Câu chuyện Nổi bật

Úc và Indonesia tăng cường hợp tác về chống khủng bố, an ninh mạng

Tom Abke

Những cuộc gặp giữa các quan chức quốc phòng Úc và Indonesia vào tháng 8 và tháng 9 năm 2021 đã dẫn đến ba biên bản ghi nhớ (memorandums of understanding – MOU) về an ninh mạng, chống khủng bố và hợp tác với các quốc gia đảo Thái Bình Dương. Các quan chức cũng đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác quốc phòng hiện có trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hoạt động gìn giữ hòa bình, ứng phó với thiên tai và ngành công nghiệp quốc phòng.

Hai chính phủ, với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện, cũng thể hiện cam kết chung đối với luật pháp quốc tế, đặc biệt là liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông.

“Hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã được tăng cường trong hơn nửa thế kỷ qua, tương tự như các lĩnh vực khác của quan hệ song phương,” theo nội dung của tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Indonesia, được gọi là Kemhan, sau cuộc gặp vào ngày 9 tháng 9 giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Peter Dutton và người đồng cấp Indonesia, ông Prabowo Subianto, tại Jakarta. Cuộc họp của họ là “để thảo luận về các nỗ lực nhằm tăng cường sự hợp tác quốc phòng giữa hai nước”, tuyên bố cho biết thêm. (Ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, bên trái và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton gặp nhau để hội đàm tại Jakarta, Indonesia vào tháng 9 năm 2021.)

Các bộ trưởng đã đề cập đến việc mở rộng sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp quốc phòng của họ, cũng như trong các lĩnh vực quân y, giáo dục và đào tạo, theo tin từ Kemhan, cho biết thêm rằng sự phát triển trong các năng lực quốc phòng của Indonesia đã được hưởng lợi rất nhiều từ mối quan hệ đối tác song phương này.

Ông Prabowo cho biết các cuộc đàm phán bao gồm triển vọng hợp tác đào tạo quân sự ở Úc và ghi danh các học viên sĩ quan Indonesia vào các học viện quân sự Úc, cả hai đều được ông mô tả là “những bước ngoặt có tính lịch sử”, theo Reuters đưa tin.

Hai tuần trước cuộc họp của các bộ trưởng, các quan chức quốc phòng cấp cao của cả hai quốc gia đã họp trực tuyến cho Đối thoại Chiến lược Phòng thủ Indonesia-Australia để đánh giá các sáng kiến hợp tác quốc phòng song phương cũng như đảm bảo hoạt động trơn tru và lâu dài, Kemhan cho biết. Các chủ đề bao gồm sự hỗ trợ của Hải quân Hoàng gia Úc trong việc ứng phó với tai nạn chìm tàu bi thảm của tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Indonesia vào tháng 4 năm 2021 và những nỗ lực thành công của cả hai lực lượng hải quân trong việc cứu 19 ngư dân Indonesia sau khi thuyền của họ chìm cách Perth, Úc 650 dặm về phía tây nam vào tháng 5 năm 2021.

Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết ba MOU đã được ký kết vào ngày 9 tháng 9 khi kết thúc cuộc họp 2+2 lần thứ bảy giữa Úc và Indonesia, trong đó các bộ trưởng ngoại giao của hai nước đã tham gia cùng với ông Dutton và ông Prabowo.

Theo một tuyên bố chung, MOU về an ninh mạng đã theo sau Đối thoại về Chính sách Mạng song phương vào tháng 9 năm 2020. Các bộ trưởng nhấn mạnh vai trò then chốt của không gian mạng rộng mở, an toàn, ổn định, dễ tiếp cận và hòa bình trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, an ninh quốc gia và ổn định quốc tế. Trong khi đó, MOU về công tác chống khủng bố đã nhắc lại cam kết chung của hai quốc gia trong việc tăng cường các phản ứng của khu vực đối với khủng bố, bao gồm sự chỉ đạo có sự kết hợp ở những tổ chức cấp khu vực và quốc tế như Diễn đàn Chống khủng bố Toàn cầu, nêu rõ “các phương pháp nhạy cảm về giới” đối với việc ngăn chặn và chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Biên bản ghi nhớ thứ ba thể hiện cam kết về việc hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương bằng cách hợp tác với Liên Hợp Quốc, Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương và Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương để giải quyết những thách thức chung và đảm bảo các thể chế được “hiệu quả, cởi mở và minh bạch”, theo ghi nhận của bản tuyên bố chung.

Úc và Indonesia cho biết họ sẽ tiếp tục hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình (peacekeeping operations – PKO) của Liên Hợp Quốc, trong đó Úc cung cấp 15 Xe Chống Mìn Bushmaster cho Indonesia để hỗ trợ các hoạt động PKO của nước này.

Tuyên bố chung 2+2 tái khẳng định cam kết chung về an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Tom Abke là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Singapore.

 

HÌNH ẢNH: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button