Câu chuyện Nổi bật

Ngành phòng thủ của Hàn Quốc sử dụng công nghệ robot để tăng cường năng lực, xuất khẩu

Felix Kim

Theo các quan chức chính phủ, tự động hóa sẽ đóng một vai trò ngày càng tăng trong lĩnh vực quốc phòng của Hàn Quốc, với các công nghệ được nâng cao tăng cường năng lực phòng thủ của quốc gia này và định vị Hàn Quốc trong vai trò là một nước xuất khẩu hàng đầu trong ngành quốc phòng.

Các nhà phân tích cho biết, việc chế tạo robot để thực hiện các nhiệm vụ hiện đang được thực hiện bởi con người cũng sẽ mang lại lợi ích cho một quốc gia có dân số và nguồn nhân công đang giảm, đặc biệt là những nam thanh niên có đủ điều kiện nhập ngũ.

“Chính phủ [Hàn Quốc] đã dự kiến tổng số binh sĩ sẽ giảm từ 590.000 vào năm 2018 xuống còn 500.000 vào năm 2022; giảm gần 100.000 binh sĩ chỉ trong bốn năm”, Tiến sĩ Kim Jae Yeop thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Vành đai Thái Bình Dương (Pacific Rim Institute for Strategic Studies) chia sẻ với DIỄN ĐÀN. “Hơn nữa, dựa trên xu hướng tỷ lệ sinh thấp, một số nghiên cứu dự báo rằng [Hàn Quốc] có thể buộc phải giảm quân số xuống còn 400.000 hoặc thậm chí ít hơn vào đầu những năm 2030”.

Với số lượng binh sĩ đang ít dần, quân đội nước này đang theo đuổi “việc phát triển các hệ thống robot và không người lái như một giải pháp thay thế”, ông Kim cho biết.

Những khoản tăng ngân sách cho máy bay không người lái và kế hoạch đầy tham vọng về việc sử dụng robot trong nhà bếp quân đội là một trong những chủ đề được đưa ra bởi Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook và ông Moon Sung-wook, bộ trưởng bộ thương mại, công nghiệp và năng lượng, tại cuộc họp Hội đồng Phát triển Công nghiệp Quốc phòng lần thứ tám vào tháng 8 năm 2021, theo một thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng (Ministry of National Defense – MND).

Theo thông báo của ông Suh, MND sẽ chi hơn 728 tỷ đồng (32 triệu đô la Mỹ) để mua máy bay không người lái cho mục đích quân sự vào năm 2022, gấp hơn sáu lần số tiền chi trong năm 2021. Bộ cũng đồng ý tăng ngân sách mua sắm các sản phẩm thử nghiệm nhanh từ khoảng 592 tỷ đồng (26 triệu đô la Mỹ) trong năm 2021 lên gần 1 nghìn 200 tỷ đồng (53 triệu đô la Mỹ) trong năm 2022 để đưa công nghệ máy bay không người lái ra thị trường sớm hơn. (Ảnh: Một quân nhân Hàn Quốc xem một cuộc trình diễn máy bay không người lái trong triển lãm quốc phòng DX Korea 2020 ở Hàn Quốc.)

Ông Suh cho biết một lộ trình cho các yêu cầu trung hạn và dài hạn về máy bay không người lái thương mại đang được chuẩn bị, bao gồm các kế hoạch sử dụng máy bay không người lái dân sự trong các lĩnh vực khác nhau và kế hoạch trình bày thông tin cho các nhà sản xuất trong khu vực tư nhân. Điều này theo sau việc sử dụng thành công máy bay không người lái cho các chức năng quân sự như vận chuyển và giám sát, cũng như các thử nghiệm chiến đấu, ông nói.

Cũng tại cuộc họp hội đồng, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng đã kêu gọi áp dụng “mô hình quy trình tiêu chuẩn sử dụng robot” vào việc cung cấp lương thực cho quân đội trong vòng một năm với sự hợp tác của MND và Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng. Theo kế hoạch này, robot sẽ thực hiện các công việc như chiên, xào, nấu canh và nấu ăn ở nhiệt độ cao cũng như phục vụ các bữa ăn cho binh lính tại Trung tâm Huấn luyện Quân đội.

Nếu chương trình này thành công, MND hy vọng sẽ mở rộng việc sử dụng robot đến các nhà bếp dã chiến để tự động hóa nhiều hơn nữa chuỗi cung ứng phục vụ ăn uống trong quân đội và cắt giảm nhân công.

Các robot cũng sẽ sớm có vai trò lớn hơn trong công tác sản xuất thiết bị phòng thủ, các quan chức cho biết tại cuộc họp của hội đồng. Điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành và dẫn đến “tăng xuất khẩu”, ông Moon nói.

Felix Kim là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Seoul, Hàn Quốc.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button