Câu chuyện Nổi bật

Hàn Quốc tăng tốc chương trình phòng thủ trong không gian vũ trụ

Felix Kim

Hàn Quốc đang đẩy mạnh chương trình không gian vũ trụ của mình với trọng tâm là các ứng dụng trong quốc phòng và sự hợp tác với Hoa Kỳ để đối phó với các mối đe dọa đang liên tục biến chuyển từ Triều Tiên.

Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (Korea Aerospace Research Institute – KARI) đã phóng Nuri, một tên lửa ba giai đoạn được sản xuất trong nước, còn được gọi là thiết bị phóng không gian của Hàn Quốc-II, vào ngày 21 tháng 10 năm 2021. Tuy vệ tinh giả mà nó chở theo không đạt được quỹ đạo, Nuri, trong ảnh, đã đạt đến độ cao mục tiêu là 700 kilomet phía trên Trái đất.

“Vụ phóng thử Nuri đã hoàn thành. Tôi tự hào về điều đó”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói với các phóng viên. “Rất tiếc, chúng ta đã không hoàn toàn đạt được mục tiêu, nhưng chúng ta đã đạt được một thành tựu rất đáng ca ngợi trong lần phóng đầu tiên”.

Việc đạt được độ cao mục tiêu là điều đáng chú ý, vì chỉ có 30% tên lửa mới được phát triển đạt được điều này, theo tin tức từ Yonhap, cơ quan thông tấn liên kết với chính phủ Hàn Quốc.

Quá trình đổi mới về không gian vũ trụ của Hàn Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi các mối đe dọa từ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, ông Kim Jae Yeop, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chiến lược Toàn cầu Sungkyun thuộc Đại học Sung Kyun Kwan, nói với DIỄN ĐÀN.

“So với các phương tiện khác như hệ thống trên không có người lái và không người lái, những thiết bị tình báo hoạt động trong không gian vũ trụ là lựa chọn tối ưu để theo dõi những mối đe dọa đó nhanh chóng hơn, liên tục hơn và chính xác hơn”, ông Kim giải thích.

Ngoài tên lửa Nuri với động cơ phóng nặng 75 tấn, Hàn Quốc cũng đang triển khai một loạt các vệ tinh đa năng được gọi là chương trình Arirang, ông nói thêm. Những vệ tinh này được trang bị các cảm biến quang điện có độ phân giải cao và radar khẩu độ tổng hợp. Một đề xuất, được đặt tên là Dự án 425, để tạo ra năm vệ tinh nữa nhằm phục vụ năng lực giám sát của quân đội cũng nằm trong các công trình được thực hiện vào giữa những năm 2020.

Vào tháng 6 năm 2021, ông Moon tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh giữa ông và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden rằng Hàn Quốc dự định mở rộng sự hợp tác về không gian vũ trụ với Hoa Kỳ và những quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế.

“Những nỗ lực như vậy đã và đang trong quá trình thực hiện”, ông Kim cho biết. Những hoạt động này bao gồm Phòng Nhận thức Tình huống Không gian Vũ trụ của Không quân Hàn Quốc, được tạo lập vào năm 2015 để nhận thông tin theo thời gian thực từ dữ liệu không gian vũ trụ do quân đội Hoa Kỳ cung cấp và một nhóm gồm tám thành viên được Không quân Hoa Kỳ triển khai để thực hiện các nhiệm vụ tại một căn cứ Không Quân của Hoa Kỳ ở Hàn Quốc.

Các chỉ huy của Không quân Hàn Quốc và Không quân Vũ trụ Hoa Kỳ cũng đã ký một thỏa thuận vào tháng 8 năm 2021 cho một Quan hệ Đối tác chính thức về An ninh Không gian Vũ trụ. Thỏa thuận này sẽ bao gồm các cuộc họp định kỳ của một nhóm tư vấn chung về chính sách không gian vũ trụ, trao đổi nhân sự, chia sẻ thông tin và hợp tác kỹ thuật.

“Kết quả là, quân đội Hàn Quốc dự kiến sẽ tham gia cùng Lực lượng Không gian Vũ trụ Hoa Kỳ trong các cuộc diễn tập quân sự chung nhằm tăng cường những năng lực phòng thủ kết hợp trong không gian vũ trụ”, ông Kim nói.

Theo Bloomberg đưa tin, cuộc gặp giữa ông Moon với Tổng thống Biden cũng đã chấm dứt các hướng dẫn song phương vốn hạn chế rằng Seoul chỉ được phát triển những tên lửa có tầm bắn dưới 800 kilomet. Điều đó sẽ cho phép KARI phát triển tên lửa hoạt động trong không gian vũ trụ chạy bằng nhiên liệu rắn mà không có bất kỳ hạn chế nào về tải trọng hoặc phạm vi, ông Kim nói.

Bên cạnh Nuri, KARI đã phát triển loạt tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn Hyunmoo. Phiên bản mới nhất của loạt tên lửa này có thể mang đầu đạn phá boong-ke nặng 1.000 kilogram, ông Kim cho biết.

“Hàn Quốc cần phải vượt qua khoảng cách giữa các năng lực quân sự của mình trong không gian vũ trụ với các năng lực của Trung Quốc và các cường quốc khác trong khu vực”, ông kết luận. “Nếu không, khoảng cách này sẽ đặt ra một thách thức rất lớn đối với hòa bình và an ninh của Bán đảo Triều Tiên”.

Felix Kim là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Seoul, Hàn Quốc.

 

HÌNH ẢNH: VIỆN NGHIÊN CỨU HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ HÀN QUỐC

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button