Câu chuyện Nổi bật

Indonesia nêu bật sức mạnh hàng hải khi Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Vào cuối tháng 10 năm 2021, hàng chục tàu chiến của Indonesia và hàng ngàn lính Hải quân đã tập dượt trong các trận chiến dàn dựng, trong đó họ đã phản công các cuộc tấn công từ trên không và dưới nước để giải phóng một hòn đảo bị đối thủ chiếm giữ.

Cuộc Tập trận Hoạt động Đổ bộ năm 2021 của Hải quân Indonesia, được gọi là Latopsfib, thể hiện sức mạnh vào thời điểm nước này đang chứng kiến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) nhiều lần xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.

Cuộc tập trận này diễn ra từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 10 gần quần đảo Riau và đã phô diễn Hệ thống Vũ khí Hạm đội Tích hợp, bao gồm tàu chiến, máy bay, Thủy quân lục chiến và các căn cứ, Đô đốc Yudo Margono, tổng tham mưu trưởng của Hải quân Indonesia, cho biết, theo một trang web của chính phủ.

Theo báo The Rajawali Times, ông Yudo đã nói: “Cuộc tập trận này là để nâng cao tính chuyên nghiệp của các binh sĩ Hải quân, cũng như sự sẵn sàng về mặt hoạt động và đóng vai trò như một mức chuẩn cho những kết quả của công tác huấn luyện và tích hợp các thành phần của Hệ thống Vũ khí Hạm đội Tích hợp”.

Cuộc tập trận cũng nêu bật quyết tâm của Indonesia trong việc bảo vệ vùng lãnh hải của mình. “Bằng cách tạo ra sự an tâm này, cộng đồng những người sử dụng biển được bình tâm và thoải mái và có thể tăng sự tin tưởng của người dân vào những năng lực của quân đội Indonesia”, ông Yudo nói. (Ảnh: Thủy quân lục chiến Indonesia tham gia một cuộc tập trận hoạt động đổ bộ ở quần đảo Riau).

Các hoạt động đổ bộ diễn ra sau khi một tàu khảo sát của Trung Quốc gần đây đã có mặt trong bảy tuần ở Biển Bắc Natuna để tiến hành lập bản đồ chuyên sâu về đáy biển bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, theo trang web tin tức Asia Times đưa tin. Tàu Haiyang Dizhi 10 có trọng lượng 6.900 tấn và tàu hộ tống của cảnh sát biển Trung Quốc đã rời vùng đặc quyền kinh tế vào ngày 22 tháng 10 năm 2021, bốn ngày trước thời điểm hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á diễn ra, theo tin từ trang web này.

Thông qua đường chín đoạn được định hình một cách mơ hồ và bị đa số các nước khác bác bỏ, Trung Quốc lập luận rằng mình có chủ quyền trong khu vực này. Chính phủ Indonesia chưa chính thức lên tiếng phản đối các vụ xâm nhập, mặc dù các tàu Trung Quốc đã bị đến chín tàu tuần tra của Hải quân và Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia theo sát, theo tin từ Asia Times.

Ông Malcolm Davis, một nhà phân tích của Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute – ASPI), nói trên trang web: “Tôi nghĩ Indonesia đang đi nước đôi và sẽ không làm bất cứ điều gì khiến căng thẳng gia tăng”. “Nếu họ cho là Trung Quốc sẽ hài lòng với điều đó, thì Indonesia sẽ sớm gặp một cú sốc lớn”.

Một nhà phân tích khác của ASPI nói với BenarNews rằng nhiều nhà lãnh đạo Indonesia tin rằng họ có thể đối phó với hành vi gây hấn và các yêu sách trên biển của Trung Quốc thông qua đối thoại, điều này có thể mất rất nhiều thời gian.

Trong khi đó, “Trung Quốc đã và đang hiện đại hóa năng lực quân sự của mình, cải tạo các đảo ở Biển Đông và nuôi tham vọng ngày càng lớn”, bà Lê Thu Hương, một nhà phân tích cấp cao tại ASPI cho biết. “Tôi không nghĩ là chúng ta có nhiều thời gian như nhiều người ở Jakarta tưởng”.

HÌNH ẢNH: HẢI QUÂN INDONESIA

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button