Câu chuyện Nổi bật

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về việc bỏ tù nhà báo trong năm thứ ba liên tiếp

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Theo hai báo cáo gần đây của các tổ chức phi chính phủ (NGO) vận động cho tự do báo chí, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) là quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới.

Theo một nghiên cứu thường niên do tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders – RSF) biên soạn, Trung Quốc đứng đầu danh sách những quốc gia vi phạm với 127 nhà báo bị giam giữ tính đến ngày 1 tháng 12 năm 2021. RSF cho biết, Trung Quốc cũng bỏ tù nhiều nhà báo nhất trong năm 2019 và 2020. Cơ quan này đã công bố những phát hiện của mình vào ngày 14 tháng 12.

RSF cho biết số lượng nhà báo bị cầm tù trên toàn thế giới đạt mức kỷ lục là 488 người trong năm 2021.

Một báo cáo được công bố vào ngày 9 tháng 12 của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists – CPJ) cũng xếp hạng Trung Quốc là quốc gia vi phạm nhiều nhất trong năm 2021 và cho thấy số lượng kỷ lục các nhà báo bị giam giữ trên toàn thế giới trong năm thứ sáu liên tiếp.

Theo các báo cáo, con số này tăng khoảng 20% vào năm 2021, so với năm 2020, phần lớn là do những cuộc đàn áp của chính phủ lên giới truyền thông ở Belarus, Hồng Kông và Miến Điện.

Đặc biệt, việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia của họ lên Hồng Kông đã góp phần vào sự gia tăng này, các báo cáo cho biết. Trong một báo cáo liên quan, RSF cho biết luật này đã đóng vai trò là lý do biện minh cho việc đàn áp ít nhất 12 nhà báo và những người bảo vệ tự do báo chí, bao gồm tỷ phú truyền thông Jimmy Lai, người sáng lập tờ Apple Daily hiện đã bị đóng cửa. Ông này phải đối mặt với những án tù chung thân. (Ảnh: Ông Jimmy Lai rời khỏi Tòa phúc thẩm Cuối cùng của Hồng Kông vào tháng 2 năm 2021. Ông phải đối mặt với nhiều cáo buộc theo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc ở Hồng Kông và đã bị giam giữ hơn một năm.)

Trong khi đó, Miến Điện đã đứng vào vị trí là quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều thứ hai với 53 nhà báo bị cầm tù sau một cuộc đàn áp diễn ra sau cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, theo RSF đưa tin. Ai Cập đứng thứ ba với 25 nhà báo bị bỏ tù.

Trong báo cáo của mình, CPJ cho biết số lượng nhà báo bị bỏ tù ở Miến Điện có thể nhiều hơn so với con số mà các nghiên cứu phát hiện bởi vì nhiều cơ quan báo chí dè dặt trong việc nêu tên các phóng viên khác là cộng tác viên, phóng viên nghiệp dư hoặc không thuộc biên chế của họ vì sợ rằng những người này có thể sẽ phải hứng chịu nhiều hình phạt hơn.

CPJ ước tính số lượng nhà báo bị giam giữ trên toàn thế giới là 293 vì, không giống như RSF, tổ chức này không tính các nhà báo công dân hoặc trợ lý truyền thông.

CPJ báo cáo rằng 24 nhà báo đã bị giết trong năm 2021, trong đó 19 bị trả thù vì công việc của họ, còn RSF cho rằng tổng số là 48.

Trong một nghiên cứu khác được công bố vào ngày 7 tháng 12 năm 2021, RSF chỉ ra rằng 71 trong số 127 nhà báo bị cầm tù ở Trung Quốc là người Duy Ngô Nhĩ.

Các chuyên gia cho biết phát hiện này ngầm định rằng việc Trung Quốc giam giữ các nhà báo không chỉ là một phần trong chiến dịch chuyên quyền của nước này nhằm đàn áp tự do báo chí mà cũng là một phần trong kế hoạch trấn áp người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số Hồi giáo khác thông qua việc giam giữ hàng loạt, lao động cưỡng bức và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.

Nghiên cứu trước đó của RSF, có tiêu đề “Bước nhảy vọt lớn tụt lại phía sau của nền báo chí ở Trung Quốc” (“The Great Leap Backwards of Journalism in China), hé lộ chiến dịch đàn áp chưa từng có của chế độ Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm vào nền báo chí và quyền được có thông tin trên toàn thế giới.

Các chuyên gia cho biết việc Trung Quốc bỏ tù các nhà báo cũng không phải là tín hiệu tốt cho Thế vận hội Mùa đông 2022 vào tháng 2 khi các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến Bắc Kinh, khiến họ có nguy cơ bị giam giữ.

Theo báo cáo của RSF, luật an ninh quốc gia của Trung Quốc đe dọa bỏ tù các nhà báo dưới những quy định mơ hồ, bao gồm chủ nghĩa ly khai, lật đổ và thông đồng với các lực lượng nước ngoài và thế lực khủng bố.

“Hành động đơn giản là điều tra về một chủ đề ‘nhạy cảm’ hoặc công bố thông tin bị kiểm duyệt có thể dẫn đến nhiều năm bị giam giữ trong các nhà tù bẩn thỉu, nơi tình trạng ngược đãi có thể dẫn đến tử vong,” báo cáo đã chỉ ra. Trong năm 2020, Trung Quốc đã áp dụng các quy định của luật an ninh quốc gia tương tự cho Hồng Kông.

Hơn nữa, báo cáo cho biết các nhà báo nước ngoài không được chào đón ở Trung Quốc. “Sự đe dọa của Trung Quốc nhằm vào các phóng viên nước ngoài, dựa trên giám sát và tống tiền thị thực, đã buộc 18 người trong số họ phải rời khỏi nước này vào năm 2020. Ông Gui Minhai, ông Yang Hengjun và bà Cheng Lei, ba nhà báo nước ngoài gốc Trung Quốc, hiện đang bị giam giữ vì tội gián điệp,” báo cáo cho biết.

Nhìn chung, Trung Quốc xếp thứ 177 trên 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới RSF vào năm 2021, cao hơn hai bậc so với Triều Tiên. Hồng Kông đã đứng thứ 80 sau khi được xếp hạng 18 tại thời điểm 20 năm trước.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Xin bình luận ở đây

Quyền riêng tư của Quý vị rất quan trọng đối với chúng tôi. Nếu Quý vị chọn chia sẻ địa chỉ email, nhân viên DIỄN ĐÀN sẽ chỉ sử dụng phương thức này để liên lạc với Quý vị. Chúng tôi sẽ không chia sẻ hoặc công khai địa chỉ email của Quý vị. Chỉ có tên và trang web của Quý vị sẽ hiển thị trong phần bình luận. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Những bài viết liên quan

Back to top button