Câu chuyện Nổi bật

Taliban hoan nghênh tiền từ Trung Quốc bất chấp tổn hại cho người Duy Ngô Nhĩ

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Đa số các chính phủ Hồi giáo ở Trung Á đã tránh lên án việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người Hồi giáo thiểu số khác ở Tân Cương không chỉ vì ảnh hưởng của Trung Quốc đã và đang tăng lên trong khu vực mà còn vì họ muốn những khoản đầu tư của Trung Quốc.

Taliban, khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan, đã có những tính toán chính trị và kinh tế tương tự như vậy. Theo Agence France-Presse đưa tin, trong một cuộc họp vào tháng 7 năm 2021 với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), các đại diện cấp cao của Taliban cam kết rằng để đổi lấy sự hỗ trợ kinh tế, họ sẽ không cho phép Afghanistan, quốc gia nằm ở điểm giao giữa khu vực Trung và Nam Á, trở thành một căn cứ cho các phiến quân tiến hành những cuộc tấn công xuyên biên giới vào Trung Quốc.

Ông Andrew Small, một nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ, nói với NPR rằng đây là một lời hứa hẹn mà Taliban dễ dàng thực hiện. “Trong một bức tranh toàn cảnh họ không quan tâm nhiều đến Tân Cương hoặc thẳng thắn ra mà nói thì họ cũng chẳng quan tâm đến người Duy Ngô Nhĩ cho lắm. Đơn giản đó không phải là mối quan tâm chính yếu”.

Trung Quốc đã và đang đi nước đôi ở khu vực Nam Á, xây dựng một mối quan hệ chiến lược với Pakistan, quốc gia hậu thuẫn lớn nhất cho Taliban. Trung Quốc từ lâu đã lo sợ rằng Afghanistan có thể trở thành một thành trì cho lực lượng ly khai Duy Ngô Nhĩ, tạo ra lợi thế lớn hơn cho Taliban so với Trung Quốc.

Đối với người Trung Quốc, “họ nhìn nhận quốc gia này như một mối đe dọa thực sự đáng kể, không chỉ ở Tân Cương, nơi họ có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, mà còn sợ rằng nước này có thể tiến đến và tấn công vào các khu vực khác của một Trung Quốc hùng mạnh hơn về kinh tế”, ông Rodger Baker, một nhà phân tích làm việc cho Stratfor Rane, một công ty chuyên về phân tích rủi ro, nói với NPR. Trung Quốc và Afghanistan có chung đường biên giới dài 76 kilomet.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không theo tôn giáo nào đã viện dẫn sự tồn tại của các nhóm tôn giáo cực đoan, và đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ, trên khắp Trung Á như một sự biện minh cho cách mà Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương. Theo tin tức từ báo chí, Trung Quốc đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác trong ít nhất vài năm qua tại hàng trăm trại giam trên khắp khu vực Tân Cương ở phía tây của Trung Quốc. (Ảnh: Các sĩ quan cảnh sát đứng bên ngoài trại giam lớn nhất của Trung Quốc vào tháng 4 năm 2021 ở Tân Cương, được gọi là Urumqi số 3, nơi có thể giam giữ hơn 10.000 tù nhân, theo The Associated Press).

Bất chấp những khác biệt về tư tưởng, chính phủ cộng sản Trung Quốc và Taliban, một nhóm Hồi giáo theo chủ nghĩa cơ yếu, đang tìm hiểu cách thức để hợp tác, theo báo chí đưa tin, mặc dù các nhà phân tích cho rằng mối liên kết này có thể là một sự sắp xếp tư lợi.

Ông Raffaello Pantucci, một cộng sự cấp cao tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia London, nói với Radio Free Europe/Radio Liberty: “Có rất nhiều hoài nghi về nhau trong mối quan hệ này. Nền tảng của sự hợp tác đó là mỗi bên xem bên kia như một phương tiện để đạt được mục đích của mình”.

Bằng cách bắt tay với Trung Quốc Taliban, chế độ trước đây đã cai quản Afghanistan như một tiểu vương quốc Hồi giáo, có thể thu được nhiều lợi lộc hơn ngoài lợi thế kinh tế. Ông Lin Minwang, một chuyên gia về Nam Á tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, nói với Reuters: “Khi một cường quốc châu Á như Trung Quốc thể hiện rằng họ công nhận tính chính danh về mặt chính trị của Taliban bằng cách hội họp với họ cởi mở như vậy, Trung Quốc đang mang lại cho Taliban một chiến thắng lớn về ngoại giao”.

Các nhà phân tích khác có cái nhìn u ám hơn về triển vọng của mối quan hệ này.

Rohan Gunaratna, một chuyên gia về khủng bố quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, dự đoán rằng Taliban sẽ lại hỗ trợ các phiến quân Duy Ngô Nhĩ, đặc biệt là khi họ trở về từ Syria.

“Taliban là bên hậu thuẫn chính của họ. Họ đã có một mối quan hệ rất thân thiết”, ông Gunaratna nói với tờ The Wall Street Journal. “Với việc rút quân của Hoa Kỳ, Taliban sẽ trở lại như trước đây vì hệ tư tưởng của Taliban chưa có thay đổi gì đáng kể. Afghanistan sẽ một lần nữa trở thành Disneyland của những kẻ khủng bố, nơi tất cả các nhóm khủng bố nước ngoài này sẽ tạo dựng một sự hiện diện đáng gờm”.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button