là một “vũ khí được dẫn đường nhằm tiêu diệt một tiêu điểm và giảm thiểu thiệt hại đi kèm.” Những vũ khí này bao gồm các tên lửa phóng từ trên không và phóng từ tàu, tên lửa phóng nhiều lần và bom.
Súng cối có khả năng sát thương được Trung Quốc xuất khẩu có thêm tầm bắn và hỏa lực và có thể được gắn trên các loại phương tiện. “Xét đến mức độ gia tăng của vũ khí hiện đại của Trung Quốc trên khắp các đấu trường của thế giới, cả súng cối tự động loại mới và cũ đều là một mối đe dọa đối kháng đặc biệt trên phạm vi toàn cầu”, bài viết trên National Interest nhận định.
Trong cuộc nội chiến đang diễn ra của {Syria, Vasilek đã được hiện đại hóa đã được sử dụng bởi Lực lượng Vũ trang Syria, Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd và nhóm Hồi giáo Ansar al-Sham, theo tổ chức tư vấn tình báo Armament Research Services.
Trong khi đó, Hoa Kỳ nỗ lực để hạn chế xuất khẩu vũ khí cho các chế độ nguy hiểm. Theo tờ South China Morning Post đưa tin, vào tháng 12 năm 2021, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken đã lên án việc quân đội Miến Điện giết hại hàng chục thường dân vào đêm Giáng sinh, kêu gọi chấm dứt việc bán vũ khí cho chính phủ do quân đội nắm quyền của nước này. Miến Điện là một trong những nước nhận nhiều vũ khí Trung Quốc nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và vào tháng 12 năm 2021 quân đội của nước này cho biết rằng họ đã nhận được một tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel-điện từ Trung Quốc, theo tin từ trang web Defense News.
Theo The Associated Press đưa tin, Hoa Kỳ cũng đã ban hành lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia vào tháng 12 năm 2021, viện dẫn mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng sâu rộng cũng như tham nhũng công và những vụ vi phạm nhân quyền của chính phủ và quân đội nước này.
Trung Quốc cũng đã cho phép việc xuất khẩu công nghệ tên lửa sang các chế độ không ổn định. Theo một báo cáo vào tháng 5 năm 2021 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ, mặc dù chính phủ Trung Quốc đã ngừng việc chuyển giao trực tiếp công nghệ tên lửa cho các chế độ đang bị Liên Hợp Quốc trừng phạt, nhưng các tổ chức dưới sự kiểm soát của Trung Quốc vẫn tiếp tục cung cấp cho Iran, Triều Tiên và Syria.
Những hoạt động chuyển giao vũ khí phải tuân theo Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (Missile Technology Control Regime -MTCR). Đây là một thỏa thuận giữa 35 quốc gia thành viên nhằm hạn chế sự lan rộng của những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. “Trong năm 2020, các tổ chức Trung Quốc đã tiếp tục cung cấp những loại hàng hóa phải chịu sự kiểm soát của MTCR cho các chương trình tên lửa mà người ta lo ngại về hoạt động mở rộng”, báo cáo của cơ quan nghiên cứu nêu rõ.
Trung Quốc cũng giúp tài trợ cho các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng bằng cách đi ngược lại các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc về xuất khẩu than và dầu của Triều Tiên. Vào tháng 4 năm 2020, một hội đồng của Liên Hợp Quốc nói rằng ngành công nghiệp vận tải biển của Trung Quốc đã chuyển than và dầu của Triều Tiên lên các sà lan của Trung Quốc, theo báo The Guardian đưa tin.
Bất chấp bằng chứng về những hoạt động gia tăng vũ khí này, các quan chức của Trung Quốc đã trơ trẽn nhiếc móc Hoa Kỳ trước Liên Hợp Quốc vào cuối năm 2021, cáo buộc rằng nước này đã không làm đúng theo các cam kết quốc tế của mình và làm suy yếu những nỗ lực nhằm vượt qua những thách thức trên toàn cầu.
Đáng chú ý, Trung Quốc đang bán vũ khí cho các chế độ gần phần đất liền của Hoa Kỳ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS), những hoạt động chuyển vũ khí của Trung Quốc đến Venezuela bắt đầu vào năm 2006, khi Hoa Kỳ áp dụng một lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia Nam Mỹ này vì bất hợp tác với các nỗ lực chống khủng bố.
Các giao dịch bao gồm 18 máy bay phản lực huấn luyện K-8 vào năm 2010, 121 xe bọc thép VN-4 vào năm 2012 và một số lượng chưa được tiết lộ các tên lửa chống hạm C-802 vào năm 2017. Vào tháng 5 năm 2019, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Venezuela đã triển khai tám chiếc VN-4 chống lại những người biểu tình phản đối chính phủ, theo báo cáo của CSIS.
Vừa trang bị vũ khí cho chính phủ hà khắc của Nicolas Maduro, chính quyền Trung Quốc vừa cung cấp cho chính phủ này một dạng thức kỹ thuật số của chủ nghĩa độc tài để giám sát các hoạt động trên internet của công dân, một người trước đây từng là cố vấn cho chính phủ Venezuela cho biết. “Bất cứ ai tin rằng quyền riêng tư tồn tại ở Venezuela thông qua trao đổi thông tin bằng email, Twitter, WhatsApp, Facebook và Instagram thì đều nhầm to,” ông Anthony Daquin, cựu cố vấn về an ninh máy tính cho Bộ Tư pháp Venezuela, nói với nhóm vận động Freedom House. Tất cả các công cụ đó đều phải chịu sự can thiệp của chính phủ, ông nói.
Trung Quốc cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật cho chế độ Maduro để theo dõi những người mà họ coi là kẻ thù của nhà nước. “Họ có hệ thống camera truyền hình, dấu vân tay, nhận dạng khuôn mặt, hệ thống thuật toán dùng chữ cho internet và các cuộc trò chuyện”, ông Daquin nói.
HÌNH ẢNH: ISTOCK