Các bài nổi bật

Sự Phát triển của Đội tàu

Quan sát Kỹ hơn về các Tàu Cá Trung Quốc Ngoài khơi Galapagos.

Tiến sĩ Tabitha Grace Mallory và Tiến sĩ Ian Ralby | Ảnh của Reuters

Một loạt phóng sự vào cuối tháng 7 năm 2020 đã đưa tin về việc phát hiện một đội tàu khổng lồ gồm các tàu đánh cá Trung Quốc trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Galapagos của Ecuador, dao động đến hơn 350 tàu trước khi đội tàu rời đi vào giữa tháng 10 để đánh bắt xa hơn về phía nam. Tuy nhiên, sự hiện diện của đội tàu đánh bắt xa bờ (distant-water fishing – DWF) Trung Quốc trong khu vực này đã gia tăng trong vài năm qua. Những lo ngại về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated – IUU) của đội tàu cũng đã tăng lên, xuất phát từ vụ bắt giữ tàu Fu Yuan Yu Leng 999 vào tháng 8 năm 2017, một tàu làm lạnh gắn cờ Trung Quốc bị phát hiện ở Galapagos với khoảng 3.000 tấn các loài quý hiếm, trên bờ vực tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng có mặt trên tàu, bao gồm 600 con cá mập.

Bằng cách sử dụng dữ liệu và thông tin từ Windward, một nền tảng tình báo hàng hải có khả năng dự đoán, phân tích của chúng tôi xem xét cách mà hiện tượng đánh bắt cá này đã chuyển biến theo thời gian và ai đứng sau nỗ lực đánh bắt thủy sản ngày càng quyết liệt này. Hoạt động đánh bắt này là kết quả của chiến lược thủy sản toàn cầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), bao gồm các khoản trợ cấp hào phóng được cung cấp cho ngành này. Chúng tôi xem xét mức độ mà Trung Quốc có thể đang tham gia vào hoạt động đánh bắt cá IUU và lập luận rằng mặc dù chính phủ Trung Quốc đã chuyển sang cắt giảm các hoạt động đánh bắt cá IUU, một số thách thức vẫn còn tồn tại. Mặc dù đội tàu có vẻ chủ yếu là hoạt động hợp pháp, một số hành vi thể hiện các trường hợp ngoại lệ. Hơn nữa, cho dù có bất kỳ sự tuân thủ kỹ thuật nào với các luật và quy định hiện hành, một số hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc vẫn được xếp vào các nhóm hoạt động không được báo cáo và không theo quy định và đáng được xem xét cẩn thận về mức độ bền vững của những hoạt động đó.

SỰ CHÚ Ý MỚI, NHƯNG KHÔNG MỚI

Dữ liệu từ Windward giúp trực quan hóa hoạt động của đội tàu Trung Quốc qua thời gian và thể hiện rằng sự hiện diện của các tàu đánh cá Trung Quốc trong vùng biển xung quanh vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone – EEZ) 370 kilomet của Galapagos đã tăng lên trong vài năm qua. Vào năm 2015, hầu như không có hoạt động đánh bắt cá nào của Trung Quốc ở Galapagos và các vùng biển bên ngoài EEZ của quần đảo này. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016, điều đó đã thay đổi một cách chóng mặt. Ví dụ, vào tháng 8 năm 2016, 191 tàu mang cờ Trung Quốc đã đánh bắt ở khu vực rộng hơn quanh Galapagos — hoàn toàn trái ngược với một tàu Trung Quốc duy nhất đã bị phát hiện ở khu vực đó trong cùng tháng vào năm 2015. Con số đã tăng lên kể từ đó, dao động theo các mùa đánh bắt thủy sản. Trong suốt năm 2017, trong ba tháng có hơn 200 tàu đánh cá trong khu vực, đạt đỉnh là 263 tàu vào tháng 7. Vào năm 2018, có bốn tháng liên tiếp — từ tháng 5 đến tháng 8 — có trên 200 tàu Trung Quốc đánh bắt trong khu vực này, và tháng 12 có 193 tàu. Đỉnh điểm năm đó là 286 tàu vào tháng 6. Trong năm 2019, có năm tháng với hơn 200 tàu, còn tháng 6 và tháng 7 lần lượt có 197 và 130 tàu. Đỉnh điểm trong năm 2019 là tháng 9, với 298 tàu (Hình 1).

Hiện tượng này giờ đây đã trở nên quá quắt hơn, với bốn tháng trong năm 2020 có hơn 200 tàu, trong đó có hai tháng với hơn 300 tàu. Trong tháng 7 năm 2020, có 342 tàu Trung Quốc đánh bắt trong khu vực, trong tháng 8 có 344 tàu và tháng 9 có 295 tàu.

Để hiểu rõ hơn về sự gia tăng khủng khiếp này trong mức độ hoạt động, điều quan trọng là phải hiểu các chính sách thúc đẩy ngành đánh bắt cá của Trung Quốc.

TÌM HIỂU CHIẾN LƯỢC ĐÁNH BẮT CÁ TOÀN CẦU CỦA TRUNG QUỐC 

Nhờ khả năng tổng hợp dữ liệu của Windward, nên chúng tôi có thể nghiên cứu một số chi tiết đằng sau đội tàu khổng lồ này. Từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2020, 364 tàu Trung Quốc trong khu vực đã phát tín hiệu trên hệ thống thông tin tự động (automated information system – AIS). Theo Công ước An toàn cho Sinh mạng trên Biển (Safety of Life at Sea Convention), các tàu có tổng trọng lượng trên 300 tấn hoạt động ở phạm vi quốc tế phải được trang bị AIS và bật hệ thống này lên. Do đó, có thể đã có hơn 364 tàu vì một số tàu có thể đã có mặt nhưng ở tình trạng “tối” và do đó không thể bị phát hiện qua AIS. Việc xem xét 364 tàu đó hé lộ những hiểu biết có giá trị về quyền sở hữu và tỉnh xuất xứ của chúng. Không kể đến một vài tàu không rõ quyền sở hữu, 55 công ty sở hữu đội tàu này trên giấy tờ, mặc dù một số có địa chỉ giống hệt nhau, cho thấy rằng có thể có ít hơn 55 chủ sở hữu có quyền hưởng lợi.

Các tàu ngoài khơi quần đảo Galapagos là một phần trong đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc. Các tàu này hoạt động trong các khu vực nằm ngoài quyền pháp lý của các quốc gia — hay là “vùng biển ngoài khơi” theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS) — và trong các EEZ của nước sở tại trên cơ sở các thỏa thuận song phương về quyền tiếp cận ngư trường. Trung Quốc đã chính thức báo cáo 2.701 tàu đánh bắt xa bờ trong năm 2019 và 159 doanh nghiệp đánh bắt xa bờ trong năm 2017.

Đội tàu quanh quần đảo Galapagos là kết quả của những thay đổi rõ rệt trong chính sách đánh bắt cá của Trung Quốc. Từ khi ngành công nghiệp đánh bắt xa bờ của Trung Quốc đi vào hoạt động vào năm 1985 cho đến giữa thập niên 2010, chiến lược của Trung Quốc là mở rộng đội tàu và tăng lượng thủy sản đánh bắt được. Tuy nhiên, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của ngành thủy sản Trung Quốc — kế hoạch gần đây nhất — chiến lược đã chuyển từ tập trung vào việc mở rộng thành nâng cấp và củng cố ngành này. Trung Quốc đặt mục tiêu có khả năng kiểm soát lớn hơn đối với toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu thu hoạch, vận chuyển và cập bến, đến chế biến và phân phối và cuối cùng là thị trường bán lẻ. Song song với sự thay đổi này, do Trung Quốc nâng cấp công nghệ tàu để chế biến và lưu trữ cá tốt hơn, nước này đặt mục tiêu chuyển nhiều hơn lượng cá bắt được trên các tàu đánh bắt xa bờ để bán trên thị trường nội địa của Trung Quốc. Trung Quốc đã và đang xây dựng cơ sở hạ tầng cảng trong nước cho hoạt động phân phối hải sản này. Trong năm 2018, nước này đã chuyển 65% số cá bắt được về quê nhà, tăng từ 49% trong năm 2009.

Đồng thời, Trung Quốc đã tránh giảm mức độ phụ thuộc vào lượng thủy sản đánh bắt được từ các EEZ khác và chuyển sang đánh bắt cá ở vùng biển ngoài khơi vì các nước sở tại đã lo ngại hơn về việc đánh bắt không bền vững bởi các đội tàu nước ngoài trong vùng biển của họ và chi phí đã tăng lên. Mặc dù một số vùng biển ngoài khơi được giám sát bởi các tổ chức quản lý nghề cá trong khu vực (regional fisheries management organization – RFMO), nhưng không có cơ quan quản lý toàn diện nào phụ trách việc đánh bắt cá ở vùng biển ngoài khơi với phạm vi toàn cầu. Khi các vùng biển ngoài khơi ngày càng chịu sự quản lý chắp vá của RFMO, hạn ngạch đánh bắt cá có thể được phân phối cho các đội tàu đã đánh bắt cá từ lâu trong khu vực. Một báo cáo của lực lượng đặc nhiệm được công bố vào năm 2010 bởi chính phủ, ngành nghề và các học giả Trung Quốc đã lập luận rằng các quốc gia có lịch sử lâu hơn trong việc sử dụng đại dương có nhiều quyền lực hơn trong việc quyết định cách phân phối những nguồn tài nguyên và do đó nhận được một phần lớn hơn của những tài nguyên đó — “chiếm giữ mang đến quyền và lợi ích”. Theo các xu hướng này, đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc đã đánh bắt 66% lượng cá của mình
từ vùng biển ngoài khơi trong năm 2017, so với 43% trong
năm 2010.

Khoản đầu tư của Trung Quốc vào chiến lược này được phản ánh bởi các tỉnh sở hữu những tàu này. Trong số 364 tàu bị phát hiện khi đang hoạt động bên ngoài Galapagos vào tháng 7 và tháng 8 năm 2020, không thể xác định rõ ràng mối liên kết của 92 tàu với một chủ sở hữu cụ thể. Trong số 272 tàu còn lại, 188 tàu thuộc tỉnh Chiết Giang. Do các tàu Trung Quốc thuộc sở hữu của cùng một công ty có xu hướng có tên thống nhất và được phân biệt bởi các số khác nhau, có khả năng là 50 tàu không có tên công ty cũng là từ Chiết Giang vì sự tương đồng trong tên của những tàu đó. Do đó, hai phần ba (238) tàu cá có khả năng đến từ Chiết Giang. Trong số còn lại, 46 tàu đến từ tỉnh Sơn Đông, cộng với 19 tàu nữa có nhiều khả năng đến từ Sơn Đông, tổng cộng là 65 tàu, tức là 18% (Hình 2).

Không phải ngẫu nhiên mà Chiết Giang và Sơn Đông là hai tỉnh nhà của 83% tàu trong đội. Đây là những tỉnh nhận được số tiền nhiều nhất trong ít nhất một chương trình trợ cấp cho hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ, mỗi tỉnh nhận được khoảng 2,1 tỷ nhân dân tệ (324,6 triệu đô la Mỹ) từ chính quyền trung ương từ năm 2018 đến 2019. Tỉnh nhận số tiền lớn thứ ba, tỉnh Phúc Kiến, là tỉnh sở hữu số lượng tàu đánh cá lớn tiếp theo, đã nhận được 1,181 tỷ nhân dân tệ (182,5 triệu đô la Mỹ) tiền trợ cấp của chính phủ trong cùng kỳ. Ba tỉnh này cũng là những tỉnh sản xuất nhiều nhất trong tổng sản lượng đánh bắt xa bờ chính thức của Trung Quốc, với con số là 2,257 triệu tấn trong năm 2018 (Hình 2 và 3).

Khi Trung Quốc hướng tới mục tiêu ngày càng đưa nhiều lượng thủy sản đánh bắt được trên khắp thế giới về quê nhà, ba tỉnh này cũng là vị trí của ba cảng mới hoặc được lên kế hoạch dành làm bến đổ cho lượng cá đánh bắt xa bờ. Chiết Giang mang về phần lớn nhất trong tổng lượng thủy sản đánh bắt xa bờ của Trung Quốc (24% trong năm 2018). Do đó, vào năm 2015, cảng cá đánh bắt xa bờ cấp quốc gia đầu tiên đã được đề xuất cho Chu San, Chiết Giang. Trung tâm Đánh bắt xa bờ Quốc gia Chu San, được hỗ trợ bởi nguồn vốn của chính phủ, đóng vai trò quảng bá hải sản đánh bắt xa bờ đến thị trường nội địa, với cơ sở hạ tầng cảng đáp ứng việc cập cảng của 1.300 tàu cá, cơ sở chế biến và lưu trữ, thông lượng cho 1 triệu tấn thủy sản hàng năm và một trung tâm đóng tàu. Mực là loài chính được đổ tại cảng, dưới sự điều phối của Trung tâm Thương mại Mực Đánh bắt xa bờ Trung Quốc.

Sơn Đông, nhà sản xuất lớn thứ ba của nước này trong tổng lượng thủy sản đánh bắt xa bờ (20% trong năm 2018), là nơi có cảng thứ hai, Trung tâm Đánh bắt xa bờ Quốc gia Shawodao, được phê duyệt thi công vào năm 2016 tại thành phố Vinh Thành (Rongcheng). Với các cơ sở hỗ trợ tương tự, Shawodao sẽ có khả năng neo đậu 1.000 tàu cá và xử lý việc buôn bán 600.000 tấn hải sản, bao gồm mực và cá ngừ. Phúc Kiến, nơi có nhóm tàu đánh bắt xa bờ đầu tiên của Trung Quốc và là tỉnh sản xuất hải sản đánh bắt xa bờ lớn thứ hai (21% trong năm 2018), sẽ là địa điểm xây cảng thứ ba, Trung tâm Đánh bắt xa bờ Quốc gia Phúc Châu (Liên Giang) tại thành phố Phúc Châu, đã được phê duyệt thi công vào năm 2019.

Các thay đổi về đường hướng trong những chính sách về đánh bắt xa bờ của Trung Quốc cũng được phản ánh trong dữ liệu về thương mại và lượng thủy sản. Nhập khẩu mực của Trung Quốc từ Argentina và Peru đã giảm (Hình 4), trong khi sản lượng đánh bắt của nước này lại tăng, có lẽ vì Trung Quốc đã quyết định đánh bắt mực thông qua đội tàu đánh bắt xa bờ của mình. Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, sản lượng đánh bắt mực của Chiết Giang đã tăng từ 69.000 tấn trong năm 2009 lên 356.000 tấn trong năm 2018, trong khi sản lượng đánh bắt mực của Sơn Đông đã tăng từ 21.000 tấn lên 102.000 tấn trong cùng kỳ.

ĐÁNH BẮT CÁ IUU TRONG VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ GALAPAGOS? 

Ngay cả việc trực quan hóa một phần trong các hoạt động đánh bắt cá vào tháng 7 và tháng 8 năm 2020 làm sáng tỏ nhiều điều về một số khía cạnh. Dựa trên phân tích thuật toán của Windward về dữ liệu AIS, mỗi dấu chấm trên hình ảnh bên dưới thể hiện một tàu đánh cá Trung Quốc trong khoảng thời gian đó (Hình 5).

Không có dấu chấm nào xuất hiện trong EEZ của Galapagos, rìa của khu vực đó được vẽ ra gần như hoàn hảo bởi các chấm. Điều này nhất quán với những lời phát biểu của Tổng thống Ecuador Lenin Moreno trên Twitter, cụ thể là trọng tâm của nước ông là bảo vệ EEZ.

Đội tàu Trung Quốc không được phép đánh bắt cá trong EEZ của Ecuador, và, trong chừng mực mà dữ liệu AIS thể hiện, đội tàu này dường như chỉ ở vùng biển ngoài khơi chứ không phải trong EEZ.

Điều này trái ngược với hành vi trong quá khứ. Ví dụ, hãy xem hình ảnh trực quan hóa các hoạt động vào tháng 7 và tháng 8 năm 2017, khi các tàu Trung Quốc đánh bắt trong EEZ Galapagos (Hình 6). 

Các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp này lên đến đỉnh điểm với sự xuất hiện của tàu Fu Yuan Yu Leng 999 trong EEZ vào ngày 12 tháng 8 năm 2017. Ba ngày sau, con tàu này bị bắt giữ, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn cuối cùng bị kết án bốn năm tù và bị phạt 140 tỷ đồng (6,1 triệu đô la Mỹ). Các đơn vị vận hành có thể đã tin rằng tàu chở hàng đông lạnh, không giống như một tàu đánh cá, thì sẽ ít có khả năng bị phát hiện, chưa nói đến bị bắt giữ vì sự tham gia của nó vào hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Tuy nhiên, như đã đưa tin, tàu chở hàng này khi đó đang chuyển lượng hải sản đánh bắt bất hợp pháp từ các tàu đánh cá “tối” trên biển, tuy rằng các thủy thủ của các tàu đánh cá này không bị bắt giữ và bị truy tố vì các hoạt động bất hợp pháp của họ (Hình 7).

Xét từ hoạt động AIS và phản ứng chính sách của Trung Quốc, sự việc này đã khiến đội tàu Trung Quốc thận trọng hơn. Trung Quốc đã lập ra một danh sách đen cho đánh bắt cá IUU vào cuối năm 2017, xóa bỏ một số khoản trợ cấp để trừng phạt các tàu bị bắt quả tang khi đang đánh bắt cá IUU, thiết lập một trung tâm đào tạo và tuân thủ quy định đánh bắt xa bờ và giới hạn đội tàu ở mức 3.000 tàu. Vào tháng 2 năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã sửa đổi các quy định đánh bắt xa bờ của mình, chính thức hóa việc cấm đánh bắt cá IUU và kêu gọi các tàu giữ vùng đệm xung quanh các khu vực bị cấm. Mặc dù các quy định không định rõ kích thước của vùng đệm, một thông báo tiếp theo về an toàn khi đánh bắt xa bờ đã xác định kích thước này là 1,85 kilomet.

Đánh bắt IUU ở Vùng biển Ngoài khơi?

Tuy rằng đội tàu dường như không đánh bắt cá trái phép ở vùng EEZ Galapagos, các tàu phải tuân theo những quy định của RFMO mà chi phối việc đánh bắt cá ở vùng biển ngoài khơi. Đánh bắt cá ngừ trong khu vực này được quản lý bởi Ủy ban Cá ngừ Nhiệt đới Liên Mỹ (Inter-American Tropical Tuna Commission – IATTC), một RFMO mà Trung Quốc là thành viên. IATTC đặt ra hạn ngạch hàng năm cho các loài cá ngừ và giữ danh sách các tàu đánh bắt và vận chuyển đã đăng ký, cũng như các tàu bị phát hiện đang thực hiện đánh bắt IUU. Trung Quốc có 415 tàu đánh bắt cá ngừ bằng dây câu dài đã đăng ký với IATTC. Trong số 364 tàu đánh cá bên ngoài EEZ Galapagos trong tháng 7 và tháng 8 năm 2020, chỉ có một tàu được đăng ký với IATTC.

Phần lớn đội tàu này nằm trong thẩm quyền pháp lý của Tổ chức Quản lý Thủy sản Khu vực Nam Thái Bình Dương (South Pacific Regional Fisheries Management Organization – SPRFMO). Tổ chức này kiểm soát các loài ở vùng biển ngoài khơi ngoài cá ngừ, chẳng hạn như cá thu và giờ đây là mực. Trong số 363 tàu đánh cá bên ngoài EEZ Galapagos mà không được đăng ký với IATTC, tất cả ngoại trừ 16 tàu đã được đăng ký với SPRFMO. Là một trong những RFMO non trẻ, được thành lập vào năm 2012, phạm vi các loài mà cơ quan này quản lý vẫn đang tăng thêm. Trung Quốc bắt đầu đánh bắt cá thu với 15 tàu vào năm 2003 sau khi tiến hành các nhiệm vụ đánh bắt thăm dò vào năm 2001 và 2002. Sản lượng đánh bắt cá thu của Trung Quốc tăng từ 14.000 tấn vào năm 2005 lên 61.229 tấn vào năm 2018, trong đó tỉnh Sơn Đông chiếm 65%, tiếp theo là tỉnh Chiết Giang với 24%.

Bộ quy định có quy mô lớn đầu tiên về mực ở vùng biển ngoài khơi đã được đưa ra vào năm 2020. SPRFMO đã ban hành các biện pháp để kiểm soát việc đánh bắt mực ống lớn, có hiệu lực vào năm 2021. Cho đến lúc đó, việc đánh bắt mực của Trung Quốc không phải là bất hợp pháp mà là không được báo cáo, và Trung Quốc có thể đã cố gắng để thiết lập đội tàu đánh bắt cá lớn nhất có thể và lợi dụng tình trạng thiếu quy định. Cũng trong năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng lệnh cấm đánh bắt thủy sản đầu tiên ở vùng biển ngoài khơi, bao gồm khu vực tiếp giáp với Galapagos. Điều này cho thấy Trung Quốc nhận ra rằng mức độ đánh bắt của đội tàu nước mình không bền vững đến mức làm suy yếu lợi ích lâu dài của chính mình.

Xét cho cùng, 700 tàu trong số 1.135 tàu đã được đăng ký với SPRFMO, tương đương với 62%, được gắn cờ Trung Quốc. Hai đội tàu lớn tiếp theo có số lượng lần lượt là 127 và 99 tàu, treo cờ Panama và Peru.

Những Thách thức Còn lại

Mặc dù đội tàu Trung Quốc dường như đã tránh đánh bắt cá bất hợp pháp trong EEZ Galapagos và đa số được đăng ký với các RFMO liên quan, người ta vẫn có lý do để lo ngại. Tàu có thể tắt bộ tiếp sóng AIS và chuyển sang tình trạng tối. Có những lo ngại về việc các tàu Trung Quốc chuyển sang treo cờ các nước khác và các vấn đề về chuyển lượng hải sản đánh bắt được sang tàu khác. Tàu có tên giống nhau và những thay đổi trong các thông số đo lường được báo cáo của tàu làm tăng những thách thức trong công tác thực thi pháp luật. Cuối cùng, ngay cả khi việc đánh bắt được tiến hành một cách hợp pháp, thì cũng không nhất thiết rằng hoạt động này đảm bảo được tính bền vững.

Đội tàu Trung Quốc có thể đã làm một trong ba điều để tránh vi phạm pháp luật hoặc tránh tạo ấn tượng là mình vi phạm pháp luật:

Ở ngay bên ngoài EEZ.

Chỉ cử tàu tối vào EEZ.

Sử dụng các tàu không mang cờ Trung Quốc để đánh bắt trong EEZ và chuyển lượng thủy sản bắt được sang tàu khác ở vùng biển ngoài khơi.

Bằng cách tập trung rất nhiều tàu bật AIS bên ngoài EEZ, cách tiếp cận ở đây có thể là đánh lạc hướng sự chú ý vào những cuộc xâm nhập của tàu tối vào vùng biển của Galapagos hoặc che giấu việc chuyển thủy sản từ tàu này sang tàu kia khi có các tàu khác ngay trước mặt. Hình ảnh các hoạt động đánh bắt cá trong tháng 7 và tháng 8 năm 2020 khi nhìn vào tất cả các tàu, không chỉ của Trung Quốc, cho thấy 554 tàu đánh bắt cá, nhiều tàu trong EEZ (Hình 8).

Phân tích dữ liệu cho thấy thêm rằng 363 trong số những tàu này tham gia vào các hoạt động đánh bắt cá và gặp gỡ một tàu khác, gợi ra hoạt động chuyển tàu hoặc tiếp nhiên liệu cho tàu. Không có gì đáng ngạc nhiên, hầu hết các cuộc gặp tàu là Trung Quốc với Trung Quốc hoặc Ecuador với Ecuador. Không tính đến các cuộc gặp đó, và loại thêm cả tàu chở khách, thì chỉ còn 20 tàu đáng chú ý. Phần lớn trong số đó là tàu thuộc sở hữu của Trung Quốc và gắn cờ Panama, và hầu hết là tàu chở hàng đông lạnh — loại tàu được sử dụng để vận chuyển cá.

‘Tàu chở hàng đông lạnh’

Hành vi của các tàu chở hàng đông lạnh cho thấy đội tàu có thể đã rút ra bài học từ kinh nghiệm của tàu Fu Yuan Yu Leng 999. Ví dụ, tàu He Tai thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc có cùng địa chỉ với công ty Trung Quốc điều hành con tàu này. Địa chỉ này nằm trong cùng khu vực với các công ty khác mà sở hữu và điều hành một số tàu mang cờ Trung Quốc trong đội. Tàu He Tai được treo cờ Panama và chưa bao giờ đi vào vùng đặc quyền kinh tế Galapagos. Tuy nhiên, con tàu này đã gặp gỡ 25 trong số 364 tàu Trung Quốc đang đánh bắt ở khu vực đó, trong số đó gặp hai con tàu hai lần (Hình 9). Mặc dù không hẳn là bất hợp pháp, nhưng việc treo cờ nước khác thường được xem là một cách để tìm các tiêu chuẩn thấp hơn cho hoạt động đánh bắt cá. Trung Quốc đã công bố các biện pháp mới để kiểm soát hoạt động trung chuyển cá trên vùng biển ngoài khơi, mặc dù không rõ liệu những biện pháp này có quản lý hoạt động trung chuyển sang các tàu mang cờ của các quốc gia khác
hay không.

Các ví dụ khác gợi ra những vấn đề về tàu tối và thông số đo lường được thay đổi của tàu. Ví dụ như tàu Ming Hang 5, một tàu chở hàng đông lạnh treo cờ Hồng Kông mà đã gặp đội tàu cá Trung Quốc 42 lần vào tháng 7 và tháng 8 năm 2020. Các kiểu hành vi này thể hiện hoạt động đáng ngờ. Vào ngày 13 tháng 7, tàu Minh Hang 5 đã gặp sáu tàu trong đội tàu Trung Quốc và thay đổi mớn nước của mình ba lần từ 0,0 lên 6,8 và trở lại 0,0 rồi lại 6,8 — một chiến thuật cho thấy những nỗ lực nhằm che giấu mớn nước thực sự của tàu và bất kỳ thay đổi nào đối với mớn nước phát sinh từ việc đánh bắt hoặc trung chuyển cá. Hơn nữa, sau sáu lần gặp gỡ, nó đã đổi hướng đi. Xem xét kỹ những lần gặp gỡ đó cho thấy tàu Gang Tai 8 đã tối trong bốn ngày trước khi gặp tàu Ming Hang 5, và Ming Zhou 622 đã tối trong 10 tiếng đồng hồ của ngày trước đó. Tương tự như vậy, vào ngày 30 tháng 7, tàu Ming Hang 5 đã thay đổi mớn nước của mình giữa mức 0,0 và 6,8 năm lần và đã có một cuộc gặp kéo dài 14 giờ với tàu Fu Yuan Yu 7875, tàu này đã tối trong 13 giờ của ngày hôm trước (Hình 10). Tàu Fu Yuan Yu 7875 có cùng chủ sở hữu với tàu Fu Yuan Yu 7862, là tàu cuối cùng được biết đã gặp tàu Fu Yuan Yu Leng 999 trước khi tàu này bị bắt giữ vào tháng 8 năm 2017.

Như Hình 10 cho thấy, tàu Ming Hang 5 đã đi vào vùng EEZ Galapagos từ ngày 10 đến ngày 11 tháng 7. 

Ngay trước khi đi vào EEZ vào sáng ngày 10 tháng 7, nó đã thay đổi chiều dài đăng ký từ 172 mét thành 150 mét. Tối hôm đó, nó đã thay đổi mớn nước từ Không Áp dụng thành 6,8 và chiều dài của nó trở lại là 172 mét. Hai giờ sau, nó thay đổi mớn nước từ 6,8 còn 0,0 và chiều dài của nó còn 150 mét. Chưa đầy một giờ sau — ngay sau nửa đêm — nó đã thay đổi mớn nước thành 6,8 và chiều dài thành 172 mét. Việc đổi tới đổi lui này tiếp tục thêm vài lần nữa trước khi con tàu này rời khỏi vùng EEZ. Lối hành xử khó hiểu của tàu Ming Hang 5, cùng với những thay đổi mớn nước thất thường khác, thể hiện một nỗ lực nhằm làm nhiễu loạn thông tin về hoạt động và mục đích mà nó nhắm đến. Xem xét con tàu chị em của nó, có cùng chung một chủ, ta thấy một so sánh thú vị. Tàu Ming Hang 7 đã có 54 cuộc gặp với đội tàu Trung Quốc trước khi tiến về Trung Quốc với 119% sức chứa hàng hóa của tàu tính theo trọng tải. Nói cách khác, mặc dù không ghé vào bất kỳ cảng nào, nhưng nó đã đầy tràn, cho thấy rõ ràng hoạt động trung chuyển thủy sản đã xảy ra.

Kiểu hoạt động này tương tự như một số tàu chở hàng đông lạnh khác. Tàu Yong Hang 3 liên tục thay đổi mớn nước của mình giữa hai thông số là 6,5 và 0,0, khiến người ta không thể xác định được 19 cuộc gặp với đội tàu Trung Quốc có ảnh hưởng như thế nào đến mớn nước thực tế của nó. Tàu Shen Ju đã ở trong khu vực này từ tháng 4 năm 2020 và liên tục thay đổi mớn nước của mình giữa mức 7,8 và 0,0, khiến người ta không thể xác định được ảnh hưởng của 55 cuộc gặp giữa tàu này với đội tàu. Tàu Shun Ze Leng 6 chỉ lấy tên đó khi nó thay đổi quyền sở hữu vào ngày 29 tháng 3 năm 2020. Sau đó, nó chưa lần nào ghé vào cảng mà đã gặp gỡ 50 lần với đội tàu Trung Quốc và thêm một nửa mét mớn nước trước khi quay trở lại Trung Quốc với 83% công suất theo trọng tải. Tàu Yong Xiang 9 đã ở trong khu vực từ tháng 4 năm 2020 mà không ghé vào cảng, gặp gỡ với đội tàu 18 lần trước khi quay trở lại Trung Quốc.

Tất cả những điều này chỉ ra một nỗ lực có hệ thống nhằm trung chuyển thủy sản đánh bắt được ở vùng biển ngoài khơi để đưa về Trung Quốc. Các chiến thuật tung hỏa mù có thể là sự pha trộn giữa lo ngại về tổn hại danh tiếng và không biết chắc về luật pháp được áp dụng.

TÀU CHỞ DẦU

Trong số 20 tàu chở hàng đông lạnh, có sáu chiếc là tàu chở dầu. Một tàu không xác định được, cho thấy nó đã hoạt động bất hợp pháp, mặc dù nó chỉ gặp gỡ các tàu trong đội tàu Trung Quốc hai lần, cả hai lần đều với tàu Lu Rong Yuan Yu 939. Tàu B. Pacific, chỉ gặp một lần, là tàu chở dầu chị em của tàu B. Atlantic, có tiếng về dịch vụ tiếp nhiên liệu trong Vịnh Guinea. Điều thú vị là, cuộc gặp gỡ đó là với tàu Fu Yuan Yu 7876, tàu chị em với 7875 và 7862. Tàu Hai Soon 26 đã tham gia vào tám cuộc gặp nhưng chỉ tiến vào khu vực này vào cuối tháng 8 năm 2020 và rời đi vào đầu tháng 9, cho thấy tàu đó có lẽ đã lợi dụng tình huống tập trung nhiều tàu để tiếp nhiên liệu. Ngược lại, ba tàu chở dầu còn lại — Hai Xing (39 lần gặp), Hai Gong You 303 (69 lần gặp) và Ocean Splendid (89 lần gặp) — tất cả dường như đã có mặt trong khu vực này để chuyên phục vụ không chỉ đội tàu Trung Quốc mà cả các tàu chở hàng đông lạnh như Shun Ze Leng 6 dường như đã nhận hàng trung chuyển từ các tàu đánh cá. Mặc dù việc tiếp nhiên liệu như vậy không phải là bất hợp pháp, nhưng điều đó cho thấy mức độ của hoạt động này vì việc duy trì đội tàu của Trung Quốc trên biển đòi hỏi phải có nhiều loại tàu dịch vụ, bao gồm cả tàu chở dầu.

TÀU CÙNG TÊN

Một cách thức vận hành đáng ngờ khác là việc sử dụng cùng một tên cho các tàu khác nhau, điều này có thể khiến việc ngăn cấm trở nên khó khăn hơn bằng cách tạo điều kiện cho các tàu này đổ trách nhiệm cho nhau. Một ví dụ thú vị là tàu Zhou Yu 921 mang cờ Vương quốc Anh, không nên nhầm lẫn với tàu Zhou Yu 921 mang cờ Trung Quốc, thuộc đội tàu Trung Quốc. Tàu Anh dài 33 mét, còn tàu Trung Quốc dài 51 mét. Mặc dù không thể xác minh chủ sở hữu tàu của Anh, nhưng có lý do thuyết phục để nghi ngờ rằng tàu này có liên quan mật thiết với con tàu cùng tên gắn cờ Trung Quốc vì các tàu đã gặp nhau 19 lần vào tháng 7 và tháng 8 năm 2020.

Trong ba trường hợp khác, các tàu khác nhau có cùng tên và số hiệu Tổ chức Hàng hải Quốc tế (International Maritime Organization – IMO). Cả tàu Chang An 168 và tàu Chang Tai 812 đều có chung tên và số hiệu IMO với một tàu khác, mặc dù trong trường hợp sau, các tàu có số Nhận dạng Dịch vụ Hàng hải Di động (Mobile Maritime Service Identity – MMSI) khác nhau. Một cái tên, Jin Hai 779, được sử dụng bởi ba tàu đánh cá trong khu vực, mỗi tàu cũng sử dụng số IMO và MMSI giống hệt nhau. Việc nhiều tàu sử dụng tên và số nhận dạng giống hệt nhau là bất hợp pháp. Ngoài ra, hai tàu có tên tương tự, tàu Jia De 12 và Jia Da 12, nhưng chỉ có tàu thứ nhất nằm trong danh sách tàu đã đăng ký của SPRFMO.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Phân tích này đã xem xét đội tàu Trung Quốc xung quanh Galapagos để hiểu rõ hơn về lối cư xử chung của những tàu này qua thời gian, các yếu tố thúc đẩy của ngành và một số chiến thuật gần đây của đội tàu, và để xác định xem có xảy ra tình trạng đánh bắt IUU hay không. Trong hầu hết các trường hợp, những điều có thể phát hiện được có thể không phải là bất hợp pháp, và đội tàu Trung Quốc rõ ràng đang hành động thận trọng để tạo ấn tượng là họ tuân thủ luật pháp quốc gia và quốc tế. Như những thay đổi gần đây trong chính sách của Trung Quốc cho thấy, một số sự tuân thủ này có khả năng là thực chất. Trung Quốc quan tâm đến danh tiếng quốc tế của mình, và kiến thức về bảo vệ môi trường biển của cộng đồng quốc tế đang tăng lên.

Đồng thời, các ưu tiên trong nước cũng đòi hỏi nguồn lực của Trung Quốc đang dẫn đến một số hoạt động đánh bắt cá có khả năng cao là bất hợp pháp và chắc chắn là hoạt động không được báo cáo và không được kiểm soát, đòi hỏi những phản ứng khác nhau về mặt chính sách. Các bằng chứng cho thấy rằng hoạt động của tàu tối và thủ đoạn gian xảo trên phạm vi nhiều quốc gia đang che đậy việc đánh bắt cá bất hợp pháp bên trong EEZ của Ecuador xung quanh Galapagos. Nếu Ecuador có thể giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động không chỉ của đội tàu, mà còn của các công ty sở hữu đội tàu và các tàu phục vụ nó, người ta có thể nắm được một bức tranh hoàn chỉnh hơn.

Các hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển ngoài khơi bên ngoài EEZ Galapagos là không được kiểm soát, và xét từ quan điểm môi trường, tổng nỗ lực đánh bắt cá dường như không bền vững và vô trách nhiệm. Đội tàu có lẽ sẽ không thể hoạt động nếu không có những khoản trợ cấp khổng lồ mà chính phủ Trung Quốc cung cấp mỗi năm. Vào năm 2018, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 21% trong tất cả các khoản trợ cấp cho ngành thủy sản trên toàn cầu và 27% trong các khoản trợ cấp toàn cầu gây hại. Hầu bao rủng rỉnh của chính phủ Trung Quốc dẫn đến một đội tàu đánh cá toàn cầu vượt xa quy mô của bất kỳ đội tàu nào khác.

Tuy rằng phân tích này tập trung vào các tháng cao điểm là tháng 7 và tháng 8 năm 2020 xung quanh Galapagos, hiện tượng này chưa hề chấm dứt — hầu hết các tàu đã di chuyển về phía nam và, tính đến giữa tháng 10 năm 2020, tập trung ở vùng biển ngoài khơi bên ngoài phần trung tâm và phía nam của EEZ Peru (Hình 11).

Việc ứng phó với đánh bắt cá ở vùng biển ngoài khơi phải mang tính toàn cầu. Hiểu biết khoa học về các ngư trường ở vùng biển ngoài khơi không được phong phú bằng hiểu biết về các ngư trường ven bờ, và do đó phương thức tiếp cận có tính phòng ngừa là rất quan trọng. Việc đánh bắt không bền vững không chỉ đe dọa an ninh lương thực lâu dài và sức sống kinh tế của ngành này, mà còn có thể làm giảm sự đa dạng sinh học biển vốn đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Ở cấp quốc gia, Chương trình Giám sát Nhập khẩu Hải sản của Hoa Kỳ có thể được mở rộng để bao gồm mực, là sinh vật chính mà các đội tàu nhắm đến. Ở cấp khu vực, các tổ chức như Ủy ban Thường trực Nam Thái Bình Dương, đại diện cho lợi ích tập thể của ngành thủy sản và cơ quan quản lý của Chile, Colombia, Ecuador và Peru, có thể hợp tác trong công tác quản lý và bảo vệ vùng biển ngoài khơi. Ở cấp quốc tế, chúng ta phải hỗ trợ các nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm thiết lập một thỏa thuận về bảo vệ đa dạng sinh học trong các khu vực ngoài thẩm quyền của quốc gia. Kết quả của các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới về những khoản trợ cấp cho ngành thủy sản cũng sẽ rất quan trọng. Trung Quốc đang tìm kiếm sự miễn trừ, lập luận nước này vẫn là một nước đang phát triển.

Tuy nhiên, sự phát triển không bao giờ được phép gây thiệt hại cho toàn bộ hành tinh, và các hoạt động đánh bắt cá không bền vững trên khắp thế giới đã gây áp lực cực lớn lên trữ lượng cá toàn cầu và khiến sức khỏe đại dương bị sụt giảm đáng kể. Khả năng duy trì sự sống của con người phụ thuộc vào khả năng duy trì các tài nguyên cần thiết cho nguồn dinh dưỡng thiết yếu của chúng ta. Dù vấn đề này được đưa ra để tranh luận về mặt pháp lý, chính trị hay môi trường, thì về cơ bản, nó là một mối quan tâm cho tất cả nhân loại.  

Bài viết này đã được xuất bản lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 10 năm 2020, trên trang web của Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc tế. Windward đã cung cấp dữ liệu và trực quan hóa cho các Hình ảnh 1 và 5-11. Bài đã được biên tập để phù hợp với hình thức của DIỄN ĐÀN. 

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button