Câu chuyện Nổi bật

Các quốc gia Đông Nam Á công bố hiệp ước chiến lược với Úc

Reuters

Vào cuối tháng 10 năm 2021, Úc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí về việc thiết lập một “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, một dấu hiệu cho thấy tham vọng của Canberra trong việc đảm đương một vai trò lớn hơn trong khu vực này.

Hiệp ước này sẽ tăng cường hơn nữa những mối quan hệ ngoại giao và an ninh của Úc trong một khu vực đang phát triển nhanh chóng. Khu vực này đã trở thành một đấu trường có ý nghĩa chiến lược.

Các mục tiêu chiến lược cụ thể của quan hệ đối tác không được công bố ngay lập tức, nhưng Thủ tướng Úc Scott Morrison đã hứa rằng quốc gia của ông sẽ “dành sự hậu thuẫn vững vàng cho hiệp ước này.” (Ảnh: Thủ tướng Úc Scott Morrison, ở giữa, phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – Úc vào tháng 10 năm 2021.)

Ông nói trong một tuyên bố chung với Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne: “Cột mốc này nhấn mạnh cam kết của Úc dành cho vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và định vị mối quan hệ đối tác của chúng tôi cho tương lai”. “Úc ủng hộ một khu vực hòa bình, ổn định, kiên cường và thịnh vượng, với ASEAN là trung tâm”.

Brunei, với tư cách là chủ tịch ASEAN, cho biết thỏa thuận này “đã đánh dấu một chương mới trong những quan hệ” và sẽ “có ý nghĩa, thực chất và có lợi cho tất cả các bên”.

Sau khi đưa ra lời công bố, Úc cho biết nước này sẽ đầu tư khoảng 2 nghìn 700 tỷ đồng (120 triệu đô la Mỹ) vào các dự án ở Đông Nam Á về y tế và an ninh năng lượng, chống khủng bố và chống tội phạm xuyên quốc gia, cùng với hàng trăm học bổng.

Úc đã có quan hệ đối tác chiến lược song phương ở các cấp độ khác nhau với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Ông Morrison cũng muốn khẳng định với ASEAN rằng một hiệp ước an ninh ba bên mà Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã thống nhất vào tháng 9 năm 2021, theo đó Úc sẽ có quyền sử dụng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sẽ không đe dọa khu vực này.

Hiệp ước mới, được gọi là AUKUS, đã làm dấy lên một số lo ngại ở Đông Nam Á rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thể coi đây là một động thái nhằm thách thức ảnh hưởng của mình trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông.

Các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã tăng cường tuần tra vì Bắc Kinh đã triển khai hạm đội hàng hải của mình để củng cố những tuyên bố chủ quyền của nước này đối với phần lớn diện tích của Biển Đông — các tuyên bố mà đã bị tòa án quốc tế bác bỏ là bất hợp pháp.

Ông Morrison nói: “AUKUS bổ sung vào mạng lưới gồm những quan hệ đối tác của chúng tôi. Mạng lưới này hỗ trợ cho sự ổn định và an ninh trong khu vực”.

Trong một cuộc họp trước đó với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhấn mạnh sự phản đối quyết liệt của nước này trước những thách thức đối với một trật tự hàng hải tự do và rộng mở, chú trọng đến những lo ngại trong khu vực về tầm ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ông cho biết ông cũng đã đề cập đến các vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông và vùng Tân Cương chịu sự cai quản của Trung Quốc, cũng như tầm quan trọng của hòa bình và sự ổn định ở vùng biển giữa Trung Quốc và Đài Loan.

 

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button