Báo cáo cho biết Trung Quốc đang giam giữ tới 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ

Joseph Hammond
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thể đang thực hiện tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ thiểu số khác và đã giam giữ tới 3 triệu người trong các trại giam, theo một đánh giá vào tháng 11 năm 2021 từ Bảo tàng Tưởng niệm Diệt chủng (Holocaust Memorial Museum) của Hoa Kỳ. Đánh giá này chứng minh cho các phát hiện của những cuộc điều tra trước đây.
Mặc dù từ lâu Bắc Kinh đã tuyên bố rằng việc sử dụng các trại giam và những hạn chế khác ở khu vực Tân Cương xuất phát từ những lo ngại về chủ nghĩa khủng bố, báo cáo dài 60 trang của bảo tàng cho thấy các yếu tố khác đang góp phần dẫn đến điều này.
“Càng ngày, những giá trị của chủ nghĩa người Hán thượng đẳng càng ăn sâu trong cách chính phủ Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ. Điều này đã tạo điều kiện cho một môi trường nơi mà các hệ tư tưởng có bản chất diệt chủng có thể bắt rễ,” các tác giả của báo cáo đã viết, đề cập đến nhóm dân tộc áp đảo của Trung Quốc. Các tác giả lập luận rằng sự trỗi dậy của những giá trị như vậy trong đa số nhân viên chính phủ đã góp phần vào chiến dịch đàn áp.
Hơn nữa, báo cáo cho rằng có những lý do địa chính trị đằng sau những nỗ lực của Bắc Kinh. “Sự kiểm soát đối với khu vực này — mà chính phủ Trung Quốc coi là đồng nghĩa với việc kiểm soát người Duy Ngô Nhĩ — được coi là yếu tố then chốt” tạo nên sự thành công của chương trình cơ sở hạ tầng Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc để đầu tư vào gần 70 quốc gia.
Nghiên cứu chỉ ra, giờ đây có một cơ sở hợp lý để tin rằng những tội ác chống lại loài người, chẳng hạn như ép buộc người dân phải triệt sản, lạm dụng tình dục, bắt làm nô lệ, tra tấn và dùng vũ lực để chuyển người, cũng đang được thực hiện.
Những phát hiện của bảo tàng, một cơ quan độc lập, xác nhận những phát hiện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các chính phủ trên khắp thế giới rằng cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội ác chống lại loài người.
“Canada, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Lithuania, Bỉ và Vương quốc Anh đều đã chấp thuận các kiến nghị tuyên bố rằng Trung Quốc [đã] phạm tội diệt chủng,” báo cáo nêu rõ. (Ảnh: Một thành viên của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tham gia một cuộc biểu tình để kêu gọi Quốc hội Vương quốc Anh công nhận hành vi ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ thiểu số theo đạo Hồi của Trung Quốc là tội diệt chủng.)
Nghiên cứu cũng mô tả những nỗ lực nhằm thanh lọc sắc tộc ở Tân Cương thông qua việc triệt sản và bắt buộc sử dụng các dụng cụ trong tử cung. Chính phủ đã áp dụng những chính sách để khuyến khích người Hán Trung Quốc và người Duy Ngô Nhĩ kết hôn với nhau. Những người trước đây đã khước từ những nỗ lực tương tự đã bị giam giữ.
Hơn nữa, những nỗ lực nhằm phân chia người Duy Ngô Nhĩ theo giới tính đã góp phần hạn chế sự gia tăng dân số. Nghiên cứu lấy ví dụ là sự phân chia người dân theo giới tính và các chương trình bắt nam giới Duy Ngô Nhĩ chỉ được sống trong các trại làm việc hoặc các nhiệm vụ khác ở địa điểm xa xôi. Các tác giả cho rằng Bắc Kinh cũng đã khuyến khích người Hán Trung Quốc nhập cư. Trong khoảng từ năm 2015 đến năm 2018, hơn 2 triệu người di chuyển đến các quận mà người Hán chiếm đa số trong khu vực này.
“Báo cáo này góp thêm vào lượng bằng chứng ngày càng tăng về tội ác diệt chủng chống lại loài người của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” bà Rushan Abbas, giám đốc điều hành của Chiến dịch cho người Duy Ngô Nhĩ, nói với DIỄN ĐÀN. “Có lẽ điều quan trọng nhất, xét đến vị thế uy tín của bảo tàng này trong việc nghiên cứu các chính sách diệt chủng, báo cáo cung cấp bằng chứng vô cùng quan trọng cho thấy mục tiêu nhằm ngăn chặn sinh con, và thông qua đó về lâu dài sẽ diệt trừ nhóm dân này.”
Nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị chính sách cho cộng đồng quốc tế, bao gồm một lời kêu gọi Liên Hợp Quốc hãy tiến hành điều tra về sự đối xử mà người Duy Ngô Nhĩ phải chịu đựng.
“Cộng đồng quốc tế thực sự có trách nhiệm phải hành động, và hy vọng của tổ chức Chiến dịch cho người Duy Ngô Nhĩ của chúng tôi là báo cáo này sẽ thôi thúc cộng đồng quốc tế thừa nhận nghĩa vụ của họ và tham gia vào nỗ lực để chấm dứt cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ”, bà Abbas nói.
Joseph Hammond là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES