Câu chuyện Nổi bật

Các nhà lãnh đạo Bộ tứ thúc giục về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, dè chừng Trung Quốc

Reuters

Các nhà lãnh đạo của Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã tuyên bố vào cuối tháng 9 năm 2021 là họ sẽ theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở “không chịu khuất phục trước sự ép buộc” tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của họ. Hội nghị này thể hiện một mặt trận đoàn kết trong bối cảnh những lo ngại chung về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

Cuộc họp kéo dài hai giờ tại Nhà Trắng của Bộ tứ, cái tên của nhóm gồm bốn nền dân chủ lớn, sẽ được theo sát ở Bắc Kinh, nơi đã chỉ trích nhóm này là “sớm muộn gì cũng sẽ sụp đổ”.

Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phát biểu trong một tuyên bố chung sau cuộc hội đàm: “Chúng tôi ủng hộ tinh thần thượng tôn pháp luật, quyền tự do di chuyển trên biển và bay qua vùng trời nước khác, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, các giá trị dân chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”. (Ảnh, từ trái sang: Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tham dự một cuộc họp của các nhà lãnh đạo Bộ tứ tại Nhà Trắng vào cuối tháng 9 năm 2021.)

Mặc dù không ai nêu đích danh Trung Quốc, nhưng rõ ràng Bắc Kinh là vấn đề được chú ý nhiều nhất.

Tuyên bố đã nhiều lần nhắc đến sự cương quyết của các nhà lãnh đạo Bộ tứ về cách hành xử tuân theo luật lệ trong một khu vực mà Trung Quốc đã và đang cố gắng diễu võ giương oai.

Họ nói: “Cùng nhau, chúng tôi cam kết một lần nữa với việc thúc đẩy trật tự tự do, cởi mở, dựa trên luật lệ, có cội rễ là luật pháp quốc tế và không chịu khuất phục trước sự ép buộc, để tăng cường an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và những vùng xa hơn”.

Các nhà lãnh đạo Bộ tứ cũng lên tiếng ủng hộ việc tăng cường khả năng chống chịu về kinh tế và môi trường của các quốc đảo nhỏ, đặc biệt là các quốc gia ở Thái Bình Dương.

Ngoài ra, họ đã kêu gọi Bắc Triều Tiên tham gia vào hoạt động ngoại giao về vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, điều mà Bình Nhưỡng đã từ chối thực hiện trừ khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ.

Sau cuộc họp, ông Suga nói với các phóng viên rằng các quốc gia đã đồng ý hợp tác về vắc-xin, năng lượng sạch và không gian vũ trụ, và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mỗi năm một lần.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết ông Modi đã nói với các nhà lãnh đạo Bộ tứ rằng đến cuối tháng 10 năm 2021 Ấn Độ sẽ cho phép xuất khẩu 8 triệu liều vắc-xin COVID-19 theo một thỏa thuận mà nhóm này đã đạt được vào tháng 3 năm 2021 để cung cấp 1 tỷ liều cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ấn Độ, nước sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu vào tháng 4 khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. Ấn Độ đã cho biết họ sẽ ưu tiên sáng kiến vắc-xin quốc tế COVAX và các quốc gia lân cận khi việc xuất khẩu được thực hiện trở lại.

Bộ tứ đã công bố một số hiệp ước mới, bao gồm tăng cường an ninh chuỗi cung ứng cho thiết bị bán dẫn, chống đánh bắt cá bất hợp pháp và tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải.

Nhóm này cũng đã triển khai một quan hệ đối tác về công nghệ 5G và các kế hoạch nhằm theo dõi biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo cho biết: “Ghi nhận vai trò của các chính phủ trong việc thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho việc đa dạng hóa 5G, chúng tôi sẽ cùng nhau tạo điều kiện cho hợp tác công tư và trong năm 2022 sẽ chứng minh khả năng mở rộng và an ninh mạng của công nghệ mở, dựa trên các tiêu chuẩn”.

Cuộc họp diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ công bố một hiệp ước an ninh mà sẽ cung cấp cho Úc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button