Câu chuyện Nổi bật

Những tuyên bố của Trung Quốc về sự tiến bộ ở Tây Tạng che khuất 70 năm đàn áp: báo cáo

Radio Free Asia

Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) tuyên bố rằng 70 năm dưới quyền cai trị của Bắc Kinh đã cải thiện cuộc sống của người Tây Tạng và rằng Tây Tạng đã luôn thuộc về Trung Quốc. Những tuyên bố này bóp méo thực tế và phớt lờ các sự kiện lịch sử, chính phủ lưu vong Tây Tạng hoạt động tại Ấn Độ cho biết trong một báo cáo mới.

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 30 tháng 9 năm 2021, một ngày trước Ngày Quốc khánh của Trung Quốc, Chính quyền Trung ương Tây Tạng (Central Tibetan Administration – CTA) đã bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc trong một sách trắng, “Tây Tạng Kể từ năm 1951: Giải phóng, Phát triển và Thịnh vượng,” được công bố vào tháng 5 năm 2021.

“Đây không phải là 70 năm giải phóng mà thực ra là 70 năm đàn áp và áp bức,” Tổng thống lưu vong của Tây Tạng, ông Penpa Tsering, đã phát biểu tại một sự kiện để ra mắt báo cáo CTA. “Trong 70 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã không ngừng trấn áp những người Tây Tạng ở bên trong Tây Tạng nhân danh việc phát triển và nâng cao cơ sở hạ tầng.”

Trung Quốc đã duy trì sự cai trị của mình ở Tây Tạng chỉ bằng cách thiết lập “một chế độ áp bức, sử dụng vũ lực và khiến người dân phải sợ hãi”, CTA cho biết trong báo cáo của mình, có tiêu đề “Tây Tạng: 70 năm Chiếm đóng và Đàn áp.” (Ảnh: Một nhà sư Phật giáo Tây Tạng lưu vong bưng một bức chân dung của nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong một cuộc biểu tình vào tháng 7 năm 2021 ở Dharmsala, Ấn Độ, để phản đối lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.)

“Ngày nay, việc kiểm soát người Tây Tạng được thực hiện bằng cách thắt chặt an ninh, đẩy mạnh giám sát và một lời biện minh viện cớ phát triển, tất cả đều được sử dụng như một công cụ chính trị để sáp nhập Tây Tạng với Trung Quốc”, chính phủ lưu vong cho biết.

Sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng “mang tất cả các đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa thực dân”, CTA cho biết. “Như các chế độ thực dân khác, Trung Quốc dựa trên các câu chuyện về sự ưu việt và phẩm hạnh của văn hóa và tư tưởng Trung Quốc và ‘sự lạc hậu’ của Tây Tạng ở phía Đối lập (Other)”.

Theo báo cáo này, những tuyên bố của Bắc Kinh rằng Tây Tạng đã luôn là một phần của Trung Quốc chỉ xuất phát từ mối quan hệ giữa các Đạt Lai Lạt Ma — những nhà lãnh đạo quốc gia và tinh thần của Tây Tạng — và những người cai trị của đế chế Mông Cổ và Mãn Châu mà đã nắm quyền ở Trung Quốc hàng thế kỷ trước.

“Trái ngược với tuyên bố của Trung Quốc, Tây Tạng không phải là một phần của Trung Quốc từ xa xưa, mà đã bị chiếm đóng bằng vũ lực khi Quân đội Giải phóng Nhân dân xâm lược Tây Tạng từ năm 1949 đến năm 1951. Tuyên bố rằng Tây Tạng đã được ‘giải phóng’ là một phần của lời biện minh nhằm mang đến tính chính danh những gì đã và đang tiếp tục là tình trạng chiếm đóng bất hợp pháp ở Tây Tạng”, CTA cho biết.

Trong sách trắng của mình, Bắc Kinh tuyên bố, “Người dân ở Tây Tạng được hưởng quyền làm chủ đất nước và khu vực theo luật pháp”, và rằng dưới sự cai trị của Trung Quốc, Tây Tạng đã được hưởng “tăng trưởng nhanh chóng và bền vững nhờ vào sự hài hòa và ổn định xã hội”.

Nhưng Trung Quốc từ lâu đã khước từ người dân Tây Tạng quyền và sự tự do trong việc phát triển đất nước theo tầm nhìn và nhu cầu của họ, CTA nhận định trong báo cáo của mình. “Kể từ khi chiếm đóng, Trung Quốc đã và đang thỏa sức cướp bóc ở Tây Tạng: khai thác gỗ Tây Tạng, khai thác tài nguyên khoáng sản Tây Tạng, [và] xây đập và chuyển hướng các con sông Tây Tạng”.

Chính phủ lưu vong cho biết, người dân Tây Tạng liên tục bị buộc phải thể hiện lòng biết ơn đối với chính phủ Trung Quốc như một dân tộc thiểu số vui mừng vì nhận được sự giúp đỡ của Bắc Kinh. Bất kỳ người nào bị cho rằng không “thể hiện sự quy phục không chỉ được coi là một dấu hiệu của sự vô ơn mà còn là một tội phạm chính trị cần được chỉnh đốn với sự cưỡng ép và cải tạo”.

Trong khi đó, những tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng tiếng Tây Tạng trái ngược với những chính sách giáo dục bắt buộc dạy học trong lớp bằng tiếng Trung Quốc. Những sinh viên tốt nghiệp thiếu kỹ năng tiếng Trung ngày càng gặp nhiều cản trở trong các nghề nghiệp chuyên môn.

“Chính sách giáo dục được chính phủ Trung Quốc thực hiện không chỉ làm giảm việc sử dụng ngôn ngữ Tây Tạng mà còn nhằm mục đích xóa bỏ bản sắc Tây Tạng”, ông Tsering nói.

Theo báo cáo CTA, những lời quả quyết lặp đi lặp lại của Trung Quốc rằng Trung Quốc đã “giải phóng Tây Tạng một cách hòa bình” để xóa bỏ chế độ cai trị phong kiến và lạc hậu trái ngược với mức độ bạo lực của cuộc xâm lược và chiếm đóng của nước này.

“Trong thực tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc hoàn toàn không hòa bình chút nào. Thay vào đó, sự trỗi dậy đó ngập tràn bạo lực, với sự đàn áp ngày càng tăng ở Tây Tạng, Đông Turkestan, miền Nam Mông Cổ và bây giờ là Hồng Kông”, CTA cho biết.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button