Câu chuyện Nổi bật

Các học giả: Trung Quốc dùng kế hoãn binh, điều chỉnh chiến lược về việc tham gia vào khu vực Bắc Cực

The Watch

Theo một số chuyên gia về Bắc Cực, khi nói đến hoạt động ở Bắc Cực, cách tiếp cận của Trung Quốc mềm mỏng hơn nhiều so với những chiến thuật mạnh bạo của nước này ở Biển Đông, nơi họ vẫn liên tục gây bất đồng với các quốc gia về quyền đối với lĩnh vực hàng hải và thường châm ngòi cho các cuộc tranh cãi về quyền tự do hàng hải.

Có rất nhiều lý do đằng sau những cách tiếp cận đối lập này. Gần đây, có hai học giả nhất trí rằng Trung Quốc phải đối mặt với một bầu không khí ngày càng phức tạp trong những cố gắng của nước này nhằm đóng góp vào Hội đồng Bắc Cực liên chính phủ, hợp tác với các quốc gia Bắc Cực và lập luận rằng tương lai của khu vực Bắc Cực là vấn đề an ninh quốc gia của Trung Quốc.

“Những gì chúng ta thấy ở Bắc Cực là một sự pha trộn ngày càng phức tạp của những biến động xuyên suốt về an ninh ở cấp độ toàn cầu và khu vực mà thể hiện ra ở Bắc Cực. Đối với Trung Quốc, điều này có nghĩa là việc lèo lái ở Bắc Cực đã trở nên khó khăn hơn”, Tiến sĩ Camilla T.N. Sorensen, phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chiến tranh, Trường Cao đẳng Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch, cho biết.

“Trung Quốc vẫn đang cố gắng dò đá để vượt sông”, Tiến sĩ Marc Lanteigne, phó giáo sư tại Đại học Bắc Cực của Na Uy, Tromso nói thêm. Ông cho rằng Trung Quốc “quả thực là một bên mới toanh” ở Bắc Cực. “Trung Quốc đang thực sự bắt đầu tập trung vào ý tưởng về cách Bắc Cực kết nối” với những ưu tiên chiến lược của mình.

Bà Sorensen và ông Lanteigne đã đưa ra những bình luận của họ vào giữa tháng 9 năm 2021 trong Arctic Academic eTalks, một diễn đàn trực tuyến được tổ chức hai tháng một lần về các vấn đề chính ảnh hưởng đến Bắc Cực. Những người tham gia bao gồm các học giả và chuyên gia đến từ Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Những cuộc tọa đàm được đồng tổ chức bởi Bộ Tư lệnh khu vực Miền Bắc Hoa Kỳ và tạp chí người chỉ huy, The Watch, Bộ Tư lệnh Châu Âu của Hoa Kỳ, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và Mạng lưới Quốc phòng và An ninh Bắc Mỹ và Bắc Cực.

Bà Sorensen đã thừa nhận rằng Trung Quốc là một cường quốc nhưng nói rằng các hoạt động của nước này ở Bắc Cực, đặc biệt liên quan đến Greenland, cho thấy một cách tiếp cận rụt rè hơn. Các hoạt động phát triển của Trung Quốc ở Greenland vẫn “tương đối khiêm tốn”. Bà ước đoán rằng Trung Quốc đang áp dụng “kế hoãn binh”, hành xử như một bên quan sát hơn là một bên tham gia để xem liệu Hoa Kỳ có thực hiện những lời hứa của mình với các quốc gia Bắc Cực hay không và điều đó so với những điều Trung Quốc mời chào thì như thế nào.

“Người Trung Quốc dường như không vội vã gì về việc có mặt ở Bắc Cực,” bà Sorensen nhận định. Bà gọi chiến lược của Trung Quốc là một sự rút lui về mặt chiến thuật. “Theo một cách nào đó, sự rút lui chiến thuật có thể là một chiến lược tinh vi hơn từ Trung Quốc mà nước này đang phát triển trong nhiều năm. Họ đang theo dõi diễn biến trong khu vực và điều chỉnh chiến lược của mình mà không phải chịu những rủi ro và thất bại lớn, không cân xứng. Bất cứ điều gì họ đã thử đều thất bại, vì vậy họ đang thực hiện kế hoãn binh này”.

Bà Sorensen cho biết chiến lược này khiến bà đặt câu hỏi về sự khác biệt giữa những gì bà gọi là hoạt động hỗn hợp của Trung Quốc trong khu vực và hoạt động bình thường. Bà Sorensen giải thích rằng Trung Quốc hoạt động với tính minh bạch thấp và các mối quan hệ phức tạp, chồng chéo giữa các tổ chức Trung Quốc. Sự mập mờ giữa các công ty nhà nước và tư nhân cũng như các trường đại học làm tăng thêm thách thức trong việc phân loại các hoạt động của Trung Quốc và đánh giá mức độ rủi ro liên quan đến sự tham gia của họ.

Bà Sorensen cho biết: “Đảng [Cộng sản Trung Quốc] rất sốt sắng và tham gia tích cực nhưng ở những mức độ khác nhau. Bạn luôn gặp khó khăn nếu muốn biết mình đang làm việc với ai và động cơ thúc đẩy phía sau là gì”.

Ông Lanteigne cho biết ông bắt đầu đặt câu hỏi về những lợi ích của Trung Quốc ở Bắc Cực cách đây một thập kỷ khi câu trả lời là Trung Quốc có thể đặt khu vực này làm một ưu tiên trong 20 đến 30 năm sau. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện các cuộc đối thoại sớm hơn thời điểm đó rất nhiều. Ông Lanteigne đã nhắc đến các cuộc thảo luận trong năm 2017 về cách tích hợp Bắc Cực vào chương trình cơ sở hạ tầng Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc đồng thời định nghĩa về Bắc Cực như một không gian quốc tế. Ông nói: “Trung Quốc vẫn đang cố gắng để làm rõ một số chi tiết cụ thể”. (Ảnh: Một chiếc thuyền đi qua những tảng băng trôi ở phía đông Greenland. Vì nhiệt độ ấm hơn làm tan băng, khu vực Bắc Cực đang được nhìn nhận với một tầm quan trọng mới về địa chính trị và kinh tế.)

Ông Lanteigne nói rằng về mặt địa lý, Bắc Cực dường như không phải là một ưu tiên chiến lược hợp lý cho Trung Quốc vì Trung Quốc đại lục cách Vòng Bắc Cực 1.500 kilomet, nhưng các quan chức Trung Quốc nói rằng khoảng cách không phải là vấn đề. “Họ không muốn bị gạt ra bên lề khu vực, và Trung Quốc đang nói, ‘Những gì đang xảy ra ở Bắc Cực đang ảnh hưởng đến chúng tôi, thời tiết của chúng tôi, những lợi ích kinh tế của chúng tôi. Vậy thì việc chúng tôi được tham gia về mặt nào đó chẳng phải là hợp lẽ hay sao’”?

Tuy vậy, vẫn còn những câu hỏi lơ lửng về việc một Trung Quốc tích cực hơn trong việc xác lập những hoạt động vì lợi ích quốc gia ở Bắc Cực có thể ảnh hưởng như thế nào đến những diễn biến chính trị, an ninh và quân sự trong khu vực này.

 

The Watch là một tạp chí quân sự được xuất bản bởi Bộ Tư lệnh khu vực Miền Bắc Hoa Kỳ.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button