Các nhà phân tích: Lần phô diễn sức mạnh quân sự mới nhất của Bắc Triều Tiên được xem là cố tình để xin viện trợ
Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Các nhà phân tích cho rằng mặc dù nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thực hiện một loạt những hành động gây hấn trong tháng vừa qua, nhưng các hoạt động của ông này có thể chỉ là những động thái mới nhất trong các chiêu bài đàm phán của mình. Trên hết, ông Kim muốn các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế được giảm nhẹ và duy trì vũ khí hạt nhân, thứ mà có lẽ ông ta xem là con bài thương lượng hàng đầu của mình, họ cho biết.
Theo tin tức và báo cáo của cơ quan an ninh, những hành động khiêu khích mới nhất của ông Kim bao gồm việc sản xuất trở lại plutonium để dùng trong vũ khí cho bom hạt nhân, việc thử nghiệm một tên lửa hành trình tầm xa mới mà đã đi quãng đường dài 1.500 kilomet vào ngày 11 và 12 tháng 9 năm 2021 và việc thử nghiệm một tên lửa có thể phóng từ tàu hỏa và mang đầu đạn nguyên tử vào ngày 16 tháng 9. (Ảnh: Người dân ở Seoul, Hàn Quốc, xem một chương trình truyền hình chiếu hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở hạt nhân Yongbyon của Bắc Triều Tiên vào ngày 30 tháng 8 năm 2021. (Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Bắc Triều Tiên đã tiếp tục sản xuất nhiên liệu vũ khí tại nhà máy này và cũng đang mở rộng hoạt động làm giàu uranium tại tổ hợp này).
Tuy nhiên, có lẽ hành động gây hấn đáng lo ngại nhất xảy ra vào ngày 15 tháng 9 năm 2021, khi Triều Tiên phóng hai loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào Biển Nhật Bản, theo tin từ NBC News.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã chỉ trích vụ phóng tên lửa này là “vô cùng quá quắt” và cho rằng đây là một “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh” của khu vực. Ông nói:“Hành động này vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và tôi cực lực phản đối và lên án điều này”. “Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các quốc gia có liên quan khác để kiên quyết bảo vệ mạng sống của công dân của chúng tôi và đời sống hòa bình của họ”, ông Suga nói, theo CNBC.
Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (U.S. Indo-Pacific Command – USINDOPACOM) đã gọi các hoạt động của Triều Tiên là một nguy cơ đối với khu vực và các vùng xa hơn, đồng thời cam kết hợp tác với các đồng minh và quốc gia đối tác để tiếp tục theo dõi tình hình.
Cho đến các vụ thử tên lửa đạn đạo vào ngày 15 tháng 9, Bắc Triều Tiên đã duy trì lệnh cấm tự áp đặt đối với các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa trong hơn ba năm qua. Mặc dù ông Kim đã đồng ý nỗ lực để dỡ bỏ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên tại một hội nghị thượng đỉnh vào đầu năm 2019 với Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là ông Donald Trump, các cuộc đàm phán đã không tiến triển kể từ khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai kết thúc đột ngột vào cùng năm đó tại Hà Nội, Việt Nam, theo tin từ Reuters. Các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đã bị đình trệ trong những tháng gần đây.
Ông Leif-Eric Easley, phó giáo sư ngành quốc tế học tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, Hàn Quốc, đã nói với The Associated Press (AP) rằng các hoạt động thử nghiệm mới nhất của ông Kim chủ yếu nhằm “phát triển những năng lực quân sự nhưng cũng có thể là những nỗ lực nhằm củng cố tinh thần đoàn kết trong nước. “Bình Nhưỡng có thể tung ra một sự khiêu khích ngay cả trong tình trạng vô cùng khó khăn về kinh tế vì họ muốn che giấu những điểm yếu của mình và thu được những nhượng bộ từ bên ngoài”.
Tuy nhiên, theo Đài Á Châu Tự do (Radio Free Asia – RFA), các cuộc thử nghiệm có thể đang phản tác dụng ở trong nước, vì người dân bức xúc về việc chi tiêu cho những hoạt động phô diễn về quốc phòng, chẳng hạn như các cuộc thử nghiệm và diễu binh, trong khi người dân lại đang chết đói.
“Người dân đã chán ngấy, họ đặt câu hỏi làm sao chính quyền có thể làm những điều đó như thể họ không biết rằng nhiều người trong chúng tôi ở đây đang chết đói vì cuộc khủng hoảng kinh tế này”, một người dân ở Hamhung, Bắc Triều Tiên, nói với RFA. Hơn nữa, tên lửa là vô dụng nếu quân đội không cấp đủ lương thực cho binh sĩ, nguồn tin cho biết.
Ông Kim có thể đang sử dụng các vụ phóng tên lửa và những lời đe dọa để giành được viện trợ.
Theo một báo cáo của Viện Brookings vào tháng 2 năm 2021, “Đại dịch COVID-19, tình trạng cách ly và phong tỏa nước này tự áp đặt, mùa màng thất bát, các biện pháp trừng phạt và nhiều yếu tố khác nữa đã khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng bấp bênh, một thực tế được chính ông Kim Jong Un thừa nhận”. “Cơ chế lập kế hoạch của nhà nước có vẻ trục trặc, dự trữ ngoại hối giảm, khoản thu ngân sách của nhà nước đang tụt, những con số về giao dịch với nước ngoài đã sụp đổ và mức tăng trưởng đang suy giảm”, báo cáo có tiêu đề “Cuộc khủng hoảng kinh tế của Triều Tiên: Cơ hội cuối cùng để gỡ bỏ hạt nhân?” (“North Korea’s economic crisis: Last chance for denuclearization?”)
Những cuộc thử nghiệm cũng đã diễn ra trong vòng vài tuần sau một loạt các cuộc họp về Bắc Triều Tiên giữa nhiều nhóm quan chức Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ ở Tokyo và Seoul. Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên Sung Kim cho biết sau các cuộc thảo luận với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc rằng Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Bình Nhưỡng về những lo ngại nhân đạo “không kể đến sự tiến triển trong quá trình dỡ bỏ hạt nhân”, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin.
Ông Park Won-gon, giáo sư ngành Bắc Triều Tiên học tại Đại học Ewha Womans, nói với AP: “Chúng ta cần theo dõi thêm diễn biến của tình hình, nhưng có thể chúng ta đang đến gần một giai đoạn nữa trong chiến thuật “Bên miệng hố chiến tranh” của (Bắc Triều Tiên)”.
Trong lúc này, Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác của mình vẫn chuẩn bị sẵn sàng để đáp lại Bắc Triều Tiên với sức mạnh quân sự vượt trội hơn hẳn. USINDOPACOM cho biết trong một tuyên bố sau vụ thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên, “Cam kết của Hoa Kỳ về việc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn trước sau như một”. Hoa Kỳ duy trì khoảng 80.000 quân lính trên khắp Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong vòng vài giờ sau các vụ thử tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ bảy tự chế tạo một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (submarine-launched ballistic missile – SLBM) sau khi nước này tiến hành thành công một vụ phóng dưới nước bằng công nghệ của mình, theo Yonhap đưa tin. Các nhà phân tích cho biết, đây là một năng lực mà Triều Tiên chưa đạt được bất chấp những tuyên bố của nước này.
“Việc sở hữu SLBM có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo khả năng ngăn chặn chống lại các mối đe dọa từ nhiều hướng, và công nghệ này dự kiến sẽ đóng một vai trò lớn trong việc tự chủ về quốc phòng và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên trong tương lai”, văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết.
Cơ quan Phát triển Quốc phòng của Hàn Quốc cũng đã phát triển và thử nghiệm thành công một công nghệ phóng tên lửa trên không, một yếu tố thiết yếu cho vũ khí của máy bay chiến đấu, văn phòng của ông Moon cho biết.
Trong khi đó, Úc sẽ mua một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ một thỏa thuận đối tác mới với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Thỏa thuận này cũng sẽ tăng cường khả năng ngăn chặn trong khu vực.
HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS