Câu chuyện Nổi bật

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ đạt được những cam kết tham vọng hơn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Các nguyên thủ quốc gia, các chuyên gia và các nhà lãnh đạo trong khối xã hội dân sự sẽ hội họp tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của các Bên thuộc Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (Conference of the Parties – COP26) từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 12 tháng 11 năm 2021, để điều phối các hành động đối phó với biến đổi khí hậu.

“COP26 không phải là dịp để chụp ảnh hoặc hội thảo để trò chuyện. Đây phải là diễn đàn nơi chúng ta lèo lái thế giới đi đúng hướng trong việc giải quyết vấn đề khí hậu. Và điều này phụ thuộc vào những nhà lãnh đạo”, Chủ tịch được chỉ định của COP26, ông Alok Sharma, trong hình, đã phát biểu trong một cuộc họp của UNESCO ở Paris trước hội nghị thượng đỉnh ở Glasgow, Scotland, theo tin từ COP26. “Chính các nhà lãnh đạo đã hứa hẹn với thế giới tại thành phố vĩ đại này sáu năm về trước, và chính các nhà lãnh đạo phải giữ lời hứa của mình. Trách nhiệm thuộc về mỗi quốc gia, và tất cả chúng ta đều phải thực hiện vai trò của mình. Bởi vì xét về vấn đề khí hậu, sự thành công hay thất bại sẽ là chung cho cả thế giới”.

Theo The Associated Press (AP), cuộc họp ở Glasgow đang thu hút sự chú ý khi nó đến gần hơn, với hàng ngàn người tuần hành ở Brussels vào giữa tháng 10 để yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện các hành động quyết liệt hơn trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Theo AP đưa tin, mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh chính là để thực hiện điều đó bằng cách đạt được “những cam kết tham vọng hơn” từ những người tham dự, bao gồm một nỗ lực nhằm huy động tài chính để chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ tốt hơn môi trường sống tự nhiên và các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Hội nghị thượng đỉnh này đã diễn ra hàng năm kể từ năm 1995. Trong COP21 vào năm 2015, các đại biểu đã thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cam kết sẽ kìm hãm tốc độ nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C trong thế kỷ 21. Theo tờ The Washington Post, các đại biểu từ mỗi quốc gia đã ký vào Hiệp định Paris dự kiến sẽ tham dự COP26.

Những cuộc đối thoại để giải quyết những lo ngại về khí hậu của các nhà lãnh đạo thuộc các đảo Thái Bình Dương đã bắt đầu. Vào tháng 7 năm 2021, ông Sharma đã gặp các đại biểu từ Quần đảo Cook, Liên bang Micronesia, Quần đảo Marshall, Nauru, Niue, Palau, Quần đảo Solomon, Vanuatu và các đại diện khác thuộc khu vực Thái Bình Dương để thảo luận về những thách thức khí hậu mà các quốc đảo nhỏ phải đối mặt. Theo tin từ COP26, tuy nằm trong số các quốc gia phát thải khí nhà kính ít nhất thế giới, nhưng các quốc gia này phải đối mặt với một số những tác động cực đoan nhất của biến đổi khí hậu. Các đại biểu của khu vực Thái Bình Dương nhấn mạnh vai trò của đại dương này trong việc điều hòa nhiệt độ trên toàn cầu và nêu bật sự phụ thuộc của họ vào đại dương này trong các lĩnh vực văn hóa, sinh kế, an ninh lương thực và tính bền vững của các cộng đồng ven biển, theo COP26.

Theo một báo cáo của COP26, ông Zac Goldsmith, Bộ trưởng Bộ Thái Bình Dương và Môi trường của Vương quốc Anh, cho biết: “Chúng ta cần trợ giúp cho thiên nhiên với nguồn năng lượng tương tự như những gì chúng ta đã thấy trong cuộc cách mạng công nghệ sạch”. “Khi các chính phủ lên kế hoạch cho quá trình phục hồi kinh tế sau COVID-19, chúng ta có cơ hội trăm năm một lần để hòa hợp nền kinh tế của mình với thế giới tự nhiên và mang đến một tương lai xanh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn”.

Về phần mình, vào tháng 10 năm 2021 Hoa Kỳ đã vạch ra các kế hoạch cho mỗi cơ quan liên bang của mình — bao gồm Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ — trong việc thích ứng và giải quyết biến đổi khí hậu.

“Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa sống còn đối với an ninh của quốc gia chúng ta, và Bộ Quốc phòng phải hành động nhanh chóng và cương quyết trong việc đối mặt với thách thức này và chuẩn bị cho những thiệt hại mà không thể tránh khỏi”, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã phát biểu trong một tuyên bố, cam kết sẽ lồng ghép các cân nhắc về khí hậu vào các hoạt động, công tác lập kế hoạch và ra quyết định của quân đội — bao gồm cả đào tạo và trang thiết bị. “Ý định của chúng ta không phải chỉ là thích nghi với sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Chúng ta sẽ hợp tác với các quốc gia trên toàn thế giới để đối phó với mối đe dọa này”.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button