Chuyên mục

Nỗ lực An ninh Hàng hải Tăng lên ở Philippines

Tiến sĩ Scott Edwards

Philippines phải đối mặt với một loạt các vấn đề an ninh, bao gồm các vụ bắt cóc để cấp tiền cho những hoạt động khủng bố; cướp biển trong một khu vực mà lượng hàng hóa trị giá hơn 918 nghìn tỷ đồng (40 tỷ đô la Mỹ) đi qua; buôn bán ma túy, vũ khí và con người; buôn lậu thuốc lá, rượu bia và nhiên liệu; cũng như đánh bắt cá bất hợp pháp mà không chỉ phá hủy môi trường biển mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế của quốc gia.

Tuy nhiên, ở cấp độ chính sách, chính phủ và Hải quân Philippines tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực địa chính trị truyền thống — chủ yếu là lo ngại về các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) ở Biển Đông. Điều này có thể làm xao nhãng sự chú ý khỏi một loạt các vấn đề tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đang diễn ra ở vùng biển của Philippines.

Sự đa dạng của các mối đe dọa hàng hải làm phức tạp công tác thực thi pháp luật. Lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Đội Cảnh sát Biển Quốc gia và Trung tâm Giám sát Bờ biển Quốc gia (National Coast Watch Center – NCWC) tạo thành lực lượng nòng cốt của mạng lưới các tổ chức có nhiệm vụ đóng góp vào các khía cạnh của an ninh hàng hải. Các cơ quan này có chung mối quan tâm chính: tình trạng thiếu năng lực, chủ yếu được hiểu là các thiết bị vật chất. Vận động hành lang để có nguồn lực lớn hơn thường khó khăn, và ngân sách an ninh hàng hải vẫn chịu sự chi phối của Hải quân. Do đó, những người làm trong lực lượng Cảnh sát Biển và Hải quân đã đề xuất rằng cần phải chia sẻ thông tin và vận động để nâng cao nhận thức về phạm vi của các vấn đề an ninh hàng hải. Cho đến nay, việc này đã được thực hiện thông qua chiến dịch Tháng Nhận thức về Quốc gia Hàng hải và Quần đảo, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Giám sát Bờ biển Quốc gia.

Tất cả các cơ quan tham gia đều nhận thức được rằng sự hợp tác tốt hơn có thể giúp giảm thiểu lỗ hổng về năng lực thông qua việc tập hợp các nguồn lực. Tuy nhiên, những thách thức trong công tác điều phối và tình trạng rối rắm do vai trò chồng chéo vẫn tiếp tục. Hải quân và Cảnh sát Biển đã được tách ra vào năm 1998 và thường rơi vào cảnh cạnh tranh với nhau để có các nguồn lực. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch và, đôi khi, là sự căng thẳng giữa hai cơ quan.

Gần đây, đã có một sự chuyển biến đầy hứa hẹn liên quan đến việc phối hợp bất chấp các vấn đề này, và có một cảm giác lạc quan trong các cơ quan rằng các mối quan hệ đang đi đúng hướng. Có hai diễn biến thu hút được sự chú ý.

Một tàu của Cảnh sát Biển Philippines đi ngang qua một tàu của Cảnh sát Biển Trung Quốc trong một cuộc tập trận tìm kiếm và cứu hộ giữa lực lượng cảnh sát biển của Philippines và Hoa Kỳ gần Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. AFP/GETTY IMAGES

Thứ nhất, NCWC đi vào hoạt động trong năm 2015 với vai trò là đầu mối liên hệ để điều phối những hoạt động về an ninh hàng hải. Mặc dù NCWC thiếu khả năng chỉ huy (ví dụ như so với Trung tâm Điều phối Thực thi Pháp luật Hàng hải của Thái Lan), trung tâm này có thể tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan bằng cách đóng vai trò là đầu mối và nguồn thông tin liên quan đến lãnh hải của Philippines. NCWC vận hành một hệ thống giám sát bờ biển đang mở rộng. Hệ thống này tạo nền tảng cốt lõi trong nhận thức về lĩnh vực hàng hải của Philippines.

Thứ hai, một quy trình liên cơ quan đã được soạn thảo để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự hợp tác. Đây được coi là một bước quan trọng để hướng tới xác định trách nhiệm của các cơ quan trong chính sách an ninh hàng hải của Philippines, mặc dù quy trình này không phải là một chiến lược hàng hải quốc gia
trọn vẹn.

Hợp tác quốc tế xung quanh an ninh hàng hải cũng đã trở thành một trọng tâm của Philippines. Lực lượng Cảnh sát Biển đã chỉ đạo các sáng kiến bao gồm Nhóm Liên hệ về tội phạm hàng hải ở biển Sulu và Celebes, do Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm Chương trình Tội phạm Hàng hải Toàn cầu đồng quản lý và tập hợp các nhân tố hoạt động trong lĩnh vực an ninh hàng hải từ khắp nơi trong khu vực, và nhóm này cũng đã ký một biên bản ghi nhớ với Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia. Một thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Indonesia, Malaysia và Philippines — kết hợp những cuộc tuần tra có sự phối hợp ở vùng biển Sulu và Celebes và chia sẻ thông tin — đang được hoàn thiện bất chấp các tranh chấp chủ quyền đang diễn ra.

Nhờ kết quả của các sáng kiến này, có sự lạc quan ngày càng tăng, tuy vẫn thận trọng, rằng bất chấp những thiếu hụt đã biết trong năng lực về trang thiết bị, Philippines sẽ có thể đạt được an ninh hàng hải tốt hơn nếu nước này tiếp tục tăng cường sự phối hợp trong nước và quốc tế.

Các thành viên của Nhóm Cảnh sát Hàng hải Quốc gia, NCWC, Hải quân và Cảnh sát Biển đã lập luận rằng bước quan trọng nhất sẽ là một chiến lược xác định rõ những vấn đề và ưu tiên trong an ninh hàng hải của Philippines và phân định vai trò của các cơ quan hàng hải trong đó. Điều này sẽ giúp nêu bật những vấn đề an ninh hàng hải rộng hơn ngoài địa chính trị. Nó cũng có thể làm giảm các trở ngại đối với sự phối hợp bằng cách thể hiện các điểm quan tâm chung, thiết lập các lĩnh vực trách nhiệm và cung cấp một cơ sở rõ ràng hơn cho hành động từ nay về sau.

Tiến sĩ Scott Edwards là nghiên cứu viên của SafeSeas, một mạng lưới các nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải, quản trị đại dương và tội phạm trên biển. Ông đã xuất bản bài viết này sau chuyến nghiên cứu đến Philippines, nơi ông tập trung vào các chuyên gia an ninh. SafeSeas đã xuất bản bài viết này lần đầu vào tháng 10 năm 2019. Bài đã được biên tập để phù hợp với hình thức của DIỄN ĐÀN.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button