Các bài nổi bật

Soi rọi Những Đội tàu Tăm tối

Hình ảnh vệ tinh vạch trần hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp

Tiến sĩ Jaeyoon Park và Tiến sĩ Jungsam Lee, cùng cộng sự

Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (llegal, unreported and unregulated – IUU) đe dọa tính bền vững của tài nguyên và sự công bằng. Một thách thức lớn với hoạt động kiểu này là hầu hết các tàu cá không phát sóng vị trí của mình và ở vùng “tối” trong các hệ thống giám sát công cộng. Kết hợp bốn công nghệ vệ tinh, chúng tôi đã xác định được hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp trên diện rộng bởi các đội tàu tối trong vùng biển giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. Chúng tôi đã phát hiện hơn 900 tàu có nguồn gốc Trung Quốc vào năm 2017 và hơn 700 tàu vào năm 2018 đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển Bắc Triều Tiên, bắt được lượng Todarodes pacificus (mực ống Nhật Bản) ước tính xấp xỉ bằng tổng sản lượng của cả Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại (hơn 164.000 tấn trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng (440 triệu đô la Mỹ)). Ngoài ra, chúng tôi đã phát hiện 3.000 tàu đánh cá quy mô nhỏ của Bắc Triều Tiên đánh bắt, phần lớn là bất hợp pháp, ở vùng biển của Nga. Những kết quả này có thể cung cấp thông tin cho công tác giám sát độc lập trong ngành ngư nghiệp xuyên biên giới và dự báo một kỷ nguyên mới trong hoạt động giám sát các ngư trường qua vệ tinh.

Vào tháng 10 năm 2018, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết hơn 230 nghìn tỷ đồng (10 tỷ đô la Mỹ) để bảo vệ các đại dương của thế giới. Một mục tiêu quan trọng của sáng kiến này là giảm đánh bắt cá IUU, hoạt động dẫn đến thiệt hại hàng tỷ đô la, đe dọa đến trữ lượng thủy sản và hệ sinh thái biển, đồng thời gây nguy hiểm đến sinh kế và an ninh lương thực của những ngư dân và cộng đồng hợp pháp. Tuy nhiên, việc đánh bắt IUU thường được thực hiện bởi các “đội tàu tối” — các tàu không xuất hiện trong những hệ thống giám sát công cộng — và do đó khó có thể ngăn chặn. 

Mặc dù nhiều tàu tối phát sóng vị trí của mình trên các hệ thống giám sát tàu do quốc gia bắt buộc, những dữ liệu này thường được bảo vệ chặt chẽ, hạn chế khả năng sử dụng cho việc giám sát hoặc quản lý xuyên biên giới của bên thứ ba. Vạch trần các hoạt động của những tàu tối có thể giải quyết lỗ hổng thông tin này, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. 

Những thách thức này với các đội tàu tối và đánh bắt cá IUU được thể hiện rõ nét trong các vùng biển được bao quanh bởi Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga, nơi căng thẳng địa chính trị và các ranh giới có sự tranh chấp tạo ra khoảng trống về dữ liệu và quản lý chung. Ở những vùng biển ít được giám sát này, một vài đội tàu đang cùng đánh bắt cùng một trữ lượng mực ống Nhật Bản, bao gồm đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc. Mặc dù đội tàu Trung Quốc đã đánh bắt ở vùng biển Bắc Triều Tiên kể từ năm 2004, hoạt động đánh bắt và sản lượng đánh bắt của họ chỉ thỉnh thoảng mới được công bố, và đã không được công bố kể từ năm 2016. 

Việc thiếu sự chia sẻ thông tin này ngăn cản việc đánh giá chính xác trữ lượng thủy sản trong một ngư trường nơi mà sản lượng đánh bắt được báo cáo đã giảm lần lượt là 80% và 82% ở vùng biển Hàn Quốc và Nhật Bản kể từ năm 2003. Việc không thể đánh giá trữ lượng thật đáng lo ngại khi xem xét đến vai trò then chốt của mực trong khu vực này. Mực ống Nhật Bản là loại hải sản đứng đầu của Hàn Quốc theo giá trị sản xuất, một trong năm loại hải sản hàng đầu được tiêu thụ ở Nhật Bản và, cho đến khi bị trừng phạt gần đây, là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Bắc Triều Tiên. 

Vào năm 2017, sau khi Bắc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua các nghị quyết để trừng phạt nước này, hạn chế hoạt động đánh bắt cá nước ngoài sau tháng 9 năm 2017. Các nghị quyết này cấm việc mua hải sản từ Bắc Triều Tiên, liên doanh giữa Bắc Triều Tiên và các nước khác mà không có sự chấp thuận của Liên Hợp Quốc và cấm Bắc Triều Tiên bán hoặc chuyển giao quyền đánh bắt hải sản. 

Vì các biện pháp trừng phạt theo Chương VII của Hiến chương Liên Hợp Quốc có tính ràng buộc và được thực hiện thông qua luật pháp và chính sách trong nước, nếu các tàu Trung Quốc có bất kỳ vi phạm nào đối với các biện pháp trừng phạt này kể từ tháng 9 năm 2017 sẽ được coi là vi phạm luật pháp quốc tế công cộng và luật pháp trong nước của Trung Quốc. Mặc dù vậy, lực lượng Cảnh sát Biển Hàn Quốc đã quan sát thấy hàng trăm tàu đi vào vùng biển Bắc Triều Tiên, và các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên đối với các tàu này của Cơ quan Quản lý Ngư nghiệp Biển Đông cho thấy các tàu đó có nguồn gốc Trung Quốc. Bằng chứng về việc Trung Quốc tiếp tục đánh bắt cá ở vùng biển Bắc Triều Tiên cũng được chứng minh qua tài liệu trong nước của Trung Quốc. 

Để soi rọi hoạt động của những đội tàu tối ở một trong những khu vực có nhiều tranh chấp nhất trong số các đại dương trên thế giới, các nhà nghiên cứu đã kết hợp chuyên môn địa phương với bốn công nghệ vệ tinh. Các công nghệ riêng lẻ có những hạn chế riêng biệt nhưng, khi kết hợp với nhau, có thể cung cấp một bức tranh giàu thông tin về hoạt động đánh bắt cá. Hệ thống nhận dạng tự động (Automatic identification systems – AIS) cung cấp thông tin chi tiết về chuyển động và nhận dạng nhưng chỉ được sử dụng bởi một số lượng rất nhỏ các tàu. Vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (synthetic aperture radar – SAR) có thể nhận dạng tất cả các tàu kim loại lớn và xuyên qua các đám mây nhưng thiếu khả năng giám sát thường xuyên, bao quát các đại dương. Cảm biến Bộ đo Phóng xạ Hình ảnh Hồng ngoại Khả kiến (Visible Infrared Imaging Radiometer Suite – VIIRS) có thời gian xem lại toàn cầu, hàng ngày và có thể phát hiện các tàu có ánh sáng mạnh nhưng bị hạn chế khi trời có mây. 

Cuối cùng, hình ảnh quang học có độ phân giải cao cung cấp sự xác nhận trực quan tốt nhất về hoạt động và loại tàu nhưng cũng bị hạn chế bởi các đám mây và, cho đến gần đây, không có ở độ phân giải đủ cao và thời gian xem lại đủ thường xuyên để giám sát các đội tàu đánh cá trải dài trong các vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone – EEZ). Mặc dù bốn công nghệ này trước đây đã được sử dụng để ước tính hoạt động đánh bắt cá và xác định các tàu cá riêng lẻ, nhưng chúng chưa được kết hợp để công khai các hoạt động và lượng hải sản đánh bắt được như ước tính của toàn bộ các đội tàu ở quy mô này.

KẾT QUẢ 

Để theo dõi hoạt động của các tàu này, chúng tôi đã thu được hình ảnh quang học có độ phân giải 3 mét trong 22 ngày từ chòm vệ tinh của công ty Planet chuyên chụp ảnh Trái đất, có tên là PlanetScope. Hệ thống này chụp hầu hết phần EEZ mà Triều Tiên tuyên bố chủ quyền vào năm 2017 và 2018. Sau đó, chúng tôi đã đào tạo một mạng lưới thần kinh phức tạp để xác định các tàu đánh cá bằng lưới rà theo cặp trong hình ảnh này, vì những tàu này thể hiện một kiểu đánh bắt riêng và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các tàu nước ngoài ở khu vực này. (Một tàu đánh cá bằng lưới rà theo cặp là một trong hai tàu kéo một tấm lưới.) Sau khi xác định vị trí của đội tàu bằng mạng nơ-ron, chúng tôi giao cho các vệ tinh SkySat có độ phân giải 0,72 mét của Planet nhiệm vụ chụp ảnh các tàu này, tiếp tục xác minh rằng chúng là tàu đánh cá bằng lưới rà theo cặp. Chúng tôi cũng sử dụng hình ảnh SAR từ ba vệ tinh để xác minh vị trí và quy mô của đội tàu. Với những dữ liệu này, chúng tôi ước tính có ít nhất 796 cặp tàu đánh bắt cá bằng lưới rà khác nhau hoạt động ở vùng biển Bắc Triều Tiên trong năm 2017 và ít nhất 588 cặp hoạt động trong năm 2018. Chỉ có một số nhỏ các tàu này phát tín hiệu AIS, nhưng các tín hiệu từ những tàu phát AIS cho thấy rằng các tàu này có nguồn gốc từ các cảng Trung Quốc và đánh bắt trong vùng biển Trung Quốc. 

Một tàu chiếu sáng dài 55-60 mét của Trung Quốc di chuyển gần vùng biển Bắc Triều Tiên. SCIENCE ADVANCES

Để xác minh thêm nguồn gốc Trung Quốc của chúng, chúng tôi đã đối chiếu các phát hiện AIS từ 140 tàu này với hình ảnh từ Planet. Các tín hiệu AIS của các tàu này chứng thực các cuộc kiểm tra của Lực lượng Cảnh sát Biển Hàn Quốc, xác nhận rằng chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Các tàu đánh cá thường gặp thứ hai được cho là có nguồn gốc Trung Quốc ở vùng biển Bắc Triều Tiên là “tàu chiếu sáng” lớn, dài 55 đến 60 mét, sử dụng đèn sáng để thu hút các loài mục tiêu; chúng tôi đã xác định các tàu này bằng cách sử dụng hình ảnh quang học có độ phân giải thấp, độ nhạy cao được VIIRS tạo ra vào ban đêm. Mặc dù một số đội tàu trong khu vực sử dụng đèn, các tàu của Trung Quốc được biết đến là sáng nhất, mang theo đến 700 bóng đèn sợi đốt và tạo ra hơn 1.000 lux, tương đương với ánh sáng của một số sân vận động bóng bầu dục. Độ sáng này cho phép chúng tôi phân biệt các tàu này với các đội tàu khác trong khu vực, và chúng tôi đã xác nhận cách phân loại tàu này bằng cách giao cho SkySat có độ phân giải cao hơn của Planet nhiệm vụ chụp ảnh một khu vực nơi các tàu sáng này tập hợp lại. 

VIIRS cho phép chúng tôi ước tính tối thiểu 108 tàu chiếu sáng có nguồn gốc Trung Quốc hoạt động ở vùng biển Bắc Triều Tiên vào năm 2017 và 130 vào năm 2018. Chúng tôi cũng phát hiện các tàu chiếu sáng cường độ thấp, được xác định là đội tàu quy mô nhỏ của Bắc Triều Tiên. Đội tàu này bao gồm các tàu gỗ nhỏ dài từ 10 đến 20 mét với chỉ từ năm đến 20 bóng đèn. Chúng tôi đã tiếp tục xác minh loại tàu thông qua hình ảnh của SAR và Planet chụp cảng Chongjin, Bắc Triều Tiên. Chúng tôi đã ước tính có khoảng 3.000 tàu của Bắc Triều Tiên đánh cá ở EEZ của Nga trong năm 2018. 

Dữ liệu từ những vệ tinh này cũng cho phép chúng tôi định lượng những thay đổi trong hoạt động của tàu theo thời gian. Đối với các tàu cỡ nhỏ của Bắc Triều Tiên, chúng tôi ước tính rằng số ngày đánh bắt cá đã tăng lên mỗi năm trong giai đoạn bốn năm, từ 39.000 vào năm 2015 lên 222.000 vào năm 2018. Đối với các tàu có xuất xứ từ Trung Quốc, chúng tôi ước tính 91.400 ngày đánh bắt trong năm 2017 (82.600 của các tàu đánh bắt cá bằng lưới rà theo cặp và 8.800 của các tàu chiếu sáng) và 67.300 ngày đánh bắt trong năm 2018 (60.700 của các tàu đánh bắt cá bằng lưới rà theo cặp và 6.600 của các tàu chiếu sáng). Những con số này chiếm 70% trong năm 2017 và 91% trong năm 2018 của số ngày đánh bắt cá mà người ta sẽ ước tính dựa trên số lượng tàu Trung Quốc đi vào hoặc ra khỏi vùng biển Bắc Triều Tiên mỗi tháng, theo tính toán của Lực lượng Cảnh sát Biển Hàn Quốc. 

Nếu chúng tôi giả định một cách thận trọng rằng lượng đánh bắt trên mỗi đơn vị ngư cụ (catch per unit effort – CPUE) đối với tàu đánh bắt bằng lưới rà theo cặp và tàu chiếu sáng có nguồn gốc Trung Quốc tương tự như các tàu nhỏ hơn ở vùng biển gần đó, tổng lượng đánh bắt khả thi theo ước tính của Trung Quốc sẽ tương ứng với khoảng 101.300 tấn mực trị giá hơn 6 nghìn 300 tỷ đồng (275 triệu đô la Mỹ) vào năm 2017 và 62.800 tấn mực trị giá hơn 3 nghìn 900 tỷ đồng (171 triệu đô la Mỹ) vào năm 2018. Sản lượng như vậy sẽ bằng xấp xỉ sản lượng của Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại từ tất cả các vùng biển xung quanh hai nước này. 

BÀN LUẬN 

Số lượng lớn các tàu trước đây không được giám sát này đặt ra một thách thức đáng kể cho việc quản lý trữ lượng hải sản. Một tình thế bế tắc về chính trị chủ yếu do xung đột chủ quyền và tranh chấp ranh giới biển đã ngăn cản việc quản lý ngư trường chung của khu vực, trong khi các nỗ lực hiện có ở cấp độ nhà nước không hiệu quả vì thiếu dữ liệu chung về công tác giám sát tàu, sắp xếp quản lý và đánh giá trữ lượng hải sản toàn diện. Ví dụ, để ngăn chặn việc đánh bắt quá mức, Hàn Quốc đặt ra tổng sản lượng đánh bắt cho phép đối với mực, giới hạn công suất chiếu sáng của dây câu mực, cấm đánh bắt bằng lưới rà theo cặp và cho phép dưới 40 tàu đánh bắt nhỏ bằng lưới rà. 

Tuy nhiên, nhiều khả năng là đội tàu Trung Quốc, cũng đánh bắt cùng một trữ lượng hải sản, sử dụng công suất chiếu sáng mạnh hơn, đánh bắt bằng lưới rà theo cặp và số lượng tàu lớn hơn. Với tỷ lệ CPUE đang giảm của dây câu mực Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như mức độ sụt giảm mạnh của mật độ ấu trùng mực kể từ năm 2003, số lượng lớn các tàu được công bố thông qua nghiên cứu này đặc biệt đáng lo ngại. 

Ngoài những mối quan ngại về tính bền vững, còn có những tác động đáng kể đối với công tác quản trị ngư trường và tình hình địa chính trị của khu vực. Các tàu này có nguồn gốc từ Trung Quốc và, dựa trên các cuộc kiểm tra của các nhà chức trách Hàn Quốc, được cho là thuộc quyền sở hữu và dưới sự điều hành của các nhóm lợi ích Trung Quốc. Tuy nhiên, vì các tàu thường không mang theo giấy phép đúng chuẩn mực, chúng có thể được gọi là tàu ba-không, hoạt động bên ngoài quyền kiểm soát chính thức của Trung Quốc, không có đăng ký, không có cờ và không có giấy phép hoạt động. 

Những chiếc thuyền đánh cá của Trung Quốc đi trên vùng biển quốc tế quanh đảo Ganghwa, Hàn Quốc. THE ASSOCIATED PRESS

Nếu các tàu này không có sự chấp thuận của cả chính phủ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, tức là đang đánh bắt bất hợp pháp; các quy định của Trung Quốc bắt buộc phải có sự chấp thuận của bộ trưởng thì mới được đánh bắt ở vùng biển nước ngoài và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cấp cho các quốc gia ven biển chủ quyền trong việc quản lý tài nguyên biển sống trong vùng biển của họ. Một hướng giải thích khác, nếu các tàu này đang hoạt động với sự chấp thuận của một trong hai hoặc cả hai chính phủ, thì (các) chính phủ đó vi phạm các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đáng chú ý, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ kịch bản này, xác nhận sự tuân thủ của họ đối với các biện pháp trừng phạt hiện được áp dụng. Bất kể là kịch bản nào, mỗi kịch bản đều dẫn đến việc vi phạm một trong hai hoặc cả luật pháp quốc tế và luật pháp trong nước. 

Ghi nhớ điều này, phân tích của chúng tôi đã xác định được hơn 900 tàu đánh cá bất hợp pháp riêng lẻ vào năm 2017 sau khi các lệnh trừng phạt bắt đầu và hơn 700 tàu vào năm 2018, thể hiện trường hợp đánh bắt cá bất hợp pháp lớn nhất được biết đến do một đội tàu đánh bắt xa bờ duy nhất thực hiện. 

Sự hiện diện của đội tàu nước ngoài này cũng gây hậu quả nặng nề cho các tàu đánh cá quy mô nhỏ của Bắc Triều Tiên. Bằng chứng cho thấy sự cạnh tranh từ những tàu đánh cá bằng lưới rà lớn hơn này buộc những chiếc thuyền gỗ quy mô nhỏ phải chuyển nỗ lực đáng kể sang vùng biển lân cận của Nga. Loại thay đổi để đối phó với các đội tàu nước ngoài đã được ghi nhận ở những nơi khác và cũng nhất quán với sinh thái của các ngư trường địa phương trong khu vực này. 

Trong quý cuối cùng của năm, mực ống Nhật Bản di cư về phía nam, qua vùng EEZ của Nga, tạo cơ hội cho người Bắc Triều Tiên đánh bắt trước khi các đội tàu nước ngoài vét sạch trữ lượng. Tuy nhiên, một phần lớn hoạt động đánh bắt của Bắc Triều Tiên ở vùng biển của Nga cũng là bất hợp pháp. Chính phủ Nga đã cho phép ít hơn 100 chiếc thuyền của Bắc Triều Tiên kể từ năm 2014, và vào năm 2017, không có giấy phép nào được cấp. Trái ngược với điều đó, chúng tôi ước tính khoảng 3.000 tàu đã đánh bắt ở vùng biển này trong năm 2018. Những con thuyền thủ công của Bắc Triều Tiên rất thiếu trang thiết bị cho những chuyến đi dài cần thiết để đến ngư trường của Nga. Kết quả là, từ năm 2014 đến năm 2018, 505 thuyền của Bắc Triều Tiên đã bị sóng đánh dạt vào bờ biển Nhật Bản. 

Những sự cố này thường dẫn đến tình trạng đói và tử vong, và các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng nhiều làng chài ở bờ biển phía đông của Bắc Triều Tiên hiện đã được đặt tên là “làng góa phụ”. Các hình thức đánh bắt cá bất hợp pháp được ghi nhận ở đây có nhiều khả năng gây ra tác động nặng nề cho cả hải sản và ngư dân. 

Chúng tôi đề xuất rằng phân tích này đại diện cho sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong giám sát ngành thủy sản bằng vệ tinh. Nhiều nguồn vệ tinh đã tồn tại từ lâu để các cơ quan chính phủ thực hiện hoạt động giám sát có mục tiêu. Tuy nhiên, chỉ gần đây, khi lượng dữ liệu có sẵn, khả năng truy cập và sức mạnh tính toán tăng lên, thì các kỹ thuật này hiện mới có thể được thực hiện ở quy mô không gian và thời gian đủ lớn — và bởi các nhóm nhỏ gồm những nhà nghiên cứu độc lập — để thực hiện việc giám sát ngành thủy sản một cách minh bạch. Mặc dù một số khía cạnh của nghiên cứu này chỉ áp dụng với khu vực (ví dụ, sự phổ biến của tàu đánh cá bằng lưới rà), hầu hết các kỹ thuật có thể dễ dàng được sử dụng ở nơi khác, chẳng hạn như kết hợp AIS với các phát hiện tàu từ hình ảnh vệ tinh hoặc radar có sẵn và cho phép truy cập tự do trên toàn cầu. 

Đối với các nguồn dữ liệu vệ tinh chưa sẵn có để được tự do truy cập, chẳng hạn như radar vệ tinh thương mại hoặc hình ảnh quang học có độ phân giải cao, chi phí cho mỗi hình ảnh đang giảm nhanh chóng. Kết hợp các công nghệ vệ tinh này có thể vạch trần các hoạt động của các đội tàu tối, lấp đầy một khoảng trống lớn trong việc quản lý ngành thủy sản xuyên biên giới. 

Hơn nữa, những công nghệ này, khi đi kèm với chuyên môn địa phương, có thể xác định các điểm nóng tiềm năng của đánh bắt cá IUU. Ngành thủy sản toàn cầu từ lâu đã bị chi phối bởi một nền văn hóa che đậy và giấu diếm, và đạt được một cái nhìn toàn diện về các hoạt động đánh bắt trên biển là một bước quan trọng hướng tới việc quản lý bền vững và có tính hợp tác cho ngành thủy sản.  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button